BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước 'cục nợ' từ quảng cáo tầm soát ung thư!

TS.BS. Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa ung thư, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản) |

Một bệnh nhân 45 tuổi tới phòng khám với tâm trạng lo lắng: Tôi đi kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư, được báo là "Chỉ số ung thư CEA dương tính, nên đi khám chuyên khoa".

Sau một hồi trao đổi, một loạt xét nghiệm khác bao gồm chụp CT, nội soi đại tràng, nội soi dạ dày được tiến hành cho bệnh nhân nhưng không tìm thấy bất kỳ khối u nào!

Đáng lẽ phải vui mừng thì ngược lại, bác sĩ giải thích chừng nào bệnh nhân cũng không hết lo vì "Người ta nói chỉ số này là chỉ số ung thư nên có lẽ ung thư phải có ở đâu đó!". 

Nhiều bệnh nhân còn nhấn mạnh: "Thêm tiền nữa cũng được nhưng ông phải tìm ra ung thư cho tôi!" để được an tâm. Đây là một trong nhiều tình huống hay gặp ở các phòng khám. Nhất là gần đây có nhiều chương trình khám sức khỏe hay tầm soát ung thư cuối năm, có khuyến mãi và giảm giá các chỉ số ung thư.

Nhưng, việc tìm ra ung thư vì chỉ số ung thư dương tính thật ra là chuyện hiếm.

BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước cục nợ từ quảng cáo tầm soát ung thư! - Ảnh 1.

Chỉ số ung thư là gì?

Trong bệnh ung thư, khối u có thể tiết ra những chất đặc trưng đủ cao/nhiều để đo được qua xét nghiệm máu. Với nhiều tên gọi như chất "chỉ thị ung thư", "dấu ấn ung thư" hay "chỉ số ung thư", những chất này đã được chú ý nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ trước với hi vọng giúp ích trong chẩn đoán hoặc phát hiện sớm ung thư. Hiện nay có tới hơn 30 loại chất chỉ thị ung thư có thể đo bằng xét nghiệm máu

Tuy vậy, vai trò của các chất chỉ thị ung thư này còn hạn chế; thậm chí nhiều nhà khoa học nói rằng chúng là "di sản" bị gọi nhầm hoặc hiểu nhầm. Trên thực tế, những chất này không thật sự đặc hiệu như "số áo định danh cầu thủ" được kỳ vọng ban đầu.

BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước cục nợ từ quảng cáo tầm soát ung thư! - Ảnh 3.

Có nhiều loại chỉ số ung thư cho mỗi loại ung thư khác nhau

Chỉ số ung thư: Không đặc hiệu

Mang tên là "chỉ số ung thư" nhưng những chỉ số này chẳng đặc hiệu cho một loại ung thư nào. Như CEA ở ví dụ trên có thể tăng ở ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tụy và một số loại khác. Hơn nữa, không chỉ ung thư mà nhiều bệnh và tình trạng lành tính khác như bệnh viêm đường ruột, tiểu đường, xơ gan, loét dạ dày, thậm chí hút thuốc lá cũng có thể làm tăng chỉ số CEA!

Chỉ số AFP giúp chỉ điểm ung thư gan nguyên phát lại có thể tăng khi bị viêm gan hoặc khi mang thai.

Chỉ số CA125 có thể tăng cao ở ung thư buồng trứng, tử cung, tụy, vú, đại trực tràng và cũng có thể tăng lên khi bị xơ gan, suy thận, bệnh viêm ruột, các tình huống sau mổ và thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.

Quan trọng hơn, nhiều khối u cũng thuộc nhóm ung thư đại tràng, dạ dày nhưng không hề làm tăng những chất này.

Chỉ số ung thư: Không đủ "phẩm chất" để dùng trong tầm soát

Như phân tích ở bài viết trước về PET/CT (đọc tại đây), có 7 tiêu chuẩn để đánh giá một xét nghiệm có thích hợp cho việc tầm soát ung thư trên người bình thường, tức chưa có triệu chứng nghi ngờ ung thư. Một trong các tiêu chí quan trọng là độ chính xác, cụ thể là độ nhạy và độ đặc hiệu, thì các xét nghiệm chỉ số ung thư lại không thỏa mãn.

BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước cục nợ từ quảng cáo tầm soát ung thư! - Ảnh 6.

Có thể hiểu rõ hơn qua ví dụ tính toán sau:

Giả sử tỉ lệ bị một loại ung thư trong cộng đồng là 1%, tức nếu có 1.000 người (cùng đi xét nghiệm) thì trong đó sẽ có 10 người bị ung thư và 990 người không bị.

Nếu một xét nghiệm có độ nhạy là 80%, nó sẽ trả lời được "Nghi ung thư" ở 8 (= 10 x 80%) người, và "bỏ sót" 2 người.

Nếu xét nghiệm đó có độ đặc hiệu là 80%, nó sẽ trả lời "Không phải ung thư" ở 792 (= 990 x 80%) người và "Nghi ung thư" ở 198 (= 990 - 792) người.

Như vậy, số bị ung thư thật trong tổng số 1000 người bị "nghi ung thư" sẽ chỉ là 4% (= 8/206).

Có nghĩa là nếu có 1.000 người đi xét nghiệm thì sẽ có hơn 200 người bị nói là "nghi ung thư" và rồi sau một loạt xét nghiệm cụ thể, tốn kém sẽ chẩn đoán ra 8 người bị ung thư thật sự.

