Theo ghi nhận trên báo Pháp luật TP.HCM, vào khoảng 9h sáng nay (7/1), một số tài xế lái xe mang biển số tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... dừng tại cabin thu phí Trạm Thu phí BOT Sóc Trăng trên QL1A ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và cố thủ tại đây mà không mua vé.
Tài xế trả tiền lẻ mua vé qua trạm, thậm chí cố thủ không mua vé khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Các tài xế cho rằng Trạm BOT này đặt không đúng vị trí, thu phí cao. Một số tài xế nói họ không đi tuyến tránh của TP Sóc Trăng, tuy nhiên vẫn phải mua vé để qua trạm này là không hợp lý.
"Tôi không đi đường tránh mà phải mua vé là vô lý. Nếu thu tiền vé cho đoạn mở rộng Quốc lộ 1 thì tôi chấp nhận", báo Người lao động ghi lời một tài xế tranh luận với nhân viên bán vé.
Tài xế dừng xe tranh luận với nhân viên của BOT. Ảnh: Người lao động
Khoảng 10 phút sau, 3 làn thu phí hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ bị kẹt xe hơn 500 m, còn hướng Cần Thơ đến Sóc Trăng xe lưu thông bình thường và BOT Sóc Trăng xả trạm.
Trong 30 phút ùn ứ nghiêm trọng do các tài xế phản đối trạm, có 2 đoàn rước dâu bị kẹt tại khu vực trạm BOT này.
Do sợ chậm giờ làm lễ, đoàn rước dâu phải len lỏi qua làn dành riêng cho xe máy để đi nhờ.
Xe dâu quay đầu đi nhờ sang làn xe máy để kịp giờ làm lễ. Ảnh: VTC News
Dự án BOT Sóc Trăng bắt đầu từ xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) đến xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) với tổng chiều dài 16,22 km. Trong đó, gồm đoạn mở rộng Quốc lộ 1 và xây tuyến đường tránh TP Sóc Trăng, tổng vốn đầu tư khoảng 1.419 tỷ đồng.
Trạm BOT Sóc Trăng hoạt động vào đầu tháng 6-2017, với giá vé từ 25.000 đến 140.000 đồng/xe; thời gian thu phí 18 năm 9 tháng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư BOT Sóc Trăng cho rằng đang bị lỗ khá nhiều, bởi bán vé không đủ trang trải các chi phí và đóng lãi ngân hàng.
Tổng hợp