Brexit và hơn 4 thập kỷ "lục đục": Trong mắt EU, Anh mãi chỉ là "con ngựa gỗ thành Troy"?

Linh Nguyễn |

Sau 44 năm "hôn nhân" trầm nhiều hơn bổng, nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức bắt đầu quá trình "ly dị".

Theo Guardian, cuộc "hôn nhân" Anh-EU đã mấp mé bờ vực từ lâu.

Nhưng vào một buổi tối bão bùng tháng Sáu năm ngoái, London quyết định rằng cam kết kéo dài nhiều thập kỷ với EU cuối cùng đã đến lúc không thể cứu vãn. Và vào ngày 28/3, Anh chính thức "đệ đơn ly dị".

Như thường lệ, khoảng thời gian đệm 9 tháng đã trải qua nhiều tranh cãi. Anh từng đe dọa sẽ rời đi nếu không giành được lợi ích riêng, trong khi EU liên tục cảnh báo dù hai bên đạt được thỏa thuận nào đi chăng nữa - như chia tài sản, chia tiền, thống nhất chuyện "nuôi con" - thì quan hệ với EU của Anh trong tương lai chắc chắn sẽ lao dốc.

Thực ra, mối quan hệ giữa Anh và EU ít khi nào sóng yên biển lặng. Những gì sẽ xảy ra trong những tháng tới, rốt cuộc vẫn sẽ đánh dấu chấm hết cho quan hệ yêu - ghét kéo dài 60 năm.

Khởi đầu sóng gió

Khi sáu nước thành viên sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (bao gồm Pháp, Tây Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) ký kết hiệp định Rome vào năm 1957 và mời Anh tham gia, nước này chỉ lịch thiệp từ chối.

Brexit và hơn 4 thập kỷ lục đục: Trong mắt EU, Anh mãi chỉ là con ngựa gỗ thành Troy? - Ảnh 1.

Đại diện sáu nước sáng lập ký kết Hiệp định Rome năm 1957. Ảnh: AP

Quả quyết tin tưởng vị thế xuất sắc của bản thân, với sự hậu thuẫn của đế chế vĩ đại và chiến thắng trong Thế chiến, nước Anh nắm giữ quyền lực rất lớn: Một ghế trong hội đồng an ninh LHQ, cùng mối quan hệ đặc biệt với Mỹ và một khối Thịnh vượng chung.

Do hoàn toàn tách rời với châu lục về cả địa lý và văn hóa, Anh không cần châu Âu - và còn chứng tỏ điều này bằng cách cử Russel Bretherton, một quan chức thương mại cấp trung bình, đến buổi ký kết hiệp định chỉ với vai trò quan sát.

Nhưng đến những năm đầu thập niên 1960, Thủ tướng Anh Harold Macmillan nhận ra sai lầm này và bắt đầu xúc tiến công chuyện với Bỉ. Lần này, đến lượt châu Âu (cụ thể hơn là Pháp) từ chối đề nghị tham gia từ phía Anh vào tiền thân của EU là Các cộng đồng châu Âu (EC).

Năm 1963, Charles de Gaulle đã nói "không". Nước Anh sở hữu "nhiều truyền thống và thói quen rất đặc biệt và riêng biệt", theo Tổng thống Pháp, và " khá khác biệt so với những nước lục địa" - Anh sẽ chỉ là con ngựa thành Troy trong "chuồng ngựa" EC mà thôi.

Nhận xét của Tổng thống de Gaulle đã khiến Anh phật ý - Thủ tướng Macmillan thậm chí rơi nước mắt. Phải đến năm 1973, Thủ tướng Ted Heath mới dàn xếp thành công "cuộc hôn nhân" với EC.

Buồn thay, thời kỳ trăng mật chưa kịp kết thúc thì xung đột đã bắt đầu. Chỉ trong một năm, Anh đã kêu gọi cải tổ toàn bộ chính sách nông nghiệp chung (CAP). Năm 1975, đảng Lao động của Thủ tướng Harold Wilson đã kêu gọi trưng cầu dân ý về việc rời đi hay ở lại EC.

Brexit và hơn 4 thập kỷ lục đục: Trong mắt EU, Anh mãi chỉ là con ngựa gỗ thành Troy? - Ảnh 2.

"Bà đầm thép" Margaret Thatcher chủ trì hội nghị thượng đỉnh châu Âu năm 1986 tại London. Ảnh: AFP

Khi đó, bảy bộ trưởng thuộc nội các đảng Lao động đã kêu gọi Brexit, nhưng Margaret Thatcher (khi đó là lãnh đạo đảng đối lập) tỏa sáng và vận động thành công 2/3 cử tri chọn ở lại với châu Âu. Đến năm 1983, đảng Lao động vận động bầu cử trên cơ sở tách ra khỏi EC - nhưng đã thất bại.

Chỉ một năm sau, Anh giành phần thắng trong mâu thuẫn căng thẳng đầu tiên với châu Âu: Bà Thatcher tranh luận rằng nhiều điều khoản trong chính sách nông nghiệp chung (CAP) đồng nghĩa với việc Anh đóng góp nhiều hơn mức trung bình của các nước khác, và bà yêu cầu được hoàn trả lại khoản trội hơn này.

