Bóng đá Việt Nam và 'mùi World Cup'

Tùy Phong |

Từ Cheonan đến Jeonju, cùng với ĐT U20 Việt Nam, hàng vạn CĐV Việt Nam thực sự đã biến các sân bóng xứ kim chi thành chảo lửa Mỹ Đình.

Bầu không khí World Cup có thể nói là tuyệt vời, nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang, vấn đề đọng lại là bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung học được những gì?

1. 15 năm VCK World Cup 2002, với Nhật Bản và Hàn Quốc là những người đồng chủ nhà, Nam Hàn (một trong 4 "con rồng châu Á" trong quá khứ, với dân số hơn 76 triệu người) đã và đang tổ chức thành công một giải bóng đá thế giới nữa. 

3 năm tới, Nhật Bản cũng sẽ là nước chủ nhà Thế vận hội mùa Hè 2020. Chưa kể các kỳ Đại hội Thể thao châu lục (ASIAD), Olympic mùa Hè đến mùa Đông, các giải bóng đá châu Á…, cùng với Trung Quốc, Nhận Bản và Hàn Quốc cho họ là những nền thể thao hàng đầu, với năng lực tổ chức ở tầm cao…

Nhiều năm qua, chúng ta, những nhà lãnh đạo nền thể thao đã đi rất nhiều nơi, hoặc cùng các đội tuyển thể thao thi đấu, hoặc đi du học, với gần nhất là song hành với ĐT U20 Việt Nam dự FIFA U20 World Cup 2017…, song không hiểu đã có ai dám nghĩ, một ngày không xa Việt Nam có thể là nước chủ nhà của các giải đấu lớn tầm cỡ thể giới chưa?! 

Năm 2007, lần đầu tiên chúng ta là đồng chủ nhà VCK Asian Cup (cùng 3 quốc gia Đông Nam Á láng giềng khác) và ĐT Việt Nam (được miễn thi đấu vòng loại) đã gây tiếng vang, vào tứ kết.

2. Với bóng đá, từ SEA Games 22 (năm 2003) đến Asian Cup 2007, tức là chỉ trong vòng 4 năm và có thể nói là vẫn với thế hệ cầu thủ ấy, chúng ta đã kịp nâng cấp tham vọng, trước khi soán ngôi vương Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử (AFF Suzuki Cup 2008). 

Đấy mới chỉ là các giải đấu cấp khu vực và châu lục. Sự thật là, việc được trao quyền đăng cai các giải đấu lớn thực sự rất có lợi, là gói kích cầu hoàn hảo để phát triển thể thao, từ cơ sở hạ tầng đến việc nâng cấp năng lực chinh phục. Cơ sở hạ tầng là yếu tố tiên quyết, bên cạnh tài phán.

Trở lại với ĐT U20 Việt Nam và bầu không khí lễ hội mà các CĐV tạo ra những ngày qua, từ hậu phương đến tiền tuyến, đây có thể là lần đầu tiên và cuối cùng trong đời, họ được tận hưởng mùi World Cup. 

Không ai đánh thuế giấc mơ cả, song vấn đề là, những nhà lãnh đạo địa hạt thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có từng mơ và bắt tay vào hiện thực hoá giấc mơ ngay từ lúc này?! Tham vọng của thể thao Việt Nam và đương nhiên cả bóng đá Việt Nam lớn đến đâu, phụ thuộc vào chính những nhà hoạch định ra nó, cũng như cấp cao hơn là Chính phủ.

Bóng đá Việt Nam đã thu về những bài học tuyệt vời và xin nói luôn, nó hoàn toàn có lợi. Nhưng không lẽ, chỉ học thôi rồi để đó?! Chúng ta đã trải qua nhiều thế hệ đời người để học hỏi, học nữa, học mãi, song đến một lúc nào đó phải có thế hệ hiện thực hoá giấc mơ.

Nhắc mới nhớ, chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 không biết đến nay đã tới công đoạn nào rồi?!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại