Đi ngoài phân máu tươi - trực tràng bé 2 tuổi có 01 polyp
Ngày 8/3, trao đổi thông tin với PV, đại diện Khoa Thăm dò chức năng – BV Đa khoa Hùng Vương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận trường hợp cháu bé N. Q. H (2 tuổi) được phụ huynh đưa nhập viện với các biểu hiện ở nhà đi ngoài phân kèm theo máu, máu tươi nhỏ giọt cuối bãi.
Khi thấy bé xuất hiện các dấu hiệu không bình thường kéo dài, quấy khóc liên tục gia đình vô cùng lo lắng.
Sau khi thăm khám, qua phương pháp nội soi trực tràng, các Bác sĩ khoa Thăm dò chức năng đã phát hiện tại niêm mạc trực tràng có 01 polyp không cuống kích thước ~ 1cm, bề mặt xung huyết nhiều.
Khi đã xác định được đúng bệnh, thủ thuật cắt polyp qua nội soi có gây mê đã được thực hiện nhanh chóng, bệnh nhân sau khoảng 30 phút đã dần ổn định.
Polyp trực tràng ở trẻ em nếu chủ quan sẽ biến chứng thành ung thư đại trực tràng
BS. Hà Văn Tước – Trưởng Khoa Thăm Dò Chức Năng đưa ra khuyến cáo, các mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín khi trẻ có các biểu hiện như: đi ngoài phân có máu tươi, trẻ đi ngoài đau, hơi quấy khóc… để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất, ngăn ngừa khả năng bệnh để lâu gây biến chứng nguy hiểm. Và biến chứng nghiêm trọng nhất chính là ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý là cách tốt nhất để phòng tránh cho trẻ các bệnh về đường tiêu hoá và phát triển cơ thể một cách hoàn thiện nhất.
Điều trị polyp đại trực tràng ở trẻ như thế nào?
Polyp trẻ em đa số là loại polyp thiếu niên (Juvenile polyp), thường lành tính, khu trú chủ yếu ở trực tràng và đại tràng sigma.
Đa phần các loại polyp đại trực tràng ở trẻ là đơn độc, có cuống, kích thước polyp 0,5-1cm. Tuy nhiên cũng có không ít những trường hợp polyp to 2-3 cm hoặc có vài polyp đến hàng trăm polyp ở đại tràng.
Đa phần các loại polyp đại trực tràng ở trẻ là đơn độc, có cuống, kích thước polyp 0,5-1cm
Trường hợp nhiều polyp với tính chất là gia đình FAP, nhiều người trong gia đình mắc bệnh, polyp rất nhiều ở không những đại tràng mà cả ở ruột non, thường tiên lượng nặng và có xu hướng phát triển thành ác tính cao.
Ở nước ta, bệnh lý này ở trẻ em chưa được chú ý nhiều, việc chuẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng thăm trực tràng có thể xác định được đa số các trường hợp polyp đại trực tràng.
Phương pháp nội soi đại tràng bằng ống soi mềm là kỹ thuật có giá trị nhất đề chẩn đoán và điều trị polyp đại trực tràng.
Nếu không được điều trị polyp đại trực tràng có khả năng phát triển thành ung thư với tỷ lệ tăng dần theo năm.
Điều trị ở trẻ cũng tương tự với trường hợp của người lớn, tức là phẫu thuật cắt polyp nội soi.
Bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực bệnh polyp trực tràng xuất hiện, phát hiện tổng quát và tiến hành đốt điện cắt. Mỗi lần cắt có thể loại bỏ từ 50-60 polyp.Thủ thuật này khá an toàn nên người bệnh có thể xuất viện ngay sau khi phẫu thuật.
Chỉ trừ trường hợp có triệu chứng khó cầm máu thì mới cần theo dõi dài hơn. Ở trẻ em, do cơ địa phát triển thường tốt, nên các trường hợp polyp cắt xong ít khi tái phát, trừ các trường hợp đa polyp gia đình thì có thể bác sĩ phải theo dõi để tránh biến chứng.