Anh đã được nhận khoản bồi hoàn - mặc dù không nhiều như mong đợi - và bà Thatcher trở nên nổi tiếng với biệt hiệu "Bà đầm thép" của nước Anh.

Đến năm 1988, gần 2 năm sau khi Thatcher ký Đạo luật Thị trường thống nhất châu Âu năm 1986 khiến nhiều quyết định ngăn chặn gia nhập thị trường chung bị dẹp bỏ, Bà đầm thép đã nổi cơn thịnh nộ ở Bruges, Bỉ.

Bà đã bị phản bội, bà nói; Châu Âu không chỉ là một thị trường chung, mà còn là một siêu quốc gia liên bang trong giai đoạn thành hình. Kể từ đó, nước Anh - đặc biệt là đảng Bảo thủ và báo giới vốn ghét châu Âu - duy trì một quan điểm tiêu cực.

Họ tranh luận rằng, Anh đang bị "bắt nạt" trong mối quan hệ này: Pháp quản lý các tổ chức lớn, Đức khống chế toàn bộ nền kinh tế, và chủ nghĩa tư tưởng lục địa đối đầu với chủ nghĩa thực dụng Anglo-Saxon ở khắp nơi.

Brexit và hơn 4 thập kỷ lục đục: Trong mắt EU, Anh mãi chỉ là con ngựa gỗ thành Troy? - Ảnh 3.

Những người giao dịch đồng sterling (bảng Anh) trên Ủy ban Ngoại hối năm 1992. Ảnh: PA

Cuộc "hôn nhân" ít khi nào yên ấm

Vào năm 1992, nước Anh rút khỏi Cơ chế tỷ giá chung châu Âu một cách thảm họa - giới tài chính ghi nhận sự kiện này qua "ngày thứ Tư đen tối", hay còn gọi là khủng hoảng đồng bảng Anh.

Mặc dù Thủ tướng John Major thương thuyết thành công việc rút khỏi đồng tiền chung và đưa quyền công nhân ra khỏi giao thức chung châu Âu tại Maastrict (Hà Lan), quan điểm tiêu cực về EU đã lan rộng.

Tư tưởng này thể hiện qua "lời qua tiếng lại", các cuộc nổi loạn dữ dội, và loạt tít báo nóng hổi. Về sau, ngay cả Thủ tướng thân châu Âu Tony Blair và nét cuốn hút của ông khi đắc cử năm 1997 cũng không thể dập tắt được thái độ này.

Theo Guardian, ông Blair đã nỗ lực hết sức. Bỏ qua những tranh cãi về xuất khẩu thịt bò trong khủng hoảng BSE (bệnh bò điên), nhiệm kỳ của ông chứng kiến nhiều ngày tốt đẹp trong "hôn nhân" Anh - EU: ông Blair lựa chọn quay lại giao thức chung châu Âu về chính sách xã hội, nhận được khen ngợi từ Bỉ đến Berlin. Ông còn giữ quan hệ tốt với Tổng thống Pháp Jacques Chirac.

Đến năm 2005, yếu tố đem lại thành công cho David Cameron khi ông tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ lại là lời thề đưa đảng này ra khỏi cánh hữu của Nghị viện châu Âu - đây được coi là dấu hiệu rạn nứt khá sớm.

Cộng với việc quan hệ Anh - EU nhanh chóng lao dốc một lần nữa, Thủ tướng Cameron chỉ cần chưa đến một năm sau khi đắc cử năm 2010 để tung ra "vũ khí tối thượng" - sử dụng quyền phủ quyết của Anh để ngăn chặn hiệp định EU nhằm cứu đồng euro - trong một hội nghị thượng đỉnh căng thẳng năm 2011.

Brexit và hơn 4 thập kỷ lục đục: Trong mắt EU, Anh mãi chỉ là con ngựa gỗ thành Troy? - Ảnh 4.

Các tít báo xoay quanh việc sử dụng quyền phủ quyết của ông Cameron: "Anh đứng một mình", "EU bỏ rơi Anh", v.v.. Ảnh: AP

Hai năm sau, đứng trước nguy cơ để lọt số phiếu của cử tri bảo thủ và phản đối châu Âu vào tay đảng Độc lập (Ukip), David Cameron hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi hay ở lại châu Âu nếu ông chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ năm 2015.

Nỗi lo âu của Cameron đã trở thành sự thật. Dựa vào tranh cãi xung quanh vấn đề nhập cư châu Âu, đảng Độc lập giành vị trí thứ nhất trong cuộc bỏ phiếu vào Nghị viện châu Âu năm 2014. Nỗ lực cuối cùng của Cameron để "thương thuyết thỏa thuận mới với EU" không thành công, và mọi chuyện dần ngã ngũ.

Sau đó, Cameron từ chức, Theresa May lên nắm quyền Thủ tướng Anh. Ủy ban Rời khỏi Liên minh châu Âu được thành lập. Nhiều tranh cãi căng thẳng nổ ra xoay quanh thị trường riêng, thuế quan, tòa án châu Âu, đạo luật Brexit để thay thế luật chung EU.

Như vậy, sau 44 năm "hôn nhân" trầm nhiều hơn bổng, nước Anh và Liên minh châu Âu EU đã chính thức bắt đầu quá trình "ly dị".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại