BS Lương: Điều dưỡng khởi động hệ thống nước RO và báo "mọi chỉ số đều bình thường"

PV |

Theo lời khai của Hoàng Công Lương, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, bị cáo và đồng nghiệp đã báo cáo với lãnh đạo bệnh viện rồi tích cực tham gia cấp cứu cho các bệnh nhân.

Theo lời khai của bác sỹ Hoàng Công Lương tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong buổi sáng ngày xảy ra sự cố (29/5/2017), vào lúc 7h, khi bị cáo chuẩn bị thực hiện công việc lọc máu cho các bệnh nhân tại đơn nguyên Thận nhân tạo, điều dưỡng Hậu khởi động hệ thống nước RO và báo mọi chỉ số đều bình thường.

BS Lương: Điều dưỡng khởi động hệ thống nước RO và báo mọi chỉ số đều bình thường - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương kể lại các tình tiết trong ngày xảy ra sự cố y khoa.

Sau khi xử trí bằng cách cấp cứu, 15 phút sau tình trạng trên lại tái phát, Lương và đồng nghiệp tiến hành cấp cứu và sàng lọc những bệnh nhân triệu chứng nhẹ, giữ lại để theo dõi. Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển lên đơn nguyên Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hòa Bình) để tiếp tục theo dõi.

“Bị cáo ở buồng lọc máu số 1, sau khi xem xét các chỉ số đủ điều kiện lọc máu thì bị cáo cùng 2 bác sỹ khác lọc máu cho bệnh nhân. Trong khoảng 35-40 phút đầu không có dấu hiệu bất thường, sau đó 18 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng như tức ngực, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy”, bác sỹ Hoàng Công Lương nói.

Phát hiện sự cố, các bác sỹ trực đã nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Khoa. Chỉ 1-2 phút sau, các bác sỹ đơn nguyên Hồi sức tích cực đã có mặt để tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.

“Tôi được lãnh đạo khoa phân công sang Bệnh viện TP Hoà Bình để tiếp tục thực hiện việc lọc máu cho các bệnh nhân. Ở bên đó, tôi nhận được thông tin các bệnh nhân ở BVĐK tỉnh Hòa Bình đã tử vong. Sau khi lọc máu cho 10 bệnh nhân tại Bệnh viện TP Hòa Bình, bị cáo cùng các nhân viên y tế tiếp tục hộ tống những bệnh nhân còn lại xuống cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)”.

Hoàng Công Lương khai có biết việc trước đó 1 ngày (ngày 28/5) hệ thống lọc nước tại đơn nguyên Thận nhân tạo được tiến hành sửa chữa. Sau khi phát hiện có vấn đề, điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng đã báo cho Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư – Trang thiết bị của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Sơn đã đến kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thì bác sỹ Lương không nhận được.

BS Lương: Điều dưỡng khởi động hệ thống nước RO và báo mọi chỉ số đều bình thường - Ảnh 2.

Hoàng Công Lương khẳng định trước tòa: việc thiết bị hỏng hóc là trách nhiệm của phòng vật tư, bị cáo là bác sĩ điều trị.

“Bị cáo không được Sơn thông báo về chất lượng nước vì đó không phải là nhiệm vụ của bị cáo”, Hoàng Công Lương nói. “Việc thiết bị hỏng hóc là trách nhiệm của Phòng vật tư, bị cáo là bác sỹ điều trị. Trong quá trình điều hành, người chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho bị cáo là lãnh đạo Khoa”.

Hoàng Công Lương khẳng định việc bàn giao hệ thống sau khi sửa chữa là trách nhiệm của điều dưỡng hành chính hoặc điều dưỡng trực của ngày hôm đó. Sau khi bàn giao hệ thống lọc nước RO, đơn nguyên Thận nhân tạo và điều dưỡng hành chính của đơn nguyên Thận có trách nhiệm nhận lại. Đây là quy định của Khoa – Phòng.

Trước đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị bán và lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) khai: Sáng ngày 28/5/2017, bị cáo đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để tiến hành thay vật liệu than, cát, sỏi, hạt nhựa, màng RO, vệ sinh màng và hệ thống đường ống tuần hoàn cấp nước RO chạy thận.

Khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên Thận nhân tạo, nhận thấy xung quanh 4 vỏ màng đóng két lại nên đã cho hóa chất hỗn hợp vào sục rửa các vò màng lọc. Hóa chất hỗn hợp được Quốc sử dụng là hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL). Đây là những loại hóa chất không có trong Danh mục hóa chất được dùng trong y tế.

BS Lương: Điều dưỡng khởi động hệ thống nước RO và báo mọi chỉ số đều bình thường - Ảnh 3.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc không biết hóa chất mình dùng để sục rửa màng lọc RO chạy thận bị cấm sử dụng trong y tế.

Tuy nhiên, bị cáo Quốc khai “không biết” việc hóa chất này bị cấm sử dụng và trước đó 3 tháng bị cáo đã từng làm 1 lần cũng trên hệ thống lọc nước RO này.

“Hỗn hợp hai loại a-xít pha loãng với tỷ lệ 5% để súc rửa, bị cáo tự mua ở cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất. Số lượng hóa chất này là còn thừa từ tháng 2/2017 và bị cáo vẫn để lại phòng xử lý nước. Ngoài ra bị cáo mang thêm 20 lít dung dịch javen để làm sạch hệ thống, vệ sinh vỏ màng RO”, Bùi Mạnh Quốc khai.

Quốc khai được kỹ thuật trưởng của công ty giải thích màng RO là màng công nghiệp nên bị cáo cứ làm như người khác chỉ dẫn và kinh nghiệm bị cáo làm từ năm 2006. Từ đó đến khi xảy ra vụ án chưa có dấu hiệu bất thường trong việc sử dụng hóa chất mà bị cáo đã sử dụng.

Đến ngày 29/5, sự cố y khoa xảy ra gây nên cái chết của 8 bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại