Đầu tiên, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ít lần nhắc đến Brexit với tư cách là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến một số chỉ số.
Đặc biệt, theo Bộ này, Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ trong mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, tại buổi họp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cũng đã có báo cáo sơ bộ trước Thủ tướng và các thành viên Chính phủ về Brexit.
Theo Thứ trưởng Đặng Đình Quý, Brexit "làm cho thế giới sốc"
Ông Quý cho hay: "Số người Anh ủng hộ ra khỏi EU là những người già, những người ở nông thôn, còn số ủng hộ ở lại là những người trẻ, có học vấn và ở thành thị. Điều này làm cho thế giới sốc".
Theo vị Thứ trưởng Ngoại giao này, nguyên nhân chính của Brexit có 2 nhóm như sau: Nguyên nhân sâu xa là có mâu thuẫn giữa xu thế một bên là chủ nghĩa dân tộc và một bên là quốc tế. Điều này đã tồn tại lâu dài. Đối với nước Anh có đặc thù, đó là một quốc đảo riêng, có nền văn hoá riêng.
"Trong lịch sử tham gia EU, Anh tham gia từ 1973 thì 2 năm sau thì đã có người muốn Anh ra khỏi EU. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý lần đó, số muốn ở lại lớn hơn so với số những người muốn rời khỏi EU", ông Quý nói.
Vị thứ trưởng Ngoại giao này cũng thông tin thêm về nguyên nhân trực tiếp của Brexit: "Dân Anh thất vọng với cách EU giải quyết những thách thức hiện nay nhất là vấn đề nợ công và vấn đề nhập cư. Họ lo câu chuyện an ninh".
Brexit là sự kiện chính trị và cũng là sự kiện kinh tế
Về sự tác động của việc Anh rời khỏi EU đến Việt Nam, theo ông Quý, tác động trực tiếp thì không lớn nhưng gián tiếp thì chưa tính được. EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ...
Nếu kinh tế Anh và kinh tế EU khó khăn thì điều này sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam. Những thoả thuận thương mại của Việt Nam với EU trong thời gian tới phải đảm phán lại, với Anh cũng vậy.
"Đó là sự kiện chính trị và cũng là sự kiện kinh tế", ông Quý nói về Brexit.
Trên cơ sở thông tin về Brexit hiện nay, Bộ Ngoại giao kiến nghị: "Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng có biện pháp tuyên truyền để mọi người hiểu, không hoảng loạn trước thông tin này.
Trong khi quá trình Anh đàm phán để rời khỏi EU thì chúng ta càng phải tranh thủ, cố gắng thúc đẩy những chương trình hợp tác đã có sẵn. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu tình hình và đánh giá những tác động gián tiếp, tác động trung và dài hạn đối với Việt Nam".
Nhận định về sự ảnh hưởng của Brexit đến quan hệ thương mại Việt - Anh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Trong quan hệ Việt Nam - Anh, hai nước vẫn duy trì quan hệ song phương với nhau. Anh là một đối tác quan trọng của Việt Nam về nhiều mặt và sẽ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ này.
Vì Anh không còn là thành viên của EU nữa nên chắc chắn quan hệ Việt - Anh không thể dựa trên nền tảng cam kết trong EVFTA. Khi Anh rời khỏi EU thì những cam kết của EU đối với Việt Nam thì chỉ còn là cam kết của các nước EU còn lại đối với Việt Nam thôi.
Giữa Việt Nam với Anh cũng vậy, Việt Nam không có cam kết riêng với Anh về việc này.Vì lẽ đó, hai nước vẫn sẽ có quan hệ bình thường như từ trước đến nay. Liệu Anh có quan tâm và muốn đàm phán một FTA với Việt Nam hay không trong tương lại thì chuyện đó phải xa hơn mới tính được vì giờ họ còn phải tính nhiều việc khác.
Nếu Anh vẫn nằm trong EU và Việt Nam có hiệp định FTA với EU trong đó có Anh thì Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong quan hệ kinh tế với Anh.
Khi Anh đã tách riêng ra, không còn chịu tác động của EVFTA nữa thì có thể quan hệ giữa Anh và Việt Nam không thuận lợi như khi Anh còn trong khối EU. Bởi vì sẽ có những nước khác thúc đẩy quan hệ với Anh nhiều hơn, như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế khác.Việt Nam rất khó so sánh về mức độ cạnh tranh với các nước này.
Nếu Anh còn là thành viên của EU thì Việt Nam còn có thể tận dụng được thuận lợi trong cam kết Việt Nam - EU để khai thác quan hệ với Anh".