Bỗng dưng mắc nợ tín dụng 37 triệu, bị xã hội đen đe doạ suốt ngày: Tôi đã khổ sở đi "giải oan" thế nào?

Mạnh Kiên |

Chưa từng vay nợ tín dụng bao giờ, bỗng một ngày có hàng loạt đối tượng gọi đến đòi tôi phải trả món nợ hàng chục triệu đồng cùng những lời doạ nạt ghê người.

Vụ việc người đàn ông nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ là lời cảnh báo cho nhiều người cần quan tâm sát sao hơn đến thông tin tín dụng cá nhân, tránh trường hợp vì lý do chủ quan lẫn khách quan (bị mạo danh vay nợ) dẫn đến rắc rối không đáng có.

Trong câu chuyện dưới đây, một độc giả đã chia sẻ về việc bỗng dưng mắc phải khoản nợ tín dụng 37 triệu đồng từ trên trời rơi xuống, gây ra vô số rắc rối cho bản thân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến tài chính, chưa kể đến việc bị kẻ lạ mặt liên tục đòi tiền, hăm dọa.

Khoản nợ vô tình

Câu chuyện xảy ra vào năm 2020, khi ấy tôi là một người chưa từng tiếp cận dịch vụ vay tiền qua công ty tín dụng hay ngân hàng bao giờ. Nhưng bỗng một ngày có số điện thoại lạ nhắn tin đề nghị tôi trả số tiền vay tín dụng khoảng 20 triệu đồng đã quá hạn.

Vì nghĩ đối phương có sự nhầm lẫn, tôi chỉ lịch sự trả lời rằng mình chưa từng vay tiền và họ có thể nhắn nhầm số. Phía bên kia không phản hồi nên tôi cũng không quan tâm đến nữa.

Bẵng đi vài tháng sau, tiếp tục có các tin nhắn gửi đến với nội dung tương tự. Tôi cảm thấy phiền phức nên ngó lơ. Nhưng nối tiếp sau đó là hàng loạt các số lạ liên tục gọi điện đến với yêu cầu trả nợ kèm những lời hăm dọa mang tính chất xã hội đen. Tôi bác bỏ cáo buộc nhưng đối phương khăng khăng không chịu nghe. Sau những lần đôi co không thành, đầu dây bên kia lại tắt máy.

Bỗng dưng mắc nợ tín dụng 37 triệu, tôi đã trầy trật đi

Tưởng rằng êm xuôi, vài ngày sau có một người phụ nữ tự xưng là giám đốc trung tâm xử lý nợ của một công ty tín dụng có tiếng ở Việt Nam. Người này lớn tiếng yêu cầu tôi trả số nợ 20 triệu đồng bằng giọng bức xúc như thể tôi là con nợ chai mặt nhất từ trước đến nay. Thậm chí, người phụ nữ đe dọa đã chuyển hồ sơ cho công an khởi tố và tôi "sẽ không thoát được đâu".

Tranh cãi, phân bua qua điện thoại suốt 10 phút không thành, tôi yêu cầu người kia đến tận nơi để đối chứng. Nhưng người phụ nữ chỉ gửi hồ sơ vay nợ có ghi tên tôi để kiểm tra lại.

Điều kỳ lạ là tên và ngày tháng năm sinh của tôi trên hồ sơ là chuẩn xác, nhưng về số điện thoại, chữ ký, hộ khẩu thường trú, công việc và tình trạng hôn nhân lại sai hoàn toàn. Trong đó thậm chí còn có cả tên "bố vợ và vợ tôi" trong khi bản thân tôi chưa hề lấy vợ. Tên và nơi sinh sống của những người này hoàn toàn xa lạ.

Chỉ đến khi đọc số chứng minh nhân dân trên hợp đồng vay nợ, tôi mới hiểu được căn nguyên vấn đề. Một kẻ nào đó đã dùng chứng minh nhân dân của tôi để giả mạo hồ sơ vay tiền. Trước đó vài tháng, tôi có đánh rơi giấy chứng minh nhân dân trên đường. Vì đã làm căn cước công dân có số căn cước mới, tôi không cảm thấy việc đó quá nghiêm trọng.

Nhưng rắc rối ở đây là dù làm mới căn cước công dân nhưng chứng minh nhân dân cũ vẫn có hiệu lực trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến xác minh danh tính trong tài chính, tín dụng.

Kẻ nào đó nhặt được chứng minh nhân dân của tôi đã đến vay tiền của công ty tín dụng này và bằng một cách thần kỳ, công ty vẫn chấp nhận cho vay dù ảnh trên giấy tờ không giống với người thật, thậm chí thông tin cũng khác hẳn trên sổ hộ khẩu khi đối chứng.

Sau một hồi trình bày, tôi đề nghị công ty xóa thông tin của mình vì như thế sẽ ảnh hưởng xấu đến hồ sơ cá nhân sau này. Phía công ty nói sẽ cho xác minh và cúp máy. Nhưng câu chuyện không hề kết thúc dễ dàng như tôi nghĩ.

Bỗng dưng mắc nợ tín dụng 37 triệu, tôi đã trầy trật đi

Khoản nợ 37 triệu được ghi trên ứng dụng CIC.

Hành trình đi giải oan

Nhiều tháng sau, tôi được bạn bè mời làm thẻ tín dụng. Vì có hồ sơ tốt, tôi sẽ được mở tài khoản hạn mức cao. Nhưng khi nhân viên kiểm tra lịch sử tín dụng trên Trung tâm Thông tin Tín Dụng (CIC), tôi bị ngân hàng từ chối vì đang có khoản nợ chưa trả suốt một năm qua. Chừng nào chưa trả hết số tiền đó, tôi sẽ không được mở thẻ, vay ngân hàng hay có các thỏa thuận tín dụng cá nhân.

Nói cách khác, tôi nằm trong danh sách đen của tất cả các tổ chức tài chính ngân hàng vì là đối tượng nợ xấu. Sẽ không đơn vị nào mở thẻ tín dụng cho tôi chứ đừng nói đến việc có ý định vay ngân hàng cho các mục đích lớn như mua nhà.

Hoá ra, công ty tín dụng kia chưa hề giải quyết vụ giả mạo vay nợ của tôi. Bức xúc, tôi gọi lên tổng đài để làm cho ra nhẽ. Sau một hồi trình bày rằng đã thông báo việc có kẻ giả mạo vay tiền và yêu cầu xóa thông tin từ lần làm việc trước đó, tổng đài chỉ trả lời quanh co rằng họ không biết.

Họ tra trên CIC và nói tôi không có khoản nợ nào bên họ, đề nghị tôi gọi điện sang cho một ngân hàng khác để giải quyết vì công ty này trước đây từ ngân hàng đó tách ra.

Tiếp tục gọi điện cho ngân hàng, đơn vị này cũng trả lời rằng không có hồ sơ vay nào của tôi trên hệ thống, yêu cầu hỏi lại bên công ty tín dụng kia vì "công ty hoạt động riêng lâu rồi, không còn liên quan".

Hai bên đùn đẩy cho nhau khiến tôi rối trí. Gọi lại cho công ty tín dụng, họ tiếp tục bác bỏ, phủi trách nhiệm. Gọi cho ngân hàng, nhân viên cũng nói y hệt. Sau nhiều lần phàn nàn, công ty tín dụng đó chặn số điện thoại của tôi, không ai nghe máy nữa.

Bỗng dưng mắc nợ tín dụng 37 triệu, tôi đã trầy trật đi

Bảng hợp đồng vay nợ.

Rõ ràng tôi bị mắc nợ vô lý nhưng họ trốn tránh giải quyết. Khi đòi tiền, họ gọi cho tôi đêm ngày, nhưng khi biết là nhầm lẫn, công ty bỏ mặc tôi với khoản nợ xấu từ trên trời rơi xuống.

Tôi hiểu rằng muốn giải oan cho chính mình phải có bằng chứng rõ ràng thay vì chỉ đôi co qua điện thoại.

Tôi tải ứng dụng tra cứu thông tin của CIC trên điện thoại và khai thác báo cáo tín dụng cá nhân. Quả thực công ty tín dụng kia đã cố tình nói dối khi bảo rằng tôi không có khoản vay nào. Trên báo cáo, tôi đang có khoản nợ 37 triệu với công ty này (số tiền gốc ban đầu chỉ khoảng 10-20 triệu nhưng đã tăng lên sau khi cộng tiền lãi, phạt suốt hơn một năm), điểm tín dụng ở mức rất thấp, rơi xuống mức độ rủi ro 11.

Không thể giải quyết bằng lời nói. Tôi chụp lại toàn bộ bằng chứng về các tin nhắn đòi nợ, khoản nợ vô lý gắn với công ty dựa trên CIC để đăng lên mạng xã hội. Chỉ đến khi bài viết được chia sẻ rộng rãi, gây ảnh hưởng đến danh tiếng, công ty tín dụng mới liên hệ với tôi để giải quyết.

Ai có lẽ cũng từng thắc mắc: Vì sao thẻ nhớ chỉ bé như 'hạt đậu' mà lưu trữ được lượng dữ liệu khổng lồ?Ai có lẽ cũng từng thắc mắc: Vì sao thẻ nhớ chỉ bé như "hạt đậu" mà lưu trữ được lượng dữ liệu khổng lồ?

Hãy hình dung chiếc thẻ nhớ 1 TB nhỏ bé có dung lượng bằng 16 chiếc iPhone (64GB), 4 chiếc laptop (256GB), chứa được 250.000 bức ảnh hoặc 6,5 triệu trang tài liệu.

Ban đầu, họ vẫn ngoan cố cho rằng không có chuyện ai đó mạo danh vay tiền mà chính tôi đang vay tiền họ nhưng không trả. Chỉ đến khi tôi cung cấp giấy tờ cá nhân để đối chứng, họ mới tiến hành kiểm tra lại.

Sau một tuần, công ty thừa nhận đã sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ, dẫn đến việc để kẻ mạo danh vay tiền, gây ra những phiền phức không đáng có cho bản thân tôi. Họ xin lỗi, nhờ xoá bài đăng trên mạng xã hội và cam kết sẽ xóa lịch sử tín dụng xấu trên CIC.

Câu chuyện trở thành bài học rút kinh nghiệm khiến tôi cẩn thận hơn với thông tin tín dụng cá nhân. Cứ vài tháng, tôi sẽ lên ứng dụng CIC để tra cứu một lần, xem mình có khoản nợ bất thường nào không.

Bài học nữa rút ra ở đây là hãy cẩn thận cất giữ giấy tờ cá nhân vì bạn sẽ không biết được việc chúng lọt vào tay kẻ gian sẽ gây rắc rối đến thế nào.

Với các tổ chức tài chính, danh dự của bạn không quan trọng bằng món nợ. Họ sẽ không bao giờ tin bạn nếu không có bằng chứng rõ ràng. Thậm chí ngay cả khi bạn đã chứng minh tất cả, họ vẫn tin rằng đây chỉ là chiêu trò của một con nợ khôn lỏi đã quen bùng nợ nhiều lần.

Cuối cùng, đừng trông chờ vào việc họ sẽ nhận sai và xoá lịch sử tín dụng xấu trên CIC cho bạn. Bạn phải tự mình đi giải quyết đống rắc rối đó dẫu cho chính họ mới là người gây ra.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại