Bóng đá Việt Nam qua lăng kính bầu Đức: Thà đau dữ dội một lần để ngày mai sẽ khác

Văn Nhân |

Thà một lần đau, một lần cải tổ triệt để, xóa đi những bất cập để ngày mai tươi sáng, đó có lẽ là mong ước của hàng triệu người hâm mộ về bóng đá Việt Nam ở thực tại.

Từ lăng kính của bầu Đức

Gần 20 năm gắn bó với bóng đá, bầu Đức là một tấm gương điển hình cho việc bỏ chuyện làm bóng đá từ ngọn, bỏ cách làm "đốt tiền" theo từng mùa để theo đuổi cách làm bóng đá chuyên nghiệp thực sự.

HAGL từ lúc bắt đầu lên chuyên nghiệp được bầu Đức bỏ tiền mua về những ngôi sao lớn có thể gọi là "Dream Team" ở V.League. Điều ấy mang lại cho bầu Đức hai chức vô địch V.League và sự thành công chóng vánh mà bất kỳ ông bầu nào cũng mơ ước.

Thế nhưng, bầu Đức càng làm bóng đá thì càng hiểu ra được chuyện bỏ tiền mua sắm ngôi sao theo từng mùa là cách làm không thể tồn tại lâu dài. Bóng đá chuyên nghiệp thực sự cần làm từ gốc rễ với việc đào tạo trẻ để phát triển bền vững và lâu dài.

Bóng đá Việt Nam qua lăng kính bầu Đức: Thà đau dữ dội một lần để ngày mai sẽ khác - Ảnh 1.

Bầu Đức có phần tự hào về sự phát triển của lứa Công Phượng, Xuân Trường…. Ảnh: Bongda

Người khai sáng cho bầu Đức là HLV Wenger của Arsenal với lời khuyên về cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Bầu Đức nói không có ông Wenger không thể có học viện bóng HAGL. Thế nên, học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam ra đời là một điểm sáng lớn trong gần 20 năm ra đời giải đấu chuyên nghiệp.

Từ bỏ một cách làm cũ mang lại thành công, tức bầu Đức cũng thà chấp nhận HAGL thi đấu trong nhiều năm liền trắng tay, đá chật vật ở V.League. Điển hình là năm 2015, ông Đức nhấc của lứa Công Phượng lên chơi chuyên nghiệp, một cú hích lớn để tạo ra một hiệu ứng mới ở V.League.

HAGL của bầu Đức đập đi làm lại từ đầu hoàn toàn nên bây giờ phải chờ đợi lứa Công Phượng trưởng thành để mơ về thành công. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam rõ ràng hưởng lợi lớn từ một cách đi đúng đắn với minh chứng là U23 Việt Nam tạo nên cơn địa chấn ở U23 châu Á 2018.

Bóng đá Việt Nam qua lăng kính bầu Đức: Thà đau dữ dội một lần để ngày mai sẽ khác - Ảnh 2.

CLB HAGL có nhiều tuyển thủ đóng góp vào chiến tích của U23 Việt Nam vừa qua.

Song song, HAGL của bầu Đức đang là một thương hiệu ở sân chơi V.League. Họ chưa có được thành tích như chờ đợi nhưng hàng triệu khán giả yêu mến. Một thành công không chỉ đơn giản bỏ tiền tậu sao là có được, quả ngọt này phải vun đắp, dày công chăm sóc từ việc dạy cầu thủ về đạo đức, văn hóa trước khi nghĩ đến chuyện đá bóng giỏi.

Thà một lần đau để ngày mai sẽ khác, bầu Đức chính là tấm gương tiêu biểu của bóng đá Việt Nam. Và bầu Đức có quyền xoa tay mãn nguyện khi U23 Việt Nam lập nên kỳ tích châu Á - một đóng góp lớn lao của ông bầu phố Núi.

Đến thực trạng bóng đá Việt Nam

Sau gần 20 năm đi theo mô hình chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam bây giờ thực sự vẫn chuyên nghiệp nửa vời. Nói trắng ra, mô hình hiện tại là xây nhà từ nóc với đỉnh V.League có 14 đội nhưng giải hạng Nhất có 8 đội. Đó là mô hình tháp ngược đi ngược xu hướng bóng đá thế giới.

Cái sai của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua là sợ sân chơi V.League thiếu đội chơi, nên có những thời điểm bi hài là chỉ 1 đội xuống hạng. Dù V.League cần phải có số đội ít hơn so với hạng Nhất mới là mô hình đúng.

Ví dụ giải đấu cao nhất của Hàn Quốc từng chấp nhận chỉ có 8 đội thi đấu. Tuy nhiên, 8 đội không đồng nghĩa số trận ít đi khi hai đội đá với nhau đến 3 trận… Tức số trận không hề ít đi, vấn đề là cách làm cho đúng thực trạng chung của nền bóng đá nước đó.

Bóng đá Việt Nam qua lăng kính bầu Đức: Thà đau dữ dội một lần để ngày mai sẽ khác - Ảnh 3.

Bầu Tú từng bị Chủ tịch CLB HAGL "chỉ trích" vì ôm đồm quá nhiều chức vụ trong bộ máy quan chức thể thao.

Tuy nhiên, chuyện giải V.League có số đội nhiều hơn hạng Nhất chỉ một vấn đề của bóng đá Việt Nam. Một vấn đề khác ở hiện tại là thượng tầng VFF và VPF. Ở đó, chuyện "vừa đá bóng, vừa thổi còi" và từ trước đến nay vẫn không được nhìn nhận một cách nghiêm túc nhất.

Chuyện quan chức bóng đá Việt Nam ngồi theo kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi" sẽ được Saostar phân tích cụ thể hơn trong bài tiếp về bóng đá Việt Nam. Có thể điểm sơ qua như bầu Tú đang ngồi 3 ghế ở VPF và từng muốn ngồi ghế phó chủ tịch tài chính VFF, hay ông Mùi từng làm phó Ban tổ chức giải kiêm Trưởng ban trọng tài VFF…

Một nền bóng đá muốn phát triển phải cần có những người lãnh đạo có tầm nhìn, có chiến lược cụ thể, ngồi đúng vị trí để làm tốt trách nhiệm. Ngược lại, bóng đá Việt Nam trong hơn 1 tháng qua có quá nhiều câu chuyện xảy ra về tranh cãi giữa những người có chức sắc.

Phải chăng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần có một sự thay đổi lớn theo kiểu thà một lần đau để ngày mai sẽ khác? Vì không thay đổi thì người hâm mộ sẽ phải tiếp tục chứng kiến những cuộc cãi vã, những bất cập từ sân chơi V.League đến thượng tầng VPF, VFF.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại