1. Hơn một năm trước, câu chuyện Quế Ngọc Hải đá gãy chân Anh Khoa, phải bồi thường hơn 800 triệu đồng chi phí chữa trị là câu chuyện buồn của bóng đá Việt Nam năm 2015. Tuy nhiên, chi tiết buồn nhất trong câu chuyện này không đến từ việc Anh Khoa gãy chân hay Quế Ngọc Hải phải đền tiền...
Chi tiết buồn nhất trong câu chuyện này đến từ việc Ngọc Hải cùng đại diện CLB Sông Lam Nghệ An vác hàng bao tiền đến tận nhà nạn nhân, bắt gia đình phải đếm, trong khi có thể ra ngân hàng chuyển khoản. Để rồi, những bức ảnh người thân Anh Khoa đếm tiền được hậu vệ xứ Nghệ tung lên với lời tố gia đình nạn nhân bắt phải đếm tiền "như hàng tôm, hàng cá".
Dĩ nhiên, trò hề này nhanh chóng bị lật tẩy. Mọi chuyện rồi cũng đi qua, nhưng nỗi đau của những người trong cuộc khi cái tình người chẳng còn, cái cách mà Quế Ngọc Hải - một cầu thủ còn khá trẻ hành xử khiến những người biết chuyện chẳng khỏi lắc đầu ngán ngẩm trước nhân cách của cầu thủ này.
Quế Ngọc Hải và đại diện CLB SLNA ép gia đình Anh Khoa đếm tiền mặt ngay tại nhà.
Thực ra, câu chuyện đáng lý sẽ không dính phải cái kết đau lòng đến thế, nếu như ngay sau án phạt được tuyên với Quế Ngọc Hải, dư luận không lập tức ồn ào, cổ động viên SLNA lên án VFF, kêu gọi nhau quyên góp tiền cho Hải đền bù, bầu Đức giúi vào tay cầu thủ này 400 triệu giúp cậu thanh toán án phạt.
Thậm chí, không lâu sau đó, HLV trưởng ĐTQG ra mặt xin cho trung vệ này được giảm án, với lý do "làm nhiệm vụ quốc gia", và lại một lần nữa, trong trận giao hữu với đội bóng Nhật Bản, Quế Ngọc Hải lại có một pha triệt hạ khiến cầu thủ đối phương lập tức được đưa lên xe cấp cứu, trực chỉ bệnh viện.
Sự ủng hộ của cổ động viên, từ bầu Đức, sự chống lưng của Hữu Thắng đã vô tình biến sự sợ hãi của "thủ phạm" sau khi phạm lỗi thành sự cay cú với chính "nạn nhân" của mình. Cú "cào mặt ăn vạ" ấy tuy bất thành, nhưng cũng đủ biến Ngọc Hải thành một Chí Phèo trong mắt những người hiểu chuyện.
2. Chiều qua, trên sân Thống Nhất, Long An làm cái điều mà bất cứ ai có hiểu biết đều thấy rằng cực kỳ lố bịch. Tuy nhiên, chi tiết lố bịch nhất lại chẳng nằm ở trên sân.
Hôm nay, khi báo chí nước ngoài đồng loạt đem vết nhơ xấu xí nhất của bóng đá Việt Nam ra châm biếm, người ta mới giật mình rằng thì ra trọng tài Nguyễn Trọng Thư đã đúng trong tình huống bắt penalty, tình huống mà chủ tịch Võ Thành Nhiệm của CLB Long An đòi "đề nghị C45 vào cuộc".
Đến chủ tịch CLB mà còn phản ứng theo kiểu chẳng cần biết đúng sai, chẳng trách các cầu thủ Long An có thể tạo nên được một vết nhơ siêu phẩm đến như thế cho bóng đá Việt Nam.
Ngay đến như một chuyên gia bóng đá kỳ cựu như BLV Quang Huy còn phát biểu: "Một đội bóng hiền như Long An mà phản ứng vậy ngay trước mặt bầu Thắng chắc phải có điều gì đó ngang ngược lắm". Ngạc nhiên chưa, chỉ đến khi báo chí nước ngoài lên tiếng rằng thực ra chẳng có gì "ngang ngược" cả, thì người ta mới bỏ được cái suy nghĩ là trọng tài kiểu gì cũng sai.
Tình huống quay lưng khi sút phạt đền của thủ môn Long An
Long An chắc chắn phải lĩnh án phạt rất nặng, và những người đau xót nhất, hẳn như là chính bản thân các cầu thủ. Họ sẽ thiệt thòi rất nhiều, sau hành động xấu xí, mà hẳn nhiên sẽ chẳng xảy ra nếu lãnh đạo, HLV của đội không châm lửa trực tiếp, để đốt đi một trận đấu đẹp, thay vào đó bằng một vết nhơ chẳng thể xóa nổi.
Nhưng dù sao, cũng rất may mắn cho bóng đá Việt Nam khi với phản ứng quá khích của Long An làm hé ra một thực trạng đáng buồn của bóng đá nước nhà: rạch mặt ăn vạ.
