Tháng 5/2019, Mỹ đưa một lực lượng quân sự lớn đến vùng Vịnh. Tháng 6/2019, Iran bắn hạ máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk hiện đại bậc nhất của Mỹ. Tháng 9/2019 các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco bị tấn công làm sản lượng dầu của Ả Rập Saudi, nước sản xuất dầu mỏ số một thế giới giảm hơn 50%, đưa căng thẳng trong quan hệ giữa Ả Rập Saudi, Mỹ với Iran lên đỉnh cao.
Tất cả sự chú ý của thế giới hướng về vùng Vịnh và nhiều người nín thở chờ xem Ả Rập Saudi và Mỹ sẽ làm gì, liệu họ có tấn công trả đũa Iran hay không? Tuy nhiên, đến nay điều đó đã không xảy ra.
Dấu hiệu hoà dịu
Cuộc tấn công đã gây ra hậu quả to lớn không chỉ đối với nguồn lực kinh tế quan trọng nhất của Ả Rập Saudi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, an ninh và hệ thống phòng thủ của Vương quốc này.
Từ chỗ đổ trách nhiệm cho Iran đứng sau vụ tấn công và truyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ, đến nay cả Riyadh và Washington đều tỏ ra không muốn căng thẳng với Tehran.
Cơ sở dầu mỏ Aramco bị tấn công. Ảnh: Reuters
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Ả Rập Saudi đang tìm cách làm dịu tình hình. Tờ Wall Street mới đây đăng tin cho biết Riyadh đã đồng ý với đề nghị của Houthi ngừng bắn hạn chế ở 4 khu vực tại Yemen, trong đó có Thủ đô Sana’a mà Houthi giành lại quyền kiểm soát từ năm 2014.
Động thái này rõ ràng là để đáp lại đề nghị của Houthi, theo đó họ sẽ ngừng tấn công lãnh thổ Ả Rập Saudi bằng tên lửa và máy bay không người lái và Ả Rập Saudi sẽ ngừng tấn công vào các vị trí của Houthi ở Yemen.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng, đây thực chất là một thông điệp về việc Ả Rập Saudi mong muốn giảm căng thẳng với Iran, đồng minh mạnh nhất của Houthi ở khu vực. Đặc biệt, tờ báo này cho biết Ả Rập Saudi đang tìm cách mở rộng lệnh ngừng bắn bao gồm các khu vực khác trên lãnh thổ Yemen.
Những nỗ lực giảm căng thẳng của Ả Rập Saudi không chỉ thể hiện ở việc kiềm chế hành động ở Yemen và vùng Vịnh mà còn bắt đầu thông qua trung gian liên hệ với chính quyền Iran. Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay Riyadh giao thiệp với Tehran.
Thái tử Mohammed bin Salman đã chính thức đề nghị Thủ tướng Pakistan Imran Khan, người có quan hệ thân thiết với cả Riyadh và Tehran, đứng ra hoà giải giữa hai nước.
Thủ tướng I. Khan cho biết, trên đường từ Islamabad đi New York dự khoá họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 9/9/2019 ông đã dừng chân tại Riyadh gặp Thái tử M.B Salman và Thái tử đã đề nghị ông "nói chuyện với Tổng thống Iran H. Rohani."
Sau Imran Khan, ngày 25/9/2019 Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng đã đến Riyadh và ngày 28/9/209 bay sang Tehran trao thư của Thái tử M.B Salman gửi Tổng thống H. Rohani.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Al-Jazeera ngày 2/10/2019, ông A. Mahdi cho biết Ả Rập Saudi đang mong muốn hoà giải với Iran và tỏ ý sẵn sàng nhân nhượng trong một số vấn đề liên quan tới việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen, một trong những bất đồng lớn nhất trong quan hệ giữa Riyadh và Tehran.
Ông nói thêm, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Yemen, Iran muốn đối thoại để thoát khỏi các lệnh trừng phạt làm tổn hại tới nền kinh tế của mình và Mỹ cũng muốn có hoà bình ở khu vực. Thủ tướng A.A Mahdi tỏ ra lạc quan về khả năng sớm diễn ra cuộc đối thoại giữa các quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đề nghị Thủ tướng I. Khan chuyển thông điệp hoà giải tới Iran. Trả lời câu hỏi trong một cuộc họp báo tại New York, ông I. Khan nói: "Tôi đã ngay lập tức nói chuyện với Tổng thống H. Rohani sau cuộc gặp với Tổng thống Trump. Tôi không thể nói bất cứ điều gì hơn thế trong lúc này, ngoại trừ việc chúng tôi đang cố gắng hoà giải."
