Khó khăn vì rượu lẫn cả hai loại cồn
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có hai loại rượu đó là rượu ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Nhưng methanol bị nghiêm cấm sử dụng làm rượu thực phẩm mà chỉ sử dụng trong công nghiệp như sơn, sử dụng làm dung môi pha các hoá chất.
Tuy nhiên, nhiều người đã mua cồn công nghiệp về pha vào làm rượu và bán ra thị trường khiến tình trạng ngộ độc rượu vẫn xảy ra.
Thạc sĩ Nguyên cho biết so với các ca ngộ độc rượu bia thì ngộ độc rượu methanol ít hơn ngộ độc rượu bia thường nhưng khi đã ngộ độc thì người bệnh thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Ảnh minh hoạ
Không chỉ thế, bác sĩ Nguyên cho biết tại trung tâm có nhiều bệnh nhân uống rượu bình thường, người nhà tưởng say đưa vào viện xét nghiệm vẫn có chứa methanol. Rượu quê nhưng chứa cả ethanol và methanol.
Đây chính là điều khó khăn trong việc cấp cứu ngộ độc rượu có methanol vì một số rượu có chứa cả ethanol và methanol. Khi vào cơ thể ethanol đã làm chậm quá trình ngộ độc của methanol cũng như các biểu hiện của ngộ độc. Bệnh nhân phát hiện ra khoảng 1,2 ngày sau uống rượu.
Khi đó bệnh nhân đã có biểu hiện mờ mắt, thở nhanh thậm chí hôn mê và nguy cơ tử vong rất cao.
Thạc sĩ Nguyên cho biết dấu hiệu ban đầu để nhận biết ngộ độc rượu thường với ngộ độc ethanol rất khó. Bệnh nhân ngộ độc methanol thường nhập viện sau uống rượu 1,2 ngày.
Chống độc bằng gì?
Điều trị ngộ độc cồn methanol theo bác sĩ Nguyên hiện nay chỉ có 3 biện pháp như: cấp cứu hồi sức, ổn định sức khoẻ, dùng thuốc thải độc và cuối cùng là lọc máu.
Cả ba biện pháp đều quan trọng không thiếu biện pháp nào. Các loại thuốc thải độc đầu tiên phải kể đến đó là Fomepizole. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên đây là loại thuốc cực đắt vài nghìn USD/liều. Đối với người dân Việt Nam thì nó còn rất đắt khi viên thuốc cả trăm triệu.
Ngoài ra, có thể thải độc ethanol đường tiêm, truyền tĩnh mạch. Đây là ethanol y tế thuốc giải độc đặc biệt ta đang cố gắng nhập về chứ không phải rượu bình thường.
Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa có ethanol truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân ngộ độc methanol.
Bác sĩ Nguyên cho biết sở dĩ thuốc này không có trong tủ thuốc bệnh viện bởi vì chưa được nhập về Việt Nam. Sắp tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ dự trù thuốc này về. Tuy nhiên, thuốc chống độc cũng như thuốc chống dịch trong y tế là loại thuốc "mồ côi".
Có thể là thuốc rất cần đến nhưng chúng ta không có, thiếu. Nhưng nếu mua về có thể không dùng đến phải bỏ đi. Chính vì thế nó được xếp vào danh mục thuốc "mồ côi" nên các cơ sở y tế riêng lẻ không thể tự có được mà cần có sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Mặc dù không tính đến chuyện lỗ lãi để cứu bệnh nhân nhưng vẫn là vấn đề rất khó. Bệnh viện Bạch Mai có dự trù nhưng vẫn chưa tìm được nhà cung cấp thuốc ethanol truyền tĩnh mạch.
Để giải độc methanol cho người bệnh, bác sĩ Nguyên cho biết khi chưa có ethanol truyền tĩnh mạch. Các bệnh viện tỉnh có thể chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, có nhà cung cấp chính thức, có hoá đơn để truy trách nhiệm. Dù việc này vất vả nhưng vẫn phải làm. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ "đặt hàng" luôn rượu ethanol 20% độ cồn, xét nghiệm kiểm tra bằng máy chuyên sâu khẳng định an toàn mới sử dụng cho bệnh nhân ngộ độc methanol.
Khi nhận thấy người uống rượu có dấu hiệu ngộ độc như uống nhiều rượu trước đó, mắt mờ, mệt mỏi, nôn thì nên đưa đến bệnh viện. Việc dùng cho người bệnh uống bia, rượu thêm là trách nhiệm của nhân viên y tế, được sử dụng ở cơ sở y tế.
Bởi việc sử dụng bác sĩ phải tính toán liều lượng, cách dùng và theo dõi rất cẩn thận để giảm thiểu được tác hại thêm của ethanol trên bệnh nhân. Người dân không được bắt chước cho người nghi ngờ ngộ độc uống thêm rượu.
Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh "việc chẩn đoán ngộ độc methanol là trách nhiệm của nhân viên y tế. Các thuốc giải độc này không tự thực hiện tại nhà. Và đặc biệt không phải cứ thấy ngộ độc rượu, say rượu là uống thêm bia".