Bầu Đức và câu chuyện "dream team"

U19 HAGL Arsenal JMG (nòng cốt của U19 Việt Nam) có thể coi là sản phẩm tuyệt hảo của bầu Đức sau bao năm dày công nuôi dưỡng và chăm sóc.

 

Giành quyền vào thẳng vòng chung kết giải U19 châu Á sau 3 trận toàn thắng tại vòng bảng trước Đài Loan, Hồng Kông và Australia, các cầu thủ trẻ U19 Việt Nam (nòng cốt là cầu thủ của Học viện HAGL – Arsenal JMG) đã gây bất ngờ cho cả châu lục khi đứng đầu bảng với 9 điểm tuyệt đối. Trước đó, đội cũng đã xuất sắc đoạt ngôi Á quân Đông Nam Á, chỉ chịu thua trên chấm phạt đền đầy may rủi trước lối đá thô bạo của đội chủ nhà Indonesia. Có thể nói, năm 2013 với bóng đá trẻ Việt Nam nói chung và đội tuyển U19 nói riêng như một giấc mơ. Hãy cùng nhìn lại những điểm nhấn của lứa U19 Việt Nam hiện nay và tương lai của bóng đá nước nhà trong thời gian tới.

TỪ CẬU BÉ NHỎ THÓ THÀNH NGƯỜI HÙNG CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM

Trong đội hình tuyển U19 Việt Nam có rất nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng nổi bật hơn cả và có tầm ảnh hưởng đến toàn đội nhất chính là tiền đạo Nguyễn Công Phượng - tác giả 7 bàn thắng vào lưới của Đài Loan, Hồng Kông và Australia tại vòng loại giải U19 châu Á 2014. Ít ai biết rằng Công Phượng từng bị chính đội bóng quê hương Sông Lam Nghệ An loại trong đợt tuyển chọn cầu thủ trẻ vì thể hình quá nhỏ bé so với các bạn cùng lứa.

Ksor Úc giúp Xuân Trường cột dây giày

Sau rất nhiều nỗ lực tập luyện nghiêm túc, cùng với sự đào tạo có bài bản của Học viện HAGL – Arsenal JMG, Công Phượng đã từng bước phát triển và trở thành nhân tố không thể thiếu trong màu áo đội tuyển U19 Việt Nam hiện nay. Tại giải vô địch U19 Đông Nam Á 2013, số 10 của đội Việt Nam làm cả làng bóng khu vực phải ngỡ ngàng vì kỹ thuật điêu luyện và khả năng ghi bàn mang dáng dấp của một ngôi sao lớn. Có người còn so sánh tiền đạo sinh năm 1995 này với tiền vệ tài hoa Mesut Oezil của bóng đá Đức hiện nay. Cả hai có nhiều điểm chung: kỹ thuật, thông minh và đặc biệt là khả năng tạo cơ hội cho đồng đội và trực tiếp ghi bàn.

Văn Toàn (9) trình diễn kỹ thuật khéo léo

Chắc chắn với tuổi đời còn rất trẻ, đó chưa phải là tất cả những gì mà Công Phượng và đồng đội đã cống hiến hết khả năng cho bóng đá nước nhà. Người hâm mộ Việt Nam đang rất kỳ vọng với lứa cầu thủ này, bóng đá Việt Nam sẽ có được những thành tích ấn tượng hơn nữa ở đấu trường khu vực và thế giới.

HLV GUILLAUME GRAECHEN - KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG TÀI BA

Trong thành công của đội tuyển U19 Việt Nam vừa qua không thể không nhắc tới vai trò của HLV người Pháp - Guillaume Graechen. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng để có những “sản phẩm” như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Sơn…, “Giôm” (tên thân mật của HLV Guillaume Graechen ở học viện) đã phải bỏ biết bao công sức, thời gian và cả sự kiên trì. Thậm chí, các cầu thủ U19 Việt Nam còn gọi HLV Graechen là "bố Giôm", bởi ông không chỉ dạy bóng đá mà còn chăm lo cho các học trò từng miếng ăn, giấc ngủ.

Nhưng có một nghịch lý là Guillaume Graechen lại không được thành công trong sự nghiệp cầu thủ của mình. Trong suốt 14 năm thi đấu (1993-2007), ông chỉ khoác áo những đội bóng hạng 2 của Pháp, gần như không để lại ấn tượng gì đậm nét. Năm 30 tuổi, Graechen treo giày và trở thành một chuyên gia săn lùng tài năng trẻ của cựu tuyển thủ Pháp Jean-Marc Guillou. Sự nghiệp của Guillaume Graechen phất lên như diều gặp gió kể từ khi hợp tác với ông trùm cầu thủ này. Cuối năm 2007, HLV Arsene Wenger (cũng là bạn thân của Jean-Marc Guillou) đã giới thiệu Guillaume Graechen cho bầu Đức. Có một điều rất thú vị là trong thời gian 6 năm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, chuyên gia người Pháp này đã lập gia đình và có hai đứa con với một nhân viên của Học viện HAGL – Arsenal JMG.

Theo quy trình đào tạo của Học viện bóng đá toàn cầu JMG, cứ kết thúc một khóa đào tạo 7 năm, HLV phụ trách học viện sẽ được thuyên chuyển sang những quốc gia khác có đặt trung tâm huấn luyện. Điều đó có nghĩa hợp đồng của HLV Guillaume Graechen với Học viện HAGL – Arsenal JMG sẽ kết thúc vào năm 2014. Tuy nhiên bầu Đức đã đàm phán với CLB Arsenal bên Anh để HLV Graechen tiếp tục công tác tại Việt Nam đến tháng 4-2021.

ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC - NGƯỜI CHA GƯƠNG MẪU TRONG GIA ĐÌNH U19

Trước đây, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến sự xuất hiện của không ít lứa cầu thủ tài năng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ đã không thể duy trì sự thăng tiến nghề nghiệp của mình tới mức độ cao nhất. Vì thế, để phát hiện và đào tạo ra một tài năng trẻ đã khó, nhưng chăm sóc và vun đắp làm sao để tài năng ấy trở thành ngôi sao sáng hội đủ cả đức lẫn tài thật sự là thử thách gian nan hơn thế rất nhiều lần.

Đây cũng là điều mà bầu Đức luôn quan tâm và lo lắng nhất khi được hỏi về tương lai những "đứa con tinh thần" mà ông không tiếc tiền bạc, thời gian, công sức tạo nên chúng. Trong thời gian thi đấu tại Giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á, HLV Guillaume đã thực hiện nghiêm chỉ thị của bầu Đức là không để các cầu thủ của U19 Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với báo chí và làm gì đều phải thông qua ban huấn luyện. Đồng thời, ông cũng cấm các cầu thủ không được nhận bất cứ tiền thưởng nào của VFF và người hâm mộ. "Các cầu thủ còn rất non trẻ, việc tiếp xúc với đồng tiền quá sớm sẽ làm hại tới các em. Những tài năng của bóng đá Việt Nam trước đây như Văn Quyến, Quốc Vượng... sớm đánh mất tất cả cũng vì điều này", ông Đức nhận xét.

Không những chăm lo về tư cách, đạo đức cho các cầu thủ của mình, bầu Đức còn đích thân vạch ra những kế hoạch tập luyện, thi đấu, các chuyến tập huấn nước ngoài để các em có được sự phát triển toàn diện nhất có thể.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại