Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), lượng kiều hối về TP.HCM trong 9 tháng đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Thống kê 10 tháng đầu năm cũng cho thấy TP.HCM thu hút được 5,03 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2.
Đánh giá về dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường địa ốc, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho hay dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân đổ vào bất động sản Việt Nam đã tăng mạnh trong hai năm 2016, 2017 lên đến 613,5 triệu USD, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Cũng theo bà Dung, trong năm 2017, dòng vốn đầu tư của các "đại gia" địa ốc đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản đã tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong suốt 2 năm qua, thị trường BĐS TP.HCM đã liên tiếp đón nhận các quỹ đầu tư lớn đến từ Nhật Bản như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group… .
Mới đây nhất, sáng ngày 24/12/2017, Mitsubishi Corporation và Phuc Khang Corporation đã cùng thống nhất thành lập Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm Diamond Lotus, dự án nhà ở đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED.
Theo đó Mitsubishi Corporation nắm 51% cổ phần và Phuc Khang Corporation nắm 49% cổ phần tại PKMC. Khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào dự án Diamond Lotus Riverside, quận 8.
Trong chiến lược hợp tác dài hơi, thông qua PKMC Holding cả Mitsubishi và Phúc Khang sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang với tổng quy mô 20ha (phức hợp thương mại, chung cư cao tầng) trong khu vực trung tâm TP.HCM tại các quận: Quận 1, Quận 2, Quận 8, Quận 10, Tân Bình, Tân Phú,… và 1.000ha ở các vùng lân cận chỉ cách trung tâm TP.HCM từ 20-30km. Được biết, giá trị thương vụ này trên 500 triệu USD.
Dòng vốn triệu đô từ Nhật Bản đang ồ ạt đổ vào thị trường BĐS TPHCM.
Ngoài Mitsubishi Corporation, thời gian qua nhiều nghiệp Nhật cũng đã tiến vào thị trường bất động sản Việt Nam. Có thể kể đến như Tập đoàn Maeda công bố đã chính thức có mặt trên thị trường bất động sản thông qua hợp tác với Công ty Thiên Đức, thành viên của Công ty Golf Long Thành cùng thực hiện dự án căn hộ cao cấp đầu tay Waterina Suites ở khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM.
Công ty CP Nhà Mơ đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý BĐS hàng đầu Nhật Bản. Qua đó, Dream Home Palace (Quận 8) sẽ là dự án khởi đầu mà The Global Group sẽ hợp tác đầu tư, với số vốn dự kiến 50 triệu USD...
Ở mảng dịch vụ, trong tháng 10/2017 Hoa Binh House cũng đã công bố hợp tác cùng Tập đoàn Okamura Home và Tập đoàn Sanyo Homes, chính thức thành lập Liên doanh chuyên Quản lý và vận hành các sản phẩm bất động sản.
Ngoài ra còn hàng loạt thương vụ giữa các ông lớn Nhật và các doanh nghiệp BĐS Việt như thương vụ bắt tay của bộ ba Daiwa House – Nomura - Sumitomo kết nối cùng Phú Mỹ Hưng; Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Nam Long; Sanyo Home với Công ty Tiến Phát để triển khai dự án Ascent Lakeside tại quận 7. Kajima (Nhật Bản) hợp tác với Indochina Capital; Mitsubishi bắt tay cùng Tập đoàn Bitexco; Tokyu hợp tác với Becamex, hay Creed Group rót vốn vào Năm Bảy Bảy, An Gia; Lemon Grass Master Fund rót vốn vào SonKim Land củng phát triển một số dự án cao cấp tại quận 2.
Giải thích nguyên nhân vốn Nhật Bản đổ vào thị trường BĐS ngày càng tăng mạnh, đại diện tập đoàn Mitsubishi khẳng định rằng TP.HCM là thành phố lớn nhất ở Việt Nam cả về quy mô dân số và quy mô kinh tế. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định dẫn đến việc mở rộng tầng lớp trung lưu và thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các hệ thống giao thông đô thị mới, thị trường TP.HCM dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhà ở và bất động sản khác.
"Các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam với sự tương đồng về triết lý kinh doanh, chiến lược phát triển. Vì vậy, các mục tiêu hợp tác liên doanh đều sẽ mở ra một cơ hội để cung cấp cho thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM có thêm những khu đô thị đẳng cấp, thân thiện với môi trường", vị đại diện này nhấn mạnh.
Đánh giá về làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản đổ vốn vào thị trường BĐS Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang tăng trưởng mạnh nhờ nhiều chính sách mới, dự báo cho thấy trong 3-5 tới sẽ tiếp tục thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, mà trong đó các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á đặc biệt là Nhật Bản vẫn chiếm đa số.
Cũng theo TS. Lộc, chính sự hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tạo động lực để phát triển, tạo sự bùng nổ cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
Cùng quan điểm với ông Lộc, các chuyên gia dự đoán trong các quý tiếp theo, nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư Nhật Bản ở thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngày càng tăng, đặc biệt là tại thị trường BĐS TPHCM.
Các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm thường hợp tác cùng với các doanh nghiệp trong nước, vốn có sẵn quỹ đất và quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại, để liên doanh phát triển.