Như vậy bạn đọc có thể tự mình thấy rõ hiệu quả kinh tế của việc làm này tới đâu và có đáng đầu tư không.

Không khó hiểu vì sao một số cơ sở y tế giảm giá, thậm chí miễn phí xét nghiệm chỉ số ung thư này vì sẽ có thêm hàng trăm "khách hàng tiềm năng" sử dụng các xét nghiệm chuyên sâu đắt đỏ khác để… hoàn vốn. Thêm vào đó, không chỉ làm một lần là xong mà những người có kết quả dương tính sẽ còn quay lại theo dõi, lặp lại xét nghiệm dài dài để xem "Tháng này "nó" tăng hay giảm"!Cách tính tỉ lệ "đoán đúng" của xét nghiệm. Nếu tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn, độ nhạy xét nghiệm thấp hơn thì tỉ lệ đoán đúng còn thấp hơn nữa.

BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước cục nợ từ quảng cáo tầm soát ung thư! - Ảnh 7.

Cách tính tỉ lệ "đoán đúng" của xét nghiệm. Nếu tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn, độ nhạy xét nghiệm thấp hơn thì tỉ lệ đoán đúng còn thấp hơn nữa.

Khuyến cáo từ các hiệp hội chuyên ngành

Cho dù một số chỉ số ung thư được chứng minh là giúp ích trong việc theo dõi tái phát trong khi điều trị ung thư (tức là trên người ĐÃ CÓ chẩn đoán ung thư), nhưng hầu hết chỉ số ung thư không có giá trị trong việc tầm soát ung thư.

Trên thực tế, ung thư lại thường được phát hiện nhờ các xét nghiệm khác chứ không phải là chỉ số ung thư trong các gói tầm soát.

Vì tác hại tăng thêm lo lắng và gián tiếp dẫn đến các xét nghiệm khác gây tổn hao tài chính và ảnh hưởng lên sức khỏe (do biến chứng của xét nghiệm) nên các hướng dẫn của những Hiệp hội ung thư ghi rõ: "Chỉ số ung thư không thích hợp cho việc phát hiện sớm ung thư ở người không có triệu chứng. Chỉ nên đo chỉ số này nếu kết quả thăm khám và khảo sát hình ảnh gợi ý nhiều về căn bệnh này".

Vận động Lựa chọn thông minh (Choosing Wisely), với cố gắng giảm thiểu việc chẩn đoán và điều trị thừa/quá mức tại Mỹ và Canada cũng nhấn mạnh "Không khuyến khích việc dùng chỉ số ung thư trong tầm soát".

Ảnh hưởng của truyền thông quảng cáo?

BS Phạm Nguyên Quý (từ Nhật): Năm hết Tết đến, đọc để tránh rước cục nợ từ quảng cáo tầm soát ung thư! - Ảnh 10.

Dù vậy, tại Việt Nam đang có rất nhiều người tin rằng chỉ số ung thư là phương tiện để tầm soát ung thư và nhiều phòng khám sử dụng chúng trong gói khám. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là thiếu kiến thức cập nhật, hoặc do ảnh hưởng của truyền thông- quảng cáo, và cả hiệu ứng đám đông.

Trong ví dụ trên, 96% bệnh nhân nhóm "nghi ung thư nhưng rốt cuộc chẳng phải" thường lẳng lặng không nói gì và chỉ thở phào nhẹ nhõm sau loạt xét nghiệm chuyên sâu "hú vía".

Ngược lại, bệnh nhân trong nhóm ung thư thật (dù chỉ là 0,8% tổng số đi xét nghiệm) thường có xu hướng lan truyền câu chuyện nhanh và rộng hơn, với thông tin…sai rằng chất chỉ thị ung thư đã giúp họ chẩn đoán bệnh. Họ cũng sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền thôi thúc bà con, bạn bè đi tầm soát bằng chỉ số ung thư này.

Người viết bài không phủ nhận lợi ích của việc tầm soát ung thư ở nhóm có nguy cơ CAO, thường phân định theo độ tuổi, bệnh sử gia đình và các yếu tố nguy cơ khác trong lối sống.

Nhưng việc này phải được tư vấn bởi bác sĩ có kiến thức đúng về tầm soát ung thư để giúp bệnh nhân thực hiện bằng các phương pháp thích hợp, ví dụ dùng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân để tầm soát ung thư đại tràng ở người trên 50 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ cao.

Năm hết Tết đến, trên báo đài lẫn mạng xã hội đang có nhiều thông báo, quảng cáo về các chương trình tầm soát ung thư miễn phí, giảm giá. Thiết nghĩ quý độc giả cần tìm hiểu kỹ những thông tin trong gói khám để không mua thêm "cục nợ" to đùng là những lo lắng vô lý những ngày năm hết Tết đến!

Tài liệu tham khảo

1. https://mainichi.jp/articles/20180506/ddm/016/040/002000c

2. https://cisncancer.org/

3. https://soha.vn/tam-soat-ung-thu-bang-pet-ct-giau-nhu-nuoc-nhat-khong-dung-nguoi-viet-lai-lam-dung-vo-toi-va-20191104140525221rf20191104140525221.htm

4. https://ganjoho.jp/med_pro/pre_scr/screening/screening_colon.html

5. https://yhoccongdong.com/thongtin/huong-dan-cua-hiep-hoi-ung-thu-ve-cac-phuong-phap-tam-soat-phat-hien-som-ung-thu/

6. https://www.choosingwisely.org/societies/american-society-of-clinical-oncology/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại