BRICS sẽ kết nạp thêm 6 nước Nam Mỹ, châu Á, châu Phi
Khối các nền kinh tế mới nổi lớn BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang có những bước tiến mang tính chất bước ngoặt đối với nền kinh tế khi chuẩn bị mở rộng số lượng thành viên, trong đó có những nền kinh tế lớn của thế giới, là đồng minh của Mỹ.
Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, trong tương lai gần, 6 quốc gia mới bao gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia và đặc biệt là 3 quốc gia dầu mỏ Trung Đông gồm: Iran, “Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất” (UAE) và Saudi Arabia sẽ có thể trở thành thành viên chính thức của hiệp hội này.
Ngoài ra, danh sách các nước sẵn sàng gia nhập còn có thêm 20 nước là: Afghanistan, Algeria, Bahrain, Bangladesh, Belarus, Indonesia, Kazakhstan, Mexico, Nicaragua, Nigeria, Pakistan, Senegal, Sudan, Syria, Thái Lan, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Venezuela và Zimbabwe.
Sau những tuyên bố này của giới lãnh đạo BRICS, các chính trị gia và học giả phương Tây đang rầm rộ bàn tán về những hậu quả của sự mở rộng này đối với giới chức lãnh đạo phương Tây và nền kinh tế toàn cầu, một khi khối này mở rộng danh sách thành viên lên tới hơn 30 quốc gia.
Việc BRICS sẽ được bổ sung thêm thành viên mới đã được công bố chính thức trong bài phát biểu của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này vào ngày 24 tháng 8.
Người đứng đầu nhà nước châu Phi lưu ý rằng, tư cách thành viên đầy đủ của những nước mới được chấp thuận tham gia sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Đồng thời, ông cũng ám chỉ rằng, việc mở rộng sẽ không mang tính danh nghĩa mà là sự tham gia đầy đủ và thực chất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận quyết định mở rộng khối là “không hề dễ dàng” và cũng “hơi quá muộn màng”; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoàn toàn đồng tình với người đồng cấp Nga và nhấn mạnh rằng, việc các thành viên mới gia nhập liên minh có tính chất lịch sử và chứng tỏ các thành viên của hiệp hội hiểu rõ rằng họ chịu trách nhiệm nghiêm túc đối với hòa bình và phát triển trên thế giới.
Theo giới chính khách và chuyên gia phương Tây, đằng sau sự mở rộng này không chỉ đơn thuần là nguyên nhân kinh tế, mà chính là sự bẽ bàng đối với các nước phương Tây, điều này thấy rõ trong tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phát biểu qua link video, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa nhắc lại tiêu chuẩn kép mà Mỹ và đồng minh từ lâu đang dựa vào, về thế giới đơn cực và “chủ nghĩa thực dân mới, trong một màu áo mới” và tuyên bố thẳng thừng rằng, các nước phương Tây không được chào đón ở BRICS.
Ông Putin chắc chắn rằng, mục tiêu hiện tại của Liên minh kinh tế với nòng cốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là phải ngăn chặn phương Tây “ký sinh” bằng chi phí của các nước đang phát triển, “rút cạn tài nguyên ra khỏi họ một cách trắng trợn”.
BRICS sẽ thao túng thị trường dầu mỏ toàn cầu?
Việc các thành viên mới gia nhập khối này là điều chắc chắn làm phương Tây không vui, đó là điều đương nhiên. Điều này đã được thể hiện ở phát biểu của các chính khách phương Tây.
Tờ Berliner Zeitung của Đức lưu ý rằng, việc mở rộng BRICS là một thất bại đau đớn đối với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU với biệt danh “con người của ngày hôm qua” là ông Josep Borrell.
Ấn phẩm Đức đã lưu ý rằng, cho đến khi gần một nửa dân số thế giới còn lại chợt nhận thấy sự xuất hiện một “liên minh toàn cầu”, trong đó có các quốc gia châu Âu (duy nhất là Nga), Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, nhưng không có một quốc gia phương Tây nào, điều đó có nghĩa là sự thống trị của Cựu Thế giới (chỉ châu Âu) đã chấm dứt.
Ở bên kia Đại Tây Dương, Mỹ đang lo lắng và gọi việc mở rộng BRICS là một “thắng lợi cho Nga và Trung Quốc”. Washington tin tưởng rằng, Moscow đang tìm kiếm các đồng minh mới để mở rộng thị trường của họ và giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ở Pháp, giới chính khách Paris lại quan tâm đến khía cạnh năng lượng của vấn đề mở rộng BRICS.
Lãnh đạo Đảng “Yêu nước” (The Patriots) là ông Florian Filippo - người trước đây là Phó Chủ tịch của “Mặt trận Tổ quốc” (National Front) - đã thu hút sự chú ý rằng, sau khi mở rộng, Liên minh do Nga sáng lập sẽ bao gồm sáu trong số chín quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Với sự hiện diện của 6 trong 9 nước có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới là: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, UAE, và Saudi Arabia (trừ Mỹ, Iraq và Canada), BRICS đã khiến cho khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách quốc tế của Washington bị giảm đi đáng kể.
Đặc biệt lưu ý, việc mở rộng BRICS đang diễn ra vào thời điểm mà giới chức lãnh đạo Washington đang “quá bận tâm” đến Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga ở Ukraine, dẫn đến việc nhiều vấn đề lớn tác động đến Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã trở nên “nhạt nhòa” so với vấn đề Ukraine.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và bộ tham mưu của ông ta đang dồn hết tâm sức vào nhiệm vụ bơm vũ khí cho chính quyền của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, đáp ứng tất cả “Danh sách mong muốn” ngày càng tăng của Kiev, thì BRICS đang hủy hoại nền kinh tế Mỹ.
Sự thống nhất trong quan điểm và sự mở rộng có chọn lọc của BRICS có thể làm suy yếu sự ổn định của Hoa Kỳ và phá hủy sự thống trị toàn cầu của đồng dollars Mỹ và những bước đầu tiên theo hướng này của liên minh kinh tế mới nổi do Nga sáng lập đã được thực hiện.
Vì vậy, việc phi dollars hóa nền kinh tế thế giới đã được thảo luận tích cực tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS ở Nam Phi.
Những nguyên thủ quốc gia tham gia hội nghị cuối cùng đã cam kết sẽ chuẩn bị một kế hoạch sử dụng tiền tệ quốc gia của mình trong các thỏa thuận kinh tế của khối.
Nhưng ở Washington vẫn chưa thấy sự hoảng loạn như ở London và Brussels. Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu chợt nhận thấy mình đang ở vị thế dễ bị tổn thương hơn, vì tình bạn của họ với Hoa Kỳ.
Cựu Thế giới (châu Âu) không có nguồn năng lượng riêng, các ngành công nghiệp và người dân châu Âu đã quen với việc sống vượt quá khả năng cung cấp năng lượng của mình. Một vài năm trước, điều này là không đáng ngại nhưng ở thời điểm này, điều đó đã trở nên nghiêm trọng.
BRICS mở rộng và thế giới đang thay đổi?
Tuy nhiên, việc mở rộng BRICS luôn là vấn đề không dễ dàng gì, bởi đúng là không phải thành viên nào cũng nhìn nhận nó một cách tích cực.
Quả thực, việc trở thành một phần của liên minh bị phương Tây e ngại là rất đáng lo ngại, nhưng đó là trường hợp trước đây khi tổ chức chỉ có năm thành viên, còn bây giờ, sẽ có tới 11 quốc gia không hề yếu trong tổ chức này, có nghĩa là sẽ có thêm những người giúp đỡ và cùng nhau vượt qua trong trường hợp bị phương Tây gây khó dễ.
Thành phần của các thành viên BRICS trong tương lai cũng đặt ra nhiều câu hỏi, khi cho đến gần đây, quốc gia “vùng Sừng châu Phi” là Ethiopia vẫn chưa chính thức lên tiếng về vấn đề gia nhập BRICS.
Đúng là đất nước này có mật độ dân số đông, diện tích rộng, nhưng kém phát triển về kinh tế ngay cả so với tiêu chuẩn châu Phi. Ngoài ra, Ethiopia không an toàn khi các cuộc xung đột vũ trang trên lãnh thổ nước này vẫn đang còn tiếp diễn lẻ tẻ, hậu xung đột ở vùng Tigray.
Nếu xét các quốc gia châu Phi khác theo tiêu chí đã liệt kê thì Nigeria là ứng cử viên xứng đáng hơn nhưng quốc gia này thậm chí còn không được nhắc đến với tư cách thành viên tiềm năng của BRICS.
Định hướng kết nạp của BRICS ở châu Á cũng không hoàn toàn rõ ràng đối với phương Tây.
Trong khi Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đại diện cho vùng Cận Đông và Trung Đông, nhưng danh sách các quốc gia muốn gia nhập cũng có thêm Indonesia - quốc gia Đông Nam Á đông dân và năng động về kinh tế.
Chắc chắn là việc BRICS nỗ lực kết nạp thêm các thành viên bất kể vị trí địa lý, thể chế chính trị và tiềm lực kinh tế, quân sự…, cũng đã được giới chức lãnh đạo ở Washington nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhà Trắng nhận thức rõ rằng, không thể bỏ qua một “cỗ máy mạnh mẽ” là một liên minh ngày càng mở rộng, có nguy cơ trở thành đối trọng với các khối do Mỹ lãnh đạo, khi cả Mỹ, Đức, Pháp, Anh chắc chắn sẽ không thể giải quyết được các sự vụ quốc tế nếu không có Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
Với việc không ngừng mở rộng quy mô của khối, vị thế của BRICS sẽ không ngừng được củng cố và tham vọng của các quốc gia là thành viên của khối này sẽ được thực hiện mà không cần phương Tây, mặc dù đôi khi điều này là khó khăn, nhưng nhìn chung là hoàn toàn có thể.
Để đáp lại, các nước phương Tây đang bắt đầu củng cố các liên minh hiện có, tạo ra các hiệp hội mới trên cơ sở kinh tế, chính trị và quân sự (một ví dụ nổi bật là liên minh quốc phòng AUKUS được thành lập gần đây gồm 3 thành viên là: Australia, Anh và Hoa Kỳ).
Tuy nhiên, phản ứng này không có gì là đáng ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay phương Tây vẫn luôn tạo ra những khối, những hiệp hội chống lại Nga và Trung Quốc.
Bước đi này được thực hiện vào thời điểm mà người ta hiểu rõ ràng rằng: “Thế giới đang thay đổi và những người chơi khác có thể đóng vai trò chính trong cục diện toàn cầu”.