BOT Cai Lậy và những đồng tiền lẻ
Cách đây hơn chục năm ở tiểu bang Ohio (Mỹ) có cụ già 78 tuổi báo với ngân hàng về việc cần đổi tiền lẻ sang tiền chẵn.
Khi được hỏi tiền đâu thì cụ nói ngân hàng cần mang xe tải tới nhà chở. Hóa ra trong 34 năm liền, cụ thu thập tất cả đồng 1 cent (xu) do mua bán được trả lại, do bạn bè cho, tổng số lên tới 1.407.550 đồng 1 cent = 14.075,50 đô (14 ngàn đô) và trọng lượng gần 5 tấn. Mỗi ngày trung bình cụ thu thập hơn 1 đô (112 cent).
Theo luật thì ngân hàng phải đổi cho cụ, không phải vì tiền lẻ 1 cent mà không đổi.
Tại Việt nam, mấy ngày qua, trạm thu phí BOT Cai Lậy bỗng gây xôn xao do những đồng tiền lẻ 200Đ, 500Đ được dùng cho việc trả phí.
Với 120.000Đ mà dùng tờ tiền mệnh giá 500Đ phải đếm tới 240 lần.
Mỗi lượt xe qua trạm mất vài phút, tắc đường, kẹt xe và vỡ trận BOT là đương nhiên.
Hầu hết tài xế khi được hỏi đều không đồng tình việc giảm phí, yêu cầu dời trạm Cai Lậy sau khi Bộ GTVT chốt phương án giảm giá sáng 16/8.
Quản lý BOT ghi hình và nhờ công an can thiệp. Nhưng về luật, tài xế không có lỗi khi dùng tiền lẻ vì tiền lẻ, tiền chẵn đều là tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam in ra. Không có luật nào bắt lái xe phải trả tiền chẵn cho BOT, mọi đồng tiền sinh ra đều có quyền bình đẳng.
Ai cũng hiểu đó là cách các tài xế phản đối BOT thu tiền không hợp lý. Hết Bến Thủy đến Cai Lậy, đây không phải lần đầu và không phải lần cuối.
Người tham gia giao thông đều hiểu, đường tốt, bảo trì thường xuyên, an toàn, đi lại thuận tiện… phải có tiền. Chỉ cần hai chữ: Hợp lý.
Nếu dân phản đối, các "ông BOT" nên tự xem lại con đường, trạm thu phí và mức phí đã hợp lý chưa.
BOT Mỹ: Làm ăn có lời có lỗ
Đi từ Washington DC lên New York và thậm chí ra sân bay Dulles cũng có nhiều đoạn BOT. Có chỗ thu 3$, có chỗ 6$, có đoạn chạy song song với sân bay đi một đoạn trả 75 cents.
Tiền mặt cũng có, qua hệ thống E-Zpass tự động tính tiền trừ vào tài khoản của chủ xe. Chuyện này là thường ở các nước phát triển.
75 cent tiền mặt thu thế nào? BOT có cái sọt bằng kim loại cài cảm biến tiền, chỉ nhận đồng 25 cent, 50 cent. Tài xế đi qua ném xoảng vào. Nếu đủ tiền, đèn xanh. Không đủ, đèn đỏ, xe vẫn qua, nhưng sẽ nhận vé phạt 50 đô sau vài tuần có ảnh phạt nguội.
Trong đầu tư có khái niệm PPP (Public Private Partnership – đối tác công tư) là hình thức đầu tư nhằm huy động vốn và khả năng quản lý của tư nhân nhằm giải quyết những dịch vụ công cộng.
BOT (Build, Operation, Transfer – Xây dựng, vận hành và bàn giao) là một hình thức của PPP.
Theo hình thức này, tư nhân bỏ tiền ra xây dựng, sau đó quản lý và vận hành, thu tiền trong thời gian nhất định, rồi bàn giao lại cho nhà nước và công trình đó trở thành công cộng.
Một ưu điểm của PPP là chuyển rủi ro đầu tư công sang cho phía tư nhân. Khi làm đường thì con đường PPP là của tư nhân trong một thời gian X năm nào đó. Phí đường hoàn toàn do phía tư nhân quy định.
Nếu thu cao người ta sẽ không đi mà họ sẽ đi vào đường công công (quốc lộ, tỉnh lộ…), ngược lại thu phí thấp, sau X năm không hoàn được vốn, thì tư nhân phải chịu thua lỗ và vẫn phải trả lại con đường cho nhà nước theo như hợp đồng và đường đó biến thành công cộng, không được thu phí nữa.
Không thể có chuyện như hợp đồng với BOT Cai Lậy có nội dung thật kỳ khôi "Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư theo như tính toán tại phương án tài chính trong hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng nhà đầu tư tính toán lại theo hướng kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư". Đầu tư chắc ăn, không chút rủi ro, ai chẳng làm được.
Chuẩn bị hàng chục kg tiền lẻ để mua vé BOT Cai Lậy. Ảnh facebook Đ.H
Vài lời cuối
Quay lại chuyện BOT Cai Lậy. Chỉ là những đồng tiền lẻ nhỏ nhoi nhưng các tài xế đang thách thức cả hệ thống giao thông to lớn có BOT, mà thách thức lại đúng luật.
Dự án 1400 tỷ của BOT Cai Lậy bị những tờ tiền 200 đe dọa phá sản. Cao tốc Việt Nam có những tay chơi nhỏ sau tay lái đang thách thức các ông lớn ngồi salon máy lạnh dùng BOT để kiếm lời.
Kiếm lời kiểu BOT vô lý thì đâu chỉ là mấy lái xe chịu thiệt. Phí đường bộ tăng thì giá vận chuyển tăng, kéo theo hiện tượng domino trong nền kinh tế, giá nhiều thứ tăng, từ vi mô đến vĩ mô đều có quan hệ.
Như Moises Naim viết trong cuốn "Sự suy tàn của quyền lực": Quyền lực đang chuyển biến từ cơ bắp sang trí não. Sự chuyển biến này không được nhận ra và hiểu biết một cách đầy đủ, thì BOT vỡ trận theo kiểu ở Cai Lậy hay Bến Thủy trước kia sẽ còn tiếp tục.