Triển vọng đạt được tiến bộ trong chương trình nghị sự gai góc về xung đột và khủng hoảng khắp thế giới rất ảm đạm khi ngoại trưởng các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhóm họp tại Rio de Janeiro, để dự cuộc họp cấp cao đầu tiên trong năm của G20.
Phát biểu trước những người đồng cấp, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nhà ngoại giao hàng đầu của Brazil Mauro Vieira cho rằng sự bùng nổ xung đột toàn cầu cho thấy hoạt động của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc không hiệu quả.
“Các thể chế đa phương không có cơ chế phù hợp để giải quyết những thách thức hiện tại, thể hiện qua sự tê liệt không thể chấp nhận được của Hội đồng Bảo an đối với các cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza và Ukraine ", ông Vieira nói.
Hội đồng Bảo an không có hành động với cuộc xung đột ở Ukraine vì Nga có quyền phủ quyết, và chật vật để tìm ra phản ứng đối với cuộc xung đột ở Dải Gaza khi đồng minh của Israel là Mỹ sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các nghị quyết yêu cầu ngừng bắn.
Brazil, quốc gia đang đảm nhận chức chủ tịch luân phiên G20, bày tỏ hy vọng nhóm này có thể là một diễn đàn để đạt được tiến bộ trong những vấn đề như vậy.
Tuy nhiên, hy vọng đó có thể bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Brazil Lula da Silva gây ra mâu thuẫn ngoại giao với phát biểu so sánh chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza với cuộc diệt chủng của Đức quốc xã.
Phát biểu này khiến Israel tuyên bố ông là người không được chào đón. Mâu thuẫn đó có thể làm lu mờ bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm leo thang xung đột thông qua G20.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo chí rằng, trong cuộc gặp Tổng thống Lula da Silva tại Brazilia ngày 21/2, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ không đồng ý với những phát biểu của ông Lula. Ngoại trưởng Mỹ và nhà lãnh đạo Brazil đã "trao đổi thẳng thắn" trong cuộc gặp kéo dài hơn 90 phút tại dinh tổng thống.
Hơn 4 tháng sau khi xung đột nổ ra ở Dải Gaza, đến nay mới có rất ít dấu hiệu có thể đạt được hoà bình.
Triển vọng đối với cuộc xung đột ở Ukraine cũng ảm đạm tương tự, khiến các thành viên G20 bị chia rẽ.
Ngày 21/2, Anh thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức Nga liên quan đến cái chết của nhân vật đối lập Alexei Navalny trong tù. Ngoại trưởng David Cameron cho biết ông dự định sử dụng cuộc họp ở Rio để "lên án trực tiếp hành động của Nga" với ông Lavrov.
Theo một quan chức Brazil, ông Lavrov chỉ trích phương Tây "bơm đầy vũ khí cho Ukraine".
Ông nói với báo O Globo của Brazil: “Cả Kiev và phương Tây đều không thể hiện ý chí chính trị để giải quyết xung đột”.
Quan chức phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vẫn lạc quan, cho rằng G20 "là diễn đàn chính để giải quyết những thách thức toàn cầu phức tạp ngày nay".
“Khi thế giới chứng kiến sự đối đầu và leo thang, chúng ta cần chứng minh rằng chủ nghĩa đa phương có tác dụng trong thời kỳ khủng hoảng”, ông viết trên mạng xã hội X.