Sẵn sàng đối thoại
Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rubaie nói, Tổng thống Iran H. Rohani đã nhận được thông điệp từ Ả Rập Saudi. Ông nhấn mạnh Iran sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đối thoại nào với Ả Rập Saudi.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abass Musavi tuyên bố: "Tehran hoan nghênh tất cả các cố gắng trung gian hoà giải nhằm giải quyết các bất đồng với Riyadh. Tehran sẵn sàng chấm dứt căng thẳng với Riyadh nếu Riyadh cũng sẵn sàng làm việc đó. Đối thoại là có lợi cho Ả Rập Saudi, Yemen và toàn bộ khu vực."
Ông A. Musavi nói, các hoạt động quân sự của Houthi chống Ả Rập Saudi là mang tính chất phòng thủ, Tehran ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Yemen và Ả Rập Saudi nên chấp nhận đối thoại để giải quyết cuộc xung đột. Ả Rập Saudi ngừng bắn ở Yemen sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán.
Vài ngày sau khi Thái tử M.B Salman nói với hãng CBS rằng ông muốn giải quyết các tranh chấp với Iran bằng các biện pháp hoà bình, ngày 1/10/2019 trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông Al-Jazeera, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nói:
"Tehran sẵn sàng đối thoại không có điều kiện tiên quyết với Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trong khu vực. Một cuộc đối thoại với Ả Rập Saudi có thể giải quyết nhiều vấn đề chính trị và an ninh của khu vực."
Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters
Để thúc đẩy xu hướng hoà dịu, ngày 25/9/2019, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Iran H. Rohani đã đưa ra sáng kiến thành lập "Liên minh Hy vọng" trên nguyên tắc "công việc của vùng Vịnh phải do các nước vùng Vịnh giải quyết", kêu gọi các nước vùng Vịnh cùng nhau đảm bảo an ninh khu vực.
Sáng kiến này thay thế cho kế hoạch của Washington về việc thành lập một Liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy của Mỹ để đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại vùng Vịnh.
Tổng thống H. Rohani nói: "An toàn của tàu bè ở vùng Vịnh cần phải được các quốc gia trong khu vực đảm bảo không có sự can thiệp của bên ngoài. Để đạt được mục tiêu này, Iran sẵn sàng giải quyết các bất đồng với các quốc gia khác trong khu vực. Kế hoạch này của Tehran sẽ không chỉ bao gồm lĩnh vực chính trị-quân sự, mà còn cả kinh tế. Iran chủ trương xây dựng một nền hòa bình lâu dài trong khu vực."
Trước đó, tháng 8/2019 Tehran đã đưa ra đề nghị ký một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Iran với các quốc gia vùng Vịnh.
Thái tử M.B Salman là một người có đầu óc thực tế. Qua vụ các cơ sở dầu mỏ của Aramco bị tấn công vừa qua và Mỹ bắt đầu ngừng thực hiện các cam kết của mình trong cuộc chiến Yemen, Riyadh hiểu rằng chính quyền của Tổng thống D. Trump không sẵn sàng bảo vệ Ả Rập Saudi, đặc biệt trong bối cảnh ông D. Trump đang đứng trước nguy cơ bị luận tội và cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang đến gần. Con đường duy nhất để đảm bảo an ninh cho Ả Rập Saudi là hoà giải với Iran.
Dư luận khu vực và quốc tế hoan nghênh các bước đi hoà giải giữa Riyadh và Tehran. Sáng kiến của Iran có nhiều điểm đáng để xem xét. Tuy nhiên, sáng kiến này có thực hiện được hay không tuỳ thuộc rất nhiều vào thái độ của Mỹ. Đáng chú ý, Tổng thống D. Trump thường rất dè dặt khi bình luận về các đề nghị của Iran, đã tuyên bố ông "luôn luôn cởi mở" để xem xét những sáng kiến như vậy.
Ả Rập Saudi và Iran từng gọi nhau là "kẻ thù không đội trời chung", bất đồng giữa hai nước kéo dài hàng chục năm nay không dễ gì giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, những dấu hiệu thay đổi cả trong lời nói và việc làm của các bên liên quan, trước hết của hai người chơi chính là Ả Rập Saudi và Iran đang mở ra tia hy vọng đẩy lùi bóng ma chiến tranh ra khỏi vùng Vịnh.