Mọi sự chú ý hôm 19/10 đều đổ dồn về nước Anh. Lần đầu tiên kể từ sau cuộc xung đột năm 1982 với Argentina và là lần thứ 4 kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Nghị viện nước này nhóm họp vào thứ 7 để quyết định có thông qua hay không thỏa thuận chia tay vừa đạt với Liên minh châu Âu (EU).
Thách thức đè nặng lên vai Thủ tướng Boris Johnson, bởi thế đa số mà ông có tại cơ quan lập pháp là rất mong manh.
Cho đến tận thời điểm trước khi diễn ra phiên họp, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn không từ bỏ nỗ lực nhằm thuyết phục các nghị sĩ còn hoài nghi ủng hộ thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày hôm nay. Mọi mặt trận, mọi vũ khí đã được nhà lãnh đạo Anh huy động, từ thúc giục các nghị sĩ, tới tập hợp các bộ trưởng hay đồng ý tham gia một loạt cuộc gặp trên truyền hình để bảo vệ thỏa thuận vừa đạt được với Liên minh châu Âu.
Trả lời trên kênh truyền hình BBC, ông Boris Johnson nhấn mạnh: “Đây sẽ là lần thứ tư chúng ta cố gắng để Hạ viện phê chuẩn điều đã được người dân quyết định vào năm 2016. Đây cũng thỏa thuận thứ 2 mà chúng ta đã đạt được với Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tuyệt vời, giúp chúng ta tiến lên, giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng bế tắc và mang lại sự tự do mà chúng ta mong muốn. Tôi hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn tích cực và sau đó nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10”.
Ba tháng sau khi lên nắm quyền với cam kết đưa nước Anh rời EU đúng thời hạn vào ngày 31/10 tới, nhà lãnh đạo Anh hồi giữa tuần qua đã gây bất ngờ khi cuối cùng cũng đạt được một thỏa thuận, dù các cuộc đàm phán trước đó dường như lâm vào ngõ cụt. Truyền thông châu Âu đã gọi đây là một “phép màu” và đặt câu hỏi liệu “phép màu” có một lần nữa xuất hiện tại Nghị viện Anh hay không.
Với một nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc như hiện nay, thì đối với Thủ tướng Boris Johnson, mỗi lá phiếu đều quý giá. Chính phủ Bảo thủ của ông hiện chỉ có 288 ghế, thấp hơn so với 320 ghế đa số cần thiết tại Hạ viện. Các đảng đối lập đã cảnh báo sẽ nói “không” với thỏa thuận Johnson. Tuy nhiên, đòn giáng mạnh nhất có lẽ là đến từ đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland, liên minh với đảng Bảo thủ tại Nghị viện. Đảng này cho rằng văn kiện đe dọa sự toàn vẹn của Vương quốc Anh và mạnh mẽ bác bỏ.
Người phát ngôn Đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland Sammy Wilson nhấn mạnh: “Đây là một thỏa thuận tồi đối với Bắc Ireland, không đáp ứng những lời hứa mà Thủ tướng đưa ra là toàn bộ Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU. Thực tế là họ bỏ mặc Bắc Ireland và thậm chí còn không cung cấp cho chúng tôi cơ chế theo thỏa thuận của Belfast để có thể tự mình rút ra khỏi thỏa thuận nếu thấy không cần thiết hay gây tổn hại cho nền kinh tế. Vì thế, chúng tôi sẽ không bỏ phiếu cho thỏa thuận và khuyến khích những người khác làm như vậy”.
Trong khi mọi sự chú ý đều đang đổ dồn về phía Cung điện Westminster, nơi một lần nữa phải chứng kiến cuộc đối đầu chính trị gay gắt giữa các đảng phái, thì đường phố nước Anh cũng đang nóng lên từng giờ, với những cuộc biểu tình quy mô lớn được lên kế hoạch của cả những người ủng hộ và phản đối thỏa thuận. Nhóm chiến dịch mang tên “Lá phiếu của nhân dân” đã kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn, yêu cầu trao quyền quyết định về Brexit cho người dân Anh thông qua việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân.
Một thất bại của ông Boris Johnson tại Nghị viện sẽ nhấn nước Anh chìm sâu hơn nữa trong tình trạng bất ổn. Điều luật Ben được Nghị viện thông qua hồi tháng trước đã buộc Thủ tướng phải xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng trong trường hợp không thể đi tới thỏa thuận. Tuy nhiên, không phải nước Anh muốn là được, bởi yêu cầu phải được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu. Hơn nữa Thủ tướng Boris Johnson tới nay vẫn kiên quyết lập trường không trì hoãn Brexit thêm nữa./.