"Bóng dáng" ông Johnathan Hạnh Nguyễn sau việc CIAS không thuê được mặt bằng tại Nhà ga quốc tế Cam Ranh khiến cổ phiếu lao dốc

Phương Chi |

Nhìn vào cơ cấu cổ đông của CRTC thì có thể thấy ngay việc "người ngoài" như CIAS không thể "chen chân" vào lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại nhà ga quốc tế Cam Ranh không quá bất ngờ.

Chuyện CIAS không thuê được mặt bằng cho hoạt động kinh doanh chủ lực

CTCP Dịch vụ sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIAS - mã chứng khoán CIA) vừa công bố thông tin có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty.

Theo đó CIAS đã không thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới T2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh khi nhà ga này chính thức đi vào hoạt động.

Nguyên nhân của việc này là do chủ đầu tư là công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) đã có thỏa thuận hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác, do vậy CRTC không bố trí được mặt bằng kinh doanh theo đề nghị của CIAS.

 Bóng dáng ông Johnathan Hạnh Nguyễn sau việc CIAS không thuê được mặt bằng tại Nhà ga quốc tế Cam Ranh khiến cổ phiếu lao dốc  - Ảnh 1.

Cổ phiếu CIA lao dốc mạnh những phiên gần đây

Ẩn số CRTC: Ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn đã nắm quyền chi phối, đối thủ còn cửa kinh doanh?

Câu chuyện của CIAS mới thoạt nghe thì tưởng chừng như là chuyện thường xuyên xảy ra trong kinh doanh nhưng nếu "soi" thật kỹ thì hóa ra không phải thế.

Lý do mà CIAS- một đơn vị hoạt động kinh doanh mảng dịch vụ sân bay tại Cam Ranh với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề -phải "ra về tay không" trong đàm phán thuê địa điểm kinh doanh nằm ở ẩn số về chủ đầu tư của dự án nhà ga hành khách quốc tế mới T2-Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh: CRTC.

Để lý giải được vì sao chủ đầu tư lại lắc đầu với CIAS thì trước hết phải biết rằng, CRTC thuộc sở hữu của ai.

Theo dữ liệu của chúng tôi có được, đăng ký kinh doanh ngày 6/7/2016 của CRTC cho thấy, CRTC là đơn vị do IPP group nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu đạt 55%. Tiếp đến, Nasco Logistic nắm giữ 15%. 30% cổ phần còn lại của CRTC chia đều cho 3 nhà đầu tư là ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP), VietJet Air và Việt Xuân Mới.

 Bóng dáng ông Johnathan Hạnh Nguyễn sau việc CIAS không thuê được mặt bằng tại Nhà ga quốc tế Cam Ranh khiến cổ phiếu lao dốc  - Ảnh 2.

Cái tên IPP thường được nhắc đến cùng một cái tên nổi danh hơn: Johnathan Hạnh Nguyễn.

Được giới truyền thông gọi với danh xưng vua hàng hiệu- ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific- IPP) hiện nắm giữ danh mục trên 40 thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café...

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng các thành viên trong gia đình kinh doanh siêu thị và các cửa hàng miễn thuế từ rất lâu. Những siêu thị tên tuổi một thời như Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân đều do gia đình ông mở và điều hành từ những năm đầu thập niên 90.

Việc đưa các thương hiệu thời trang, hàng hiệu vào hệ thống cửa hàng miễn thuế tại sân bay cũng là cơ duyên đưa đưa ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành ông vua hàng hiệu khi những đối tác này muốn tiến sâu vào thị trường nội địa.

Ông Hạnh Nguyễn cũng là chủ tịch và cổ đông chính của Sasco - công ty kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất nước. Nasco, công ty mẹ của Nasco Logistics cũng là một cái tên lớn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không tại phía Bắc.

Cả Nasco, Sasco và bản thân IPP đều có nguồn thu đáng kể từ kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay. Do vậy, nhìn vào cơ cấu cổ đông của CRTC thì có thể thấy ngay việc "người ngoài" như CIAS không thể "chen chân" vào lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại nhà ga quốc tế Cam Ranh không quá bất ngờ.

Cổ phiếu lao dốc không phanh vì người nắm vận mệnh của mình là công ty con của đối thủ

Tuy CRTC không nói ra ai là "một đơn vị khác" trong văn bản gửi cho CIAS là ai nhưng để một doanh nghiệp lâu năm trong ngành ra về tay trắng trong cuộc đàm phán thuê địa điểm kinh doanh thì là chuyện không hề bình thường.

IPP của Johnathan Hạnh Nguyễn là đối thủ cùng ngành của CIAS và nếu như-chỉ là giả định nếu như- IPP muốn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế ở dự án nhà ga hành khách quốc tế mới T2-Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh thì chắc chắn, CIAS sẽ không thể là đối thủ của IPP trong việc đàm phán cùng CRTC để thuê địa điểm.

Theo báo cáo của CIAS, mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế đóng góp gần 80% tổng doanh thu riêng của công ty mẹ (theo BCTC riêng đã được kiểm toán năm 2017) và chiếm gần 60% tổng doanh thu hợp nhất theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017.

Hiện tại, CIAS đang cung cấp các dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh với các dịch vụ như ăn uống, bán hàng hóa, dịch vụ vận tải, bán hàng miễn thuế, phục vụ mặt đất, dịch vụ vệ sinh và dịch vụ taxi…

Năm 2017 CIAS đạt trên 439 tỷ đồng doanh thu, tăng 60,4% so với năm 2016, trong đó doanh thu bán hàng miễn thuế đạt trên 262,8 tỷ đồng, và mảng này cũng mang đến 65 tỷ đồng trong tổng số 104 tỷ đồng lợi nhuận gộp của công ty.

Lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 đạt 48,6 tỷ đồng, hơn gấp đôi lợi nhuận đạt được năm 2016. EPS đạt 7.062 đồng/cổ phiếu.

Nhờ hoạt động kinh doanh hầu như năm nào cũng một đồng vốn sinh một đồng lãi, cổ phiếu CIA từ khi chào sàn HNX vào cuối tháng 11/2017 đã tăng giá mạnh, có lúc lên đến gần 70.000 đồng/cp.

Từ đỉnh giá gần 70.000 đồng, cổ phiếu CIA đã giảm đều sau đó và "nước tràn ly" khi thông tin mà chính công ty đã công bố là "ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty" được phát ra thì cổ phiếu CIA của CIAS ngay lập tức giảm sàn, về mức giá 45.900 đồng. Nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại