Trong ngày khánh thành Học viện bóng đá PVF ở Hưng Yên, 2 cựu huyền thoại Man Utd được PVF mời sang làm việc là Ryan Giggs và Paul Scholes đều nói rất nhiều về mục tiêu giành vé tham dự World Cup 2030 của bóng đá Việt Nam, mà Học viện PVF được kỳ vọng sẽ là một trong những nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng để ĐTQG thực hiện ước mơ này.
Hồi tháng 1 năm nay, FIFA đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng số lượng đội bóng tham dự World Cup, từ 32 đội như hiện tại lên thành 48 đội, và sự thay đổi này bắt đầu được áp dụng từ World Cup 2026.
Theo kế hoạch được thông qua, 48 đội lọt vào World Cup được chia thành 16 bảng đấu 3 đội, chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng đi tiếp vào các vòng đấu loại trực tiếp. Phiên bản World Cup này sẽ có tất cả 80 trận, nhưng một ĐTQG sẽ không chơi nhiều hơn 7 trận cho tới khi kết thúc giải (giống như thể thức hiện tại).
World Cup 2026 sẽ là lần đầu tiên giải vô địch bóng đá thế giới được mở rộng kể từ năm 1998. Sự thay đổi này có nghĩa là cơ hội tham dự World Cup sẽ mở rộng hơn rất nhiều cho các nền bóng đá chưa phải thuộc nhóm hàng đầu châu lục như Việt Nam.
Cách đây 4 năm, khi lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... xuất xưởng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ nhờ lối chơi đẹp mắt, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng bày tỏ ước mơ bóng đá Việt Nam có cơ hội được tham dự World Cup 2018 với những cầu thủ này.
Giấc mơ của ông Dũng sau đó đã không thành, khi ĐT Việt Nam phải dừng bước ở vòng loại thứ 2 khu vực châu Á của World Cup 2018, nhưng bây giờ, khi mà FIFA đã chính thức thông qua việc mở rộng số lượng đội bóng tham dự World Cup thì hy vọng xuất hiện ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới của bóng đá Việt Nam lại trỗi dậy.
Theo tính toán của một lãnh đạo VFF thì để có thể tham dự World Cup 2026 hoặc 2030, bóng đá Việt Nam cần phải hành động cho lộ trình kéo dài khoảng 10-12 năm, và sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ bằng lứa cầu thủ U13 hoặc U15, những cầu thủ sẽ đạt tới độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp là 25 tuổi hoặc 27 tuổi sau đây chừng trên dưới 10 năm nữa.
Trong giấc mơ đó, sự xuất hiện của những lò đào tạo như PVF đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi thực tế từ lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG đã cho thấy toàn bộ cả ưu điểm cũng như nhược điểm của mô hình đào tạo cầu thủ theo kiểu liên kết với nước ngoài, khi các cầu thủ ở Học viện HAGL Arsenal JMG tuy sở hữu trình độ kỹ thuật và tư duy chiến thuật ở mức vượt trội so với mặt bằng đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, nhưng họ lại chưa được trang bị những hành trang cần thiết để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ.
Bên cạnh đó, sức mạnh của một nền bóng đá không thể chỉ trông chờ vào lứa cầu thủ của một học viện duy nhất, và ngoài PVF, ngoài Học viện HAGL Arsenal JMG, người ta còn phải cần thêm nguồn cung cấp từ các lò đào tạo cầu thủ khác như Viettel, CLB Hà Nội, CLB SLNA...
Và trên tất cả, điều quan trọng nhất với các cầu thủ trẻ không phải là họ được học với ai, hay theo giáo trình nào, mà vấn đề cốt yếu là họ được thi đấu trong môi trường như thế nào, có bao nhiêu trận đấu mỗi năm.
Phải đặt ra câu hỏi như vậy vì với các cầu thủ đang ở độ tuổi U, trung bình mỗi năm họ chỉ được thi đấu khoảng trên dưới 10 trận chính thức, nếu như đội bóng chủ quản của họ tham dự hệ thống giải trẻ quốc gia, và rõ ràng con số như vậy là quá thấp, bởi người ta tính toán rằng để một cầu thủ trẻ có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình thì cần phải tham dự khoảng 30 trận đấu mỗi năm, với cả các đối thủ trong nước cũng như nước ngoài.
Đây có thể là bài toán khó giải với những lò đào tạo truyền thống như SLNA, Nam Định hay Đồng Tháp, nhưng với những học viện có sự liên kết với nước ngoài và được sở hữu ngân sách lớn như PVF, HAGL hay Viettel, hoặc thậm chí là B.Bình Dương thì đây không phải là trở ngại quá lớn, bởi trước đây PVF, HAGL hay Viettel đã nhiều lần cho cầu thủ của mình đi tập huấn dài hạn ở châu Âu.
Và khi mà bóng đá Việt Nam có khoảng 4-5 lò đào tạo thường xuyên cho cầu thủ trẻ du đấu trong nước cũng như nước ngoài thì chúng ta hoàn toàn có thể nuôi hy vọng được đi World Cup một cách nghiêm chỉnh và đường hoàng.