Đoạn clip này từng được lan truyền khắp các trang mạng xã hội và cả YouTube khoảng gần giữa năm 2018. Trong đó, một nhân vật có hình thù quái dị bỗng dưng xuất hiện giữa đêm khuya và đu cột leo lên tầng trên.
Cảnh tượng ban đêm thanh vắng cộng với diện mạo đáng sợ của nhân vật chính trong clip nên nó đã được chia sẻ lại rất nhiều lần với dòng caption đa dạng, hầu hết là liên quan đến hiện tượng kỳ bí, dưới đây là một vài ví dụ:
- Một bóng ma leo trèo xuất hiện tại một bệnh viện ở Ấn Độ.
- Bắt gặp ma nữ tại bệnh viện Sanjivani, Ấn Độ.
- Một bóng dáng kì bí xuất hiện tại bệnh viện Sanjivani, Mumbai, được camera an ninh ghi lại.
- Bóng ma đáng sợ ở bệnh viện trung tâm Ulhasnagar.
- Một người phụ nữ kỳ lạ được bắt gặp ở Bathinda.
Đoạn clip ghi lại một bóng dáng kì lạ leo cột lên tầng 1 từng gây xôn xao MXH.
Đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên ứng dụng WhatsApp, YouTube và các diễn đàn mạng xã hội. Vì đa số những dòng caption của đoạn clip đều nhắc đến Ấn Độ nên trang tin của nước này, ABP News, đã vào cuộc điều tra và làm rõ sự việc.
Họ tìm đến các bệnh viện được "réo tên" nhưng nhân viên tại đó đều khẳng định không hề có chuyện kinh dị như vậy xảy ra. Thêm nữa, các cơ quan truyền thông của Ấn Độ cũng không hề đưa tin về sự việc thế này.
Thì ra trước đó một thời gian, đoạn clip này đã xuất hiện trên mạng với những câu chuyện đi kèm nói rằng nó xảy ra ở nhiều nơi nằm ngoài Ấn Độ. Một phiên bản được kể lại có nội dung nói về Jinn (tên của hồn ma) leo lên cây cột tại một ngôi nhà ở Pakistan.
Một câu chuyện khác nói rằng một nhóm đàn ông đã quay được cảnh tượng rùng rợn này giữa đêm khi họ ra ngoài đi vệ sinh. Họ cho rằng người phụ nữ xuất hiện trong clip đang bị mộng du.
Thế nhưng, khi xem kỹ đoạn clip, mọi người hẳn sẽ thấy camera bị lắc một chút, cho thấy nó không phải trích xuất từ camera an ninh gắn cố định một vị trí. Thêm nữa, đoạn clip này có vẻ cũng đã được chỉnh sửa bởi bàn tay con người, một vài đoạn cho thấy động tác vươn tay nhanh bất thường và đôi chân cũng dài ra một cách khó hiểu.
Trang Hoax or Fact sau đó cũng vào cuộc điều tra. Họ tìm được đoạn clip gốc được đăng trên trang Facebook của Denaihati Network vào cuối tháng 4/2018. Bài đăng đi kèm dòng caption được viết bằng tiếng Malaysia, nội dung cho biết đây là một cảnh được dàn dựng cho một bộ phim điện ảnh truyền hình (telemovie). Nhân vật chính trong đó là Nidal Haiqal, một diễn viên đóng thế làm việc tại Movie Animation Park Studios, Malaysia, và đồng thời cũng là một nhà làm phim, theo thông tin từ trang Facebook cá nhân của anh.
Những thông tin này đã bác bỏ tất cả những lời đồn đại của dân mạng có trí tưởng tượng bay cao, bay xa. Vậy nên dành cho những "thần dân" trung thành của mạng xã hội, hãy là một người dùng thông minh, tinh ý, đừng để bị đánh lừa dễ dàng bởi các chiêu trò "câu like" thế này.