BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh”

Bài viết: Hồng Đăng, Đinh Anh Ảnh: Việt Hùng Thiết kế: Vũ Nhật |

Chữ "tâm" là điều quan trọng đối với ngành y. Bạn luôn phải đặt mình vào vị trí của bệnh nhân. Nếu không đứng từ vị trí của người bệnh, bạn không thể nhắc đến chữ "tâm" trong nghề được" – TS.BS Vũ Thái Hà.

Chúng tôi gặp bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương, Giảng viện bộ môn da liễu - Trường Đại học Y Hà Nội - sau khi anh trở về từ cuộc họp giao ban đầu giờ sáng. Ngay khi bước vào phòng làm việc của anh, tôi đã chú ý tới bức thư pháp có dòng chữ nhẫn. Cho đến khi cuộc trò chuyện được diễn ra, tôi dần hiểu rằng tại sao anh lại chọn chữ này đặt ngay phía sau bàn làm việc của mình.

Anh chia sẻ trong khi các bạn cùng trang lứa có thể chỉ mất 4 năm học ĐH, ra trường và có thể kiếm được việc làm. 5 năm sau đó họ hoàn toàn có thể có chút kinh tế hoặc chỗ đứng trong công việc. Còn để theo đuổi ngành y, anh đã dành 10 năm học tập. Sau khi ra trường, để có được mức lương ổn định, anh phải mất ít nhất thêm 5 năm để xây dựng chỗ đứng trong nghề.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 1.

Điều gì đã thôi thúc anh học tập và theo đuổi ngành y?

Những năm tháng tuổi thơ của tôi là những ngày chứng kiến bà nội đau ốm và sử dụng triền miên nhiều loại thuốc khác nhau. Bấy giờ, dù rất mong muốn giúp bà song tôi không có cách nào cả. Dù mới chỉ học cấp một, tôi đã hứa lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bà.

Theo thời gian, lời hứa đó dần bị lãng quên. Cho đến năm lớp 11, khi chứng kiến những cơn đau của bà trở lại và ngày một nặng thêm, tôi nhớ về cái cái ngoắc tay hứa hẹn hồi nhỏ của mình. Tôi quyết định chuyển từ khối A sang B để có thể thi vào Y.

Trước lựa chọn của tôi, bố đã nói về những gian khổ của ngành, đồng thời khuyên tôi lựa chọn thi quân y để được hỗ trợ tiền học phí vì hoàn cảnh gia đình không dư dả.

Tuy nhiên khi tìm hiểu, cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường đó, lại mong muốn được tự lựa chọn chuyên môn theo sở thích, tôi đã nói dối bố ngày thi của trường Quân y và ĐH Y Hà Nội trùng nhau (cười). Sau đó, tôi đỗ cả 3 nguyện vọng Y Hà Nội, Y Hải Phòng và ĐH Nông nghiệp và chọn Y Hà Nội như dự định ban đầu.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 2.

Y là ngành học gian nan, mất ít nhất đến 6 năm, thậm chí 10 năm để có thể hành nghề. Điều gì khiến anh kiên định với con đường đã lựa chọn?

Nếu như theo Xây dựng hay Bách khoa, bạn chỉ mất 4 năm hoàn thành chương trình ĐH thì với y, để có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân, có thể phải mất ít nhất 10 năm. Khoảng cách 6 năm đó, đôi khi các bạn cùng trang lứa có thể đã lên được một chức vụ nào đó hoặc có chút kinh tế. Tuy nhiên vì yêu thích và đam mê tôi vẫn theo đuổi đến cùng.

Nếu như máy móc chỉ cần catalogue, bạn đã có thể sử dụng. Mọi thứ đều đã được lập trình và có quy chuẩn thì cơ thể con người lại khác. Mạch máu, dây thần kinh của mỗi một người là hoàn toàn khác nhau. Cùng mắc suy tim hay viêm da nhưng ở mỗi bệnh nhân lại cần có đơn thuốc khác nhau. Sự mới lạ này khiến tôi luôn được khám phá và không ngừng học hỏi, phát triển.

Cũng vì thích nên sau khi hoàn thành 6 năm ĐH, tôi quyết định thi vào học chương trình bác sĩ nội trú bệnh viện. Đây là chương trình đào tạo vất vả nhất, vì yêu cầu khắt khe về cả chuyên môn, cảm xúc và sự đam mê, nhưng cũng thuận lợi nhất cho những người học y. Vì chúng tôi được nhiều cơ hội tiếp xúc với các thầy giỏi, cập nhật kiến thức mới nhanh nhất, kể cả đi học tập ở nước ngoài. Song vì hoàn cảnh gia đình, bố đã khuyên tôi dừng lại. Thậm chí thời điểm đó bố mẹ có thể hỗ trợ tôi có thể làm việc tại một số bệnh viện quân y dựa vào mối quan hệ sẵn có. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng kiến thức có được chưa có ý nghĩa nhiều. Đã quyết là làm, tôi bảo bố không phải lo tiền học nữa. Tôi tìm công việc để làm thêm nhằm tự lo học phí.

Trong một năm ôn thi nội trú, tôi từng làm gia sư, hay trình dược viên. Đến khi thi đỗ, mức lương nhận được cũng chỉ có 400.000-500.000 đồng/tháng. Tôi lại tranh thủ những ngày được nghỉ đi làm phụ việc tại một số phòng khám để có thêm thu nhập, vừa học vừa làm suốt quãng thời học viên đó.

Liệu tài chính là vấn đề khó khăn lớn nhất anh phải vượt qua để theo đuổi ngành y?

Là khó khăn đấy nhưng không phải khó khăn lớn nhất. Điều quan trọng là bạn có thích và đam mê hay không? Nếu muốn bạn sẽ tìm được giải pháp hợp lý để làm được. Bởi có rất nhiều nhiều cách hỗ trợ kinh tế, chứ không phải cứ có tiền mới học được. Thậm chí tôi có một vài người bạn đã đi làm trước sẵn sàng cho mượn tiền để đi học.

Thực tế đối với ngành y nếu có tiền mà không đam mê, bạn cũng sẽ nhanh nản. Bởi đây là ngành không phải kiếm được tiền và sống thoải mái ngay sau khi ra trường. Ít nhất là 5 năm sau khi ra trường với một chỗ đứng vững chắc, bạn mới có thể thoải mái về mặt tài chính. May mắn sau khi học xong, tôi được nhận vào trường giảng dạy và làm việc tại khoa laser và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Từ năm 2015 đến hiện tại, tôi chuyển sang khoa nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. Tính tới nay, cũng đã hơn 20 năm gắn bó với nghề.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 3.

Nhiều năm gắn bó với da liễu, anh nhận thấy sai lầm phổ biến nhất gây ra các bệnh về da của người Việt là gì?

Bệnh nhân mắc các bệnh về da thường được chia thành hai nhóm.

Một là những người không bao giờ quan tâm đến chăm sóc da. Họ cho rằng bệnh về da không gây chết người. Họ chỉ thực sự tìm đến bác sĩ khi không thể chịu đựng được cơn đau, thậm chí một số người để kệ tự khỏi, rồi tái đi tái lại, bị bệnh gây khó chịu, phiền toái nhiều năm.

Hai là những người đam mê chăm sóc da. Họ sử dụng quá nhiều các loại mỹ phẩm và nghĩ rằng phải nhiều mới đủ. Thời điểm đầu làn da có thể được cải thiện rõ rệt nhưng sau đó, da bị "quá tải", không chịu được những chà xát, bí bách quá nhiều. Ví dụ như việc sử dụng máy rửa mặt hay tẩy tế bào chết thường xuyên có thể khiến da bị tổn thương theo thời gian. Các bạn thử tưởng tượng, một giọt nước, qua năm tháng, còn có thể làm mòn viên đá cứng, nữa là làn da mỏng manh của chúng ta.

Với hai nhóm bệnh nhân này, anh gặp cản trở gì trong quá trình điều trị?

Đối với nhóm bệnh nhân coi nhẹ việc chăm sóc da để huấn luyện họ có ý thức với làn da của mình là một vấn đề lớn. Thực tế họ chỉ thực sự chú trọng khi cảm thấy khó chịu. Qua khoảng thời gian đó họ có thể bỏ qua những thao tác chăm sóc da đơn giản.

Đối với những bệnh nhân thường xuyên chăm sóc da nhưng chưa hiểu đúng cách việc yêu cầu họ giảm tần suất sử dụng một số loại mỹ phẩm lại cũng không dễ. Vì họ luôn nghĩ rằng như vậy là không đủ.

Để có thể khiến những người bệnh này làm theo liệu trình của mình không phải là điều dễ dàng. Bởi tôi phải mất nhiều thời gian để thay đổi tư duy của họ.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 4.

Ca bệnh nào khiến anh 'đau đầu' trong quá trình điều trị?

Đó thường là những ca bệnh vừa phải điều trị về bệnh lý vừa phải có liệu pháp về tâm lý, thường là những bệnh nhân bị trứng cá đỏ.

Không phải là chúng tôi không có khả năng điều trị căn bệnh này, vấn đề 'đau đầu' nằm ở chỗ bệnh nhân stress quá nhiều. Những triệu chứng gặp phải thường xuyên như nóng rát hay ngứa châm chích, lặp đi lặp lại trên mặt trong suốt quá trình điều trị khiến bệnh nhân gia tăng căng thẳng.

Chúng tôi có thể kết hợp cùng bác sĩ tâm lý để cùng điều trị. Tuy nhiên phần lớn bác sĩ tâm lý sử dụng thuốc là đầu tay. Việc này vô tình ảnh hưởng ngược đến việc điều trị bệnh lý ban đầu. Vậy nên cần hạn chế sử dụng thuốc thay bằng đó là việc tư vấn cho người bệnh. Tôi thường xuyên nhận được những tin nhắn lo lắng của họ mỗi ngày. Nếu tâm lý không vững, bác sĩ cũng có thể stress theo bệnh nhân. Việc này đòi hỏi người bác sĩ vừa có chuyên môn để giảng giải, giải thích cho bệnh nhân, vừa có sự nhẫn nại để đồng hành cùng với họ.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 5.

Giúp bệnh nhân chữa khỏi trứng cá đỏ có nằm trong những ca chữa thành công, tâm đắc nhất của anh không?

Những ca bệnh thành công, tâm đắc thì nhiều lắm. Tôi lấy ví dụ cho các bạn 2 ca. Ca thứ nhất là tôi đã điều trị thành công cho một nữ giáo viên 33 tuổi bị ung thư hắc tố ở ngón tay. Đó là ung thư ác tính, chỉ cần sinh thiết bạn cũng có thể ảnh hưởng đến di căn và tiên lượng. Để sinh thiết không bị ảnh hưởng, tôi phải cắt rất rộng nhưng vị trí lại nằm ở ngón tay. Nếu cắt rộng đồng nghĩa với việc phải bỏ ngón tay. Vì thế để có thể xử lý được ca bệnh này tôi phải giải thích rất rõ cho bệnh nhân về tiến trình và xử lý chuẩn nhằm tránh di căn. Ngoài điều trị bệnh, tôi còn phải tư vấn tâm lý để giảm lo lắng cho bệnh nhân. Bởi với người bệnh ung thư, càng lo lắng tốc độ di căn càng nhanh.

Kết hợp phác đồ điều trị cùng liệu pháp tâm lý sau 2 năm theo dõi liên tục 3 tháng/lần, tôi đã khống chế được di căn. Sau 10 năm, di căn không xảy ra. Đến giờ cô ấy đã có cuộc sống bình thường và chỉ mất ½ ngón tay cái.

Ca thứ 2 là điều trị cho một bạn nữ bị trứng cá đỏ. Bạn này từng tiêu tốn rất nhiều tiền trong vòng 4 năm để chữa trị, có thể nói là ở khắp mọi nơi nhưng không khỏi. Bệnh khiến bệnh nhân bị stress vì chỉ cần đi mưa phùn là bị mẩn đỏ, không thể đánh phấn hay thoa bất kỳ loại kem nào lên da mặt. Vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khó chịu day dứt không thôi. Tuy nhiên sau 2 năm, tôi đã chữa trị khỏi cho bệnh nhân này.

Điều gì khiến một bệnh nhân từng mất 4 năm chạy chữa khắp mọi nơi tin tưởng vào phương pháp điều trị của anh và yên tâm chữa trị trong 2 năm?

Thực tế đây là may mắn của tôi vì họ đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc lên xuống. Khi đã chán nản và tìm đến tôi, bệnh nhân coi đây là bước cuối cùng nếu không được thì sẽ từ bỏ.

Hiểu được tâm lý của bệnh nhân trong quá trình điều trị, tôi giải thích cụ thể về tiến trình điều trị và chẩn đoán về diễn biến có thể xảy ra. Trong quá trình đó, họ cảm nhận kết quả được chẩn đoán chính xác nên sẽ tin tưởng và bớt lo lắng hơn. May mắn sau khi chữa trị đến giờ cô ấy đã có thể thoa kem, đánh phấn trên da mặt của mình.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 6.

Hiện nay ngoài chăm sóc da đẹp, nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn để cải lão hoàn đồng. Là một chuyên gia đầu ngành, anh có lời khuyên nào cho những người có nhu cầu này để không tiền mất tật mang?

Bạn cần phải hiểu "cải lão hoàn đồng" làn da không có nghĩa là quay ngược thời gian. Bánh xe thời gian không bao giờ dừng lại được. Bạn chỉ có thể làm chậm nó lại và giữ những gì đang có.

Ngoài phương pháp trẻ hoá da bằng huyết tương giàu tiểu cầu, hiện nay nhiều công nghệ phục hồi được áp dụng chủ yếu liên quan đến kích thích tế bào gốc như meso, laser, RF, HIFU…

Lý do tế bào gốc chưa thực sự bùng nổ vì nó có thể gây ra ung thư. Hiện nay chỉ một số bệnh lý liên quan đến ung thư hoặc bệnh lý mãn tính không thể chữa trị mới được phép sử dụng sản phẩm được cấp phép liên quan đến tế bào gốc để điều trị. Không chỉ ở Việt Nam, tất cả các nước đều không đưa vào sử dụng đại trà tế bào gốc, chủ yếu mới nằm trong các nghiên cứu.

Hiện nay thực tế các phương pháp làm đẹp được quảng cáo sử dụng công nghệ tế bào gốc là khi nuôi cấy tế bào gốc họ chiết xuất ra yếu tố tăng trưởng. Yếu tố này sẽ được sử dụng để sản xuất ra mỹ phẩm. Có thể được ứng dụng song những phương pháp này chưa được chứng minh rõ ràng về mức độ hiệu quả. Vì thế, khi sử dụng bạn không thấy có tác dụng như quảng cáo là điều dễ hiểu.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 7.

Từng phải điều trị rất nhiều ca biến chứng liên quan đến thủ thuật thẩm mỹ da liễu, đâu là ca bệnh khiến anh "đau đầu" nhất?

Đó là một bạn nữ sang Hàn Quốc để căng chỉ và bị nhiễm trùng một bên mặt. Là ca có vi khuẩn hiếm gặp, sau khi làm sạch, rút chỉ, vết nhiễm trùng vẫn diễn ra dai dẳng. Dẫu không khiến bệnh nhân đau đớn nhưng nó làm sưng một bên mặt và gây ra sốt nhẹ triền miên. Điều trị kéo dài gần 1 năm, khu vực nhiễm trùng đã được kiểm soát. Tuy nhiên trên gương mặt của bệnh nhân còn một vết sẹo nhỏ song vẫn có thể chấp nhận được.

Nguyên nhân nào khiến bệnh nhân gặp phải những điều đáng tiếc này?

Nguyên nhân quan trọng là do họ không đi đến đúng nơi có người được đào tạo chuyên môn bài bản. Đôi khi dè chừng với lời nói của bác sĩ nhưng lại tin tưởng vào những quảng cáo trên mạng. Đọc những dòng nội dung về việc tiêm một chất vào mặt có thể "cải lão hoàn đồng" chỉ sau 60 phút là lao đến làm. Thực tế để cải thiện bề mặt và cấu trúc da bạn phải mất ít nhất 3 tháng.

Có thể do những lời bác sĩ nói là những sự thật nên dễ mất lòng. Với kiến thức chuyên môn bác sĩ phải nói tất cả những tiên lượng có thể xảy ra. Vì bất kể một chất nào đưa vào vào người đều có những phản ứng. Một số phản ứng có thể lường trước dựa trên những nghiên cứu. Tuy nhiên cơ thể con người không giống nhau nên có thể xuất hiện những phản ứng khác.

Trong khi đó các quảng cáo trên các mạng xã hội tại một số cơ sở có nội dung cải thiện làn da trong vòng 30 phút, hay chỉ sau một liệu trình mà không gây bất kỳ tai biến nào khiến nhiều người tưởng thật và tin tưởng bỏ tiền để làm. Đến khi kết quả khác xa với lời quảng cáo lại xảy ra những tranh cãi không đáng có.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 8.

Vừa giảng dạy ở ĐH Y, lại đảm nhận chức trưởng khoa, điều gì thôi thúc anh vận hành thêm một phòng khám của riêng mình?

Với tất cả các ngành nghề, bạn khó có thể sống thoải mái chỉ với tiền lương. Thực tế này thôi thúc tôi mở phòng khám để được thoả mãn việc tiếp cận với các phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Gia tăng thu nhập cũng là cách giúp tôi có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống từ đó có thể sống được bằng chính công việc mình yêu thích. Không để lợi ích kinh tế ảnh hưởng, tôi mong muốn có thể sống đúng tâm của mình cũng như tâm của những người làm ngành y

Khi mở phòng mạch, anh có bị mâu thuẫn giữa việc tận tâm với nghề và giữ lửa đam mê, bên còn lại là kinh doanh, duy trì mức thu nhập ổn định cho nhân viên tại phòng khám?

Tất nhiên là có nhưng tôi thực hiện từng bước một. Ở thời điểm đầu phòng mạch chỉ mở với quy mô nhỏ để có thể dễ dàng thực hiện điều mình muốn làm. Khi có tích luỹ, tôi bắt đầu mở rộng phòng mạch nhằm lan tỏa giá trị khám chữa bệnh của bản thân.

Tôi luôn xác định dẫu là phòng mạch tư nhân nhưng vẫn phải tận tâm. Chúng tôi chấp nhận không làm cho khách hàng những phương pháp không phù hợp dẫu biết rằng có thể giúp tăng doanh thu. Điều quan trọng với chúng tôi là khách hàng phải hiểu mình đang làm gì.

Hiện nay ở một số cơ sở, bạn yêu cầu tiêm meso có thể họ sẽ tiêm ngay cho bạn. Tuy nhiên sau đó lại có những biến chứng hay kết quả không mong muốn gây ra những hiểu lầm, tranh cãi không đáng có.

BS da liễu kể nỗi niềm “bệnh không chết người” và những ca sống dở vì trứng cá đỏ: “Không chỉ khám bệnh, kê đơn, chúng tôi còn thay đổi tư duy người bệnh” - Ảnh 9.

Là một bác sĩ, anh tâm niệm chữ tâm với nghề như thế nào?

"Tâm" là điều quan trọng đối với ngành y. Bạn luôn phải đặt mình vào vị trí của bệnh nhân. Nếu không đứng từ vị trí của người bệnh bạn không thể nhắc đến chữ "tâm" trong nghề được.

Hiểu đơn giản là khi bạn mang bệnh và muốn đưa ra một quyết định thì cần phải có thông tin phân tích. Khi đó người bác sĩ phải biết cần cung cấp thông tin nào, mức độ chính xác đến đâu cho người bệnh. Có như vậy bạn mới yên tâm ăn no ngủ kỹ được. Trong nghề y bạn không thể nào khẳng định 100% các ca bệnh không có tai biến. Tuy nhiên khi xuất hiện điều không may đó bạn cần kiểm soát được và có trách nhiệm với việc mình làm.

Hơn 20 năm theo nghề y, nhìn lại hành trình đã qua, điều gì khiến anh cảm thấy hài lòng nhất?

Tôi nghĩ đó là việc bản thân học và rèn được sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Trước đây, tôi từng là người cục tính và nóng nảy. Thế nhưng, sau 10 năm học ngành y, cùng khoảng thời gian tiếp xúc với những bệnh nhân đầu tiên là những người mắc bệnh phong, tôi bắt đầu "nhẫn" hơn. Dẫu phải chịu quát mắng tôi vẫn bình tĩnh tìm cách giải quyết. Với giá trị này, tôi không chỉ giải quyết được công việc, mà còn áp dụng được trong cuộc sống. Thêm một điều may mắn nữa là, trong suốt hành trình của mình, tôi luôn được gia đình trong đó có người vợ cùng đồng hành với tôi, người thân và bạn bè ủng hộ, giúp đỡ, để bản thân có thể tập trung và cống hiến hết mình cho công việc mình yêu thích, giúp đỡ được cho nhiều bệnh nhân, xử lý được thêm nhiều ca bệnh.

Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại