Mẩu tin nhỏ dẫn lại từ nhật báo Hokkaido Shimbun có đoạn trích lời Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe: “Lê Công Vinh hiện đang thi đấu khá hay cho CLB Consadole Sapporo và điều này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật ngày càng thêm bền chặt”.
Đó là một phần trong cuộc trao đổi giữa Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013 diễn ra tại Bali, Indonesia hồi tháng 10.2013. Điều này cho thấy sự xuất hiện của Lê Công Vinh tại Consadole Sapporo đã vượt qua khuôn khổ bóng đá.
“Biểu tượng Việt Nam” trên đất Nhật
Một cảnh tượng khó tin trên khán đài sân Sapporo Dome trong trận đấu giữa Consadole Sapporo và JEF United Chiba thuộc vòng 39 J-League 2: Cả rừng cờ đỏ sao vàng chào đón Lê Công Vinh trở lại thi đấu sau chấn thương.
Ở trận đấu ấy Vinh chỉ được tung vào sân ở phút thứ 84, không có được những pha bóng nổi bật và không đóng góp nhiều vào thành tích ấn tượng của đội bóng. Thế nhưng cái cách mà khán giả Nhật chào đón Lê Công Vinh gây cảm giác như họ đang chào đón một người hùng.
Công Vinh rất được chào đón ở Nhật Bản
Tại sao Consadole Sapporo cần Lê Công Vinh? Câu hỏi này cần lời giải đáp một sự thật. Consadole Sapporo là một đội hạng 2 có tham vọng thăng hạng. Tuy nhiên, nếu nói CLB này chọn Công Vinh như một giải pháp để tìm kiếm chiến thắng thì không phải.
Vinh chưa đủ đẳng cấp để một CLB của Nhật Bản đặt tham vọng của mình vào đó, nhất là khi nhìn vào mức lương khiêm tốn mà Consadole Sapporo trả cho Lê Công Vinh: Chỉ 7.000 USD/tháng, tương đương lương một kỹ sư khá ở Nhật và tất nhiên là thua xa một ngôi sao bóng đá.
Lê Công Vinh sang Nhật để bán... bia? Một sự nhầm lẫn thú vị khi CLB Consadole Sapporo chẳng hề liên quan gì đến thương hiệu bia Sapporo khá nổi tiếng ở Nhật và đang tìm đường chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Và cuối cùng, điều gì khiến người Nhật tỏ ra yêu quý Công Vinh một cách khủng khiếp đến như thế? Từ chuyện những tấm băng-rôn ghi bằng tiếng Việt chào mừng Công Vinh ở sân bay, chào mừng Công Vinh trong lễ ra mắt cho tới bức thư viết sai ngữ pháp chi chít của một khán giả Nhật.
Bức thư ấy viết : “Bạn là một người anh hùng của Việt Nam và được đánh giá cao khi đến Consadole Sapporo. Bạn sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn tới bóng đá Nhật Bản và tôi thấy đó là động lực cần thiết để thúc đẩy Consadole Sapporo phát triển”.
Cái lý của người Nhật
Anh Nguyễn Công Thành - một doanh nhân Việt Nam đang sinh sống ở Hokkaido lý giải: “Nếu bạn hiểu con người Nhật Bản, hiểu văn hóa Nhật Bản thì câu chuyện Lê Công Vinh không hề gây ngạc nhiên. Người Nhật chọn Lê Công Vinh là chọn biểu tượng Việt Nam tại Hokkaido hay nói xa hơn là trên nước Nhật.
Trong giáo dục là Giáo sư Lê Văn Thọ, trong âm nhạc từng là Đặng Thái Sơn và trong thể thao bây giờ là Lê Công Vinh. Người Nhật luôn tính toán một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng. Họ ít khi sai lầm khi đặt niềm tin vào một nhân vật cụ thể.
Lê Công Vinh là một cầu thủ tài năng và chuyên nghiệp bậc nhất ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Vinh như một VIP tại Consadole Sapporo không nằm ngoài mục đích gắn chặt hơn CLB với cộng đồng. Người Nhật coi việc phát triển bóng đá gắn với khái niệm “đồng sở hữu”.
Có nghĩa, bóng đá phải là của công chúng, của cộng đồng là nơi có những hoạt động chung của những người yêu thích CLB. Người hâm mộ có thể đóng bằng tiền mua vé, mua các sản phẩm liên quan, thậm chí đóng vai trò là một cổ đông nếu CLB tham gia thị trường chứng khoán. Đó mới là đóng góp thực tế của Lê Công Vinh cho Consadole Sapporo chứ không phải những bàn thắng của anh ta”.
Cầu nối Việt Nam - Nhật Bản, CLB - NHM mới là nhiệm vụ thực của Công Vinh khi tới đất nước Mặt trời mọc
Trên thực tế thì sự có mặt của Lê Công Vinh cũng mang lại những giá trị nhất định về mặt thương mại cho Consadole Sapporo. Chẳng hạn, sự có mặt của Lê Công Vinh giúp CLB ký một hợp đồng quảng cáo với đơn vị truyền thông của Tập đoàn Sumitomo - một tập đoàn kinh doanh tổng hợp hàng đầu ở Nhật Bản. Sumitomo hiện đang có dự án phát triển ở khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Phía Sumitomo tin tưởng rằng, bản hợp đồng này sẽ tạo điều kiện để các công ty Việt Nam có cơ hội quảng bá hình ảnh trên sân nhà CLB Sapporo - CLB đầu tiên ký hợp đồng với một ngôi sao Việt Nam. Sau khi ký hợp đồng thông qua với Sumitomo Việt Nam, Công ty Thép Miền Nam (SSC) sẽ là công ty đầu tiên của Việt Nam đặt quảng cáo trên sân nhà CLB Sapporo.
Trước đó, Công Vinh đã tạo ra cơn sốt về mặt hình ảnh khi các gian hàng bán đồ lưu niệm (cờ, áo, móc chìa khóa) có in tên Công Vinh cùng số áo 19 tại Consadole Sapporo được CLB này mở trước cửa sân Sapporo Dome (sân nhà của CLB) cũng như shop online và ở trong tình trạng hết hàng...
Phía Consadole Sapporo cho hay, những chiếc áo số 19- số áo của Vinh được mua với số lượng khá dù giá của nó không hề mềm. Mỗi chiếc áo in ảnh Công Vinh có giá 19.950 Yên Nhật (tương đương 4,3 triệu đồng), còn một chiếc khăn choàng cổ có in tên Công Vinh sẽ có giá 1.575 Yên Nhật (tương đương 340.000 đồng)...
Quảng bá hình ảnh Nhật Bản tại Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không hề ngoại giao khi nói: “Lê Công Vinh góp phần giúp thúc đẩy hơn mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật”.
Những hình ảnh Lê Công Vinh thi đấu tại Nhật Bản, hình ảnh hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng trên sân Sapporo Dome đã khiến hình ảnh con người Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản gần gũi và thân thiện với Việt Nam hơn bao giờ hết.
Dường như là ngẫu nhiên khi SLNA đang cần Công Vinh và cầu thủ này đang hướng tới ngôi vua phá lưới cùng kỷ lục là cầu thủ đầu tiên ghi 100 bàn ở V.League thì ban lãnh đạo Consadole Sapporo đã tới thẳng Nghệ An và tìm mọi cách chiêu mộ Lê Công Vinh trong tháng 8.2013.
Chỉ sau đó ít lâu, khoảng tháng 9.2013 là hàng loạt các sự kiện kỷ niệm chào mừng 40 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật. Lê Công Vinh là nhân tố tích cực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ấy.
Người Nhật không chọn sai người, Công Vinh cùng với vợ anh - ca sĩ Thủy Tiên là những người có những ảnh hưởng nhất định tới giới trẻ thông qua hoạt động thể thao - văn hóa.
Vì thế câu chuyện Lê Công Vinh sang Nhật không đơn giản là câu chuyện đá bóng kiếm tiền. Vinh có sứ mệnh riêng của mình.
Sứ mệnh của một đại sứ hay nói đúng hơn là một nhịp cầu trong sự hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản.
Và Công Vinh đã làm quá tốt vai trò này.