Mới đây nhất, 4 tuyển thủ quốc gia Lào (Saynakhonevieng Phommapanya, Chintana Souksavath, Moukda Souksavath và Phatthana Syvilay) đã bị cấm thi đấu 60 ngày vì nghi ngờ liên quan tới dàn xếp tỷ số hồi năm 2010.
Cuộc điều tra 4 cầu thủ này có thể mở ra những bê bối sâu xa hơn liên quan tới dàn xếp tỷ số xuyên quốc gia. Nó thậm chí có thể lan rộng ra toàn bộ Đông Nam Á, phanh phui nhiều bí mật ở cả AFF Cup và SEA Games.
Với kinh nghiệm hơn 2 thập kỷ gắn bó cùng bóng đá châu Á và Đông Nam Á, trong đó có bóng đá Việt Nam và lại có vợ là cựu tuyển thủ điền kinh Việt Nam, ông Steve Darby, cựu HLV trưởng đội tuyển Lào, hiểu rõ những mặt tối phía sau nền bóng đá vùng trũng này.
Chia sẻ với FourFourTwo, ông Darby thừa nhận: "Chỉ kẻ ngốc mới không lo lắng về việc dàn xếp tỷ số ở AFF Cup sắp tới. Hiện, cầu thủ đang phải chịu quá nhiều áp lực. Bạn thử nhìn sang giải vô địch quốc gia Ấn Độ nơi tôi đang làm bình luận viên, họ đã phải cố giữ giải đấu trong sạch. Việc đó cực kỳ khó khăn nhưng đó là sự nỗ lực đáng giá".
Nhưng không phải giải đấu nào cũng làm được như Ấn Độ. Người Lào, người Việt Nam đều từng thất bại ở các giải đấu quốc nội và châu lục. Ngay cả tại AFF Cup, bóng ma tiêu cực và nỗi sợ hãi vẫn hiện hữu.
Bản thân ông Darby từng làm việc cùng vài người trong số 4 cái tuyển thủ Lào. Chiến lược gia 61 tuổi thừa nhận mình "rất buồn" vì những cầu thủ mình từng làm việc cùng dính nghi án dàn xếp tỷ số: "Nhận được tin ấy khiến tôi tự hỏi liệu mình có từng lãng phí thời gian và công sức? Bởi vài cầu thủ hóa ra đã dàn xếp các trận đấu.
Thực ra, chuyện này không hề bất ngờ bởi luôn có những tin đồn liên quan tới dàn xếp tỷ số trong các trận đấu. Hãy thử tưởng tượng, bạn ở bên cạnh cầu thủ 24/7, bạn tận mắt chứng kiến họ nỗ lực trong tập luyện và thi đấu. Nhưng sự thật là họ đã bán độ. Điều đó khiến bạn vừa buồn, vừa tức giận. Họ đã lừa dối bạn.
Tôi biết rất rõ vài cầu thủ trong số này. Họ là Saynakhonevieng và Moukda. 2 cầu thủ đó được ra sân khá thường xuyên. Người ta còn nói rằng họ đã được chọn vào đội hình chính của đội tuyển Lào. Thành thật mà nói, tôi đã luôn thấy họ thi đấu rất tốt trên sân".
Hãy trở lại với trận Lào gặp Macau (Trung Quốc) hôm 6/11 vừa qua tại Solidarity Cup. Dù chưa có vài tên tuổi nổi tiếng đang khoác áo Lanexang United tại Mekong Cup, đội tuyển Lào vẫn tỏ ra quá mạnh so với Macau - đội bóng mới thắng một trận chính thức duy nhất suốt 2 năm qua.
Vậy mà Lào lại thua 1-4. Xin lưu ý, họ xếp hạng 175, cao hơn đối thủ tới 21 bậc trên BXH FIFA. Cái cách họ thủng lưới cũng khiến người ta không thể không thất vọng (và nghi ngờ); thua 3 bàn trong 22 phút. Ai dám tự tin nói bóng tối không đứng sau lưng đội tuyển Lào?
Ông Darby tin rằng mức độ khủng hoảng ở bóng đá Lào đang lan rộng. Đã tới lúc LĐBĐ Lào phải có những hành động mạnh tay để ngăn chặn tình trạng này: "Khi tôi còn ở Lào, tôi từng cảm thấy nhiều trận đấu bị bán độ? Nhưng hết lần này tới lần khác, quá khó để tôi chứng minh được điều đó.
Và hãy nhìn xem. AFC cấm 4 cầu thủ Lào thi đấu cho đội tuyển ở các giải châu Á. Nhưng tại giải quốc nội, họ vẫn được ra sân. Thế là sao? Quan điểm của tôi là phải cấm triệt để quyền tham gia vào các hoạt động bóng đá của họ ở mọi đấu trường. Chúng ta phải hành động thông qua sự trừng phạt. Điều đó cũng tương đương với một sự giáo dục dành cho họ".
Nhưng làm sao để chiến thắng cuộc chiến đó khi sức mạnh của tiền bạc vẫn chiếm ưu thế khủng khiếp? Darby kể lại kỷ niệm ông từng nghe từ một cựu tuyển thủ. Anh ta nhận lương 200 USD/tháng và đá cho đội tuyển quốc gia trong một trận đấu chắc chắn thua.
Một người đề nghị trả anh ta 5.000 USD để đội bóng của anh ta thua thêm một bàn nữa. Anh ta phải làm thế nào khi sự chêch lệch là 4.800 USD, tức là bằng mức lương anh ta có trong 2 năm?"
Với bóng đá Đông Nam Á, câu hỏi là con những "con sâu" nào chưa bị phát hiện và chúng có tiếp tục hiện hình ở AFF Cup 2016 tới hay không?