Một nghiên cứu lớn từ Đại học Edinburgh (Anh) và Đại học North Carolina (Mỹ) cho thấy tác động khó tin đến số ca bệnh tiểu đường, ung thư, tim mạch, tử vong sớm... nếu như người dân bớt ăn trung bình 61gr thịt chế biến sẵn mỗi tuần.
Đó là số lượng tương đương 30% khẩu phần thịt chế biến sẵn mà người Mỹ tiêu thụ.
Theo bài công bố trên The Lancet Planetary Health, con số ít ỏi đó có thể ngăn ngừa 352.900 trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2, 92.500 ca bệnh tim mạch, 53.300 ca ung thư trực tràng và 16.700 ca tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào trong thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về sức khỏe cộng đồng và dinh dưỡng của 8.665 cá nhân để tạo ra "mô phỏng vi mô" của hơn 242 triệu người trưởng thành tại Mỹ và đưa ra kết quả trên.
Lúc đầu, họ nhận thấy lượng tiêu thụ thịt chế biến sẵn ở Mỹ là khoảng 29gr/ngày, trong khi lượng tiêu thụ thịt đỏ chưa qua chế biến là khoảng 46,7gr/ngày.
Các mô hình cũng cho thấy việc cắt giảm 30% đối với cả hai loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giúp giảm hơn 1 triệu ca tiểu đường type 2, 382.400 ca tim mạch, 84.400 ca ung thư trực tràng và 62.200 ca tử vong do mọi nguyên nhân trong khoảng thời gian 10 năm.
Nhưng cuối cùng, tác động riêng từ thịt chế biến sẵn tỏ ra mạnh mẽ hơn vì chỉ thêm bớt một lượng nhỏ loại thịt này cũng đủ tạo ra thay đổi lớn.
Ngoài ra, nên lưu ý rằng thịt gia cầm chế biến cũng không tốt.
Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, giò chả các loại... vốn phổ biến trên toàn thế giới từ rất lâu và tiện lợi cho lối sống công nghiệp. Nhưng ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chúng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức phân loại thịt chế biến sẵn là tác nhân có thể gây ung thư.
Một phân tích tổng hợp năm 2021 cho thấy ăn 50gr thịt chế biến sẵn mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%.
Ung thư trực tràng và ung thư đại tràng, gọi chung là ung thư đại trực tràng hay ung thư ruột, là dạng ung thư phổ biến hàng thứ 3 thế giới nhưng lại gây tử vong nhiều thứ nhì, chỉ sau ung thư phổi.