Khởi động dự án
Năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, Tiền Giang). Tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước không có nên sau hơn 4 năm dự án chưa thể triển khai.
ạm thu phí BOT Cai Lậy tại Km1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 gửi Bộ GTVT đề nghị sớm triển khai dự án tuyến tránh quốc lộ, đoạn qua thị trấn Cai Lậy, do lưu lượng phương tiện qua thị trấn hơn 20.000 xe mỗi ngày, gây ùn tắc.
Tỉnh này đã giới thiệu nhà đầu tư và đề nghị Bộ Giao thông khẩn trương chấp thuận phương án theo hình thức BOT.
Trên cơ sở kiến nghị của Tiền Giang, Bộ GTVT nghiên cứu triển khai dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy. Đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty xây dựng công trình 625 đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án một, không làm tuyến tránh mà mở rộng QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy với quy mô 6 làn xe, trạm thu phí hoàn vốn đặt trên QL1.
Theo phương án này, tuyến đường sẽ mở rộng qua thị trấn Cai Lậy, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn do đi qua khu dân cư, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kéo dài, mức phí cao.
Phương án hai, xây dựng QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường QL1.
Với phương án này, khối lượng giải phóng mặt bằng ít hơn do đường mới không đi qua khu dân cư đô thị.
Tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, đồng nghĩa phí thu sẽ thấp hơn và thời gian hoàn vốn nhanh hơn phương án một.
Theo hồ sơ dự án, ngày 19/9/2013, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) đã ký quyết định công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT, với phương án xây dựng tuyến tránh Cai Lậy.
Sau đó một tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.
Tháng 10/2013, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể ký văn bản lấy ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí, gửi đến UBND, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.
Trong các văn bản này, Bộ Giao thông đưa ra 2 vị trí đặt trạm cùng với những ưu điểm và hạn chế để địa phương lựa chọn, đó là đặt trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy hoặc đặt trạm trên QL1.
Chủ đầu tư BOT Cai Lậy xả trạm liên tục trước các chiến thuật và sự quyết liệt của tài xế. |
Cụ thể, trạm đặt trên tuyến tránh thì ưu điểm là chỉ thu phí của phương tiện đi trên tuyến tránh, không thu phí của phương tiện đi vào nội thị Cai Lậy.
Nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua QL1 do tránh trạm thu phí, không thu hút được nhà đầu tư, không sửa chữa được mặt đường, hệ thống thoát nước…Thời gian thu phí kéo dài từ 30 năm trở lên.
Với trạm đặt trên QL1 để thu phí cả 2 dòng phương tiện đi trên tuyến tránh và quốc lộ 1, ưu điểm là giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 10 năm.
Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 5090 gửi Bộ Giao thông, cho biết đồng thuận vị trí đặt trạm thu phí trên QL1, tại Km1999+900, thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy.
Văn bản của tỉnh nêu: “Việc đầu tư xây dựng dự án QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy là rất cần thiết và cấp bách.
Để phát huy hiệu quả dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất về vị trí đặt trạm thu phí cho dự án tại Km1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy; đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy”.
Cùng thời gian này, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng gửi văn bản tới Bộ GTVT thống nhất lựa chọn phương án đặt trạm thu phí trên QL1.
Sau khi có các văn bản trên, ngày 19/12/2013, ông Nguyễn Văn Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.
Như vậy, đến nay, dự án đã được đổi tên khác so với giai đoạn nghiên cứu.
Tên trước đây là "Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang"; còn tên mới thêm đoạn "tăng cường mặt đường QL1 đoạn km1987+560 đến km 2014, tỉnh Tiền Giang".
“Ưu ái” chỉ định thầu
Sau khi được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy, tháng 12/2013, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản xin được chỉ định thầu.
Theo bộ này, sau khi đăng tải danh mục dự án kêu gọi đầu tư đã nhận được văn bản đăng ký của một số nhà đầu tư. Trong đó, có Liên danh Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và Công ty CP đầu tư và dịch vụ Nam Phương.
Do việc đầu tư tuyến tránh thị trấn Cai Lậy là cấp bách, nên Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư cho dự án. Nhà đầu tư dự kiến là Liên danh giữa 2 công ty trên.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông – Người phát ngôn của bộ này lý giải: Với BOT Cai Lậy, dù lúc đầu có vài nhà đầu tư đăng ký tham gia, nhưng sau đó cũng chỉ còn lại 1 nhà đầu tư, nên không tổ chức đấu thầu./.
- Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng cho đầu tư giao thông. Trong đó, vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án.
- Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tháng 8 vừa qua cũng chỉ rõ, hầu hết dự án BOT giao thông đều chỉ định thầu dẫn đến nhiều hệ lụy xấu.
- Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo Luật Đấu thầu, với dự án có nhiều nhà đầu tư tham gia đều phải thực hiện đấu thầu rộng rãi.
Chỉ định thầu chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách, có 1 nhà đầu tư tham gia. “Thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư do các bộ ngành, địa phương quyết định theo quy định, Bộ KH&ĐT không tham gia”, ông Trương nói.
- Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi một công trình được chỉ định thầu sẽ có nguy cơ cao dẫn tới tiêu cực, xin - cho, lợi ích nhóm.
Ngoài ra, do không có sự cạnh tranh, nên các dự án dễ bị “đẩy” giá lên cao để tăng thời gian thu phí, công nghệ lạc hậu, tuổi thọ công trình ngắn...