Khi tỷ số về lại với kết quả hòa, trọng tài bắt buộc phải cho đội thành phố thắng. Tôi chẳng thể hiểu nổi trận đấu này. Tôi nghĩ không phải trọng tài có chuyên môn kém, mà là có vấn đề.
Tôi cũng đề nghị C45 vào cuộc. Bóng đá Việt Nam mà tiếp tục để những vấn đề này tồn tại sẽ không bao giờ phát triển. Khán giả sẽ quay lưng và chẳng có ai xem nữa. Cá nhân tôi cũng không làm bóng đá nữa.
Chúng tôi đá sân nhà bị ép, sân khách bị ép trắng trợn hơn. Thật không thể tưởng tượng được. Hôm nay, có trưởng ban tổ chức giải, giám sát, tôi quá thất vọng về trọng tài.
Chủ tịch CLB Long An - Võ Thành Nhiệm phát biểu ngay sau trận đấu
Một ông Phó chủ tịch lên tiếng đòi cách chức trưởng ban trọng tài, tố cáo bè phái làm mưa làm gió Liên đoàn bóng đá, mà quên mất rằng chính mình là người vừa giật dây, vừa trực tiếp làm mọi cách đòi đuổi cổ HLV ngoại, bởi cái tội "không dùng quân của mình".
Cũng ông Phó chủ tịch ấy đòi "đập đi xây lại" như đúng rồi, bất chấp rằng mình chẳng đóng góp gì về mặt tài chính cho Liên đoàn, mặc dù đường đường là Phó chủ tịch phụ trách tài chính, ngoài việc hứa hẹn: "Sa thải HLV ngoại đi, tôi sẽ bỏ tiền ra thuê HLV giỏi, sẽ trả tiền đưa đội tuyển đi tập huấn nước ngoài". Tiền chẳng thấy đâu, chỉ thấy CLB của ông phải nợ lương cầu thủ, nhân viên...
Cũng ông bầu ấy tố các đội có "nhóm lợi ích", dù rằng vài năm trước, nếu không có sự "giúp sức" của đội bóng chính ông mạnh miệng tố cáo, bằng trận cầu cực kỳ hài hước, thì cửa xuống hạng đã mở ra rộng ngoác với đội bóng của chính ông.
Các ông bầu, các chủ tịch thi nhau lên án VPF, VFF là "thiếu chuyên nghiệp", nhưng đến khi gặp chuyện, lại chính là những người thiếu chuyên nghiệp nhất. Một chủ tịch CLB vừa treo giày trong "chưa đầy một nốt nhạc" chuyên nghiệp đến mức phi xuống sân đòi nói chuyện với trọng tài, rồi đòi dùng "dư luận" để ăn thua đủ với Ban tổ chức.
3. Hai mươi năm trước, Liverpool làm khách trên sân của Arsenal. Robbie Fowler lao vào vòng cấm và ngã lăn ra. Trọng tài thổi phạt đền, Fowler phân trần: "Em nhảy lên để đỡ chấn thương thôi, chứ anh Seaman không phạm lỗi". Trọng tài không quan tâm. Liverpool vẫn được hưởng 11m.
Fowler sút bóng, Seaman đỡ được, cầu thủ Liverpool lao vào đá bồi ghi bàn. Thế giới ca ngợi Fowler lên mây vì sự mã thượng. Cuối mùa bóng đấy, UEFA trao cho Fowler giải Fair Play.
Rất nhiều năm sau pha bóng ấy, Fowler nói lại: "Tôi không cố ý đá nhẹ để Seaman bắt được. Là bạn của Seaman, tôi đã phân trần với trọng tài rồi. Nhưng khi đá phạt đền thì tôi là cầu thủ Liverpool, tôi phải cố gắng sút thành công. Sút không vào là do tôi đã dở, chứ không phải cố tình đá hỏng".
Pha sút phạt đền không thành công của Robbie Fowler
Fowler nổi tiếng hư hỏng, cũng ăn thẻ đỏ trên sân, cũng giơ ngón tay thối, cũng làm động tác hít heroin khi ghi bàn, cũng "chơi" từ rượu đến ma túy, nhưng trong tình huống ấy, tiền đạo người Anh cho thấy tinh thần hiệp sỹ đáng ngưỡng mộ của người Anh. Đấy mới là sự chuyên nghiệp.
VPF hay VFF chẳng phải lúc nào cũng đúng, thậm chí từng sai rất nhiều lần, nhưng lấy cái cớ rằng người không chuyên nghiệp, thì mình cũng chẳng cần phải chuyên nghiệp làm gì cho mệt đã là con dao hai lưỡi, cứa đứt tay Long An khi họ mải mê với trào lưu, mà quên mất rằng cái gì cũng có giới hạn. Bước qua là chết.
Giọt nước này đã làm tràn ly. Và rất nhiều khả năng "cái ly" Long An sẽ vỡ tan tành sau án phạt. Nhưng phải có những cái ly vỡ, để những người đang sống trong bầu không khí V-League biết điểm dừng, đừng quá lạm dụng những trò ăn vạ.
Chính bản thân họ, chứ chẳng VPF hay VFF mới là yếu tố quyết định xem bóng đá Việt Nam có chuyên nghiệp hay không. Đừng tự mình uống thuốc độc, rồi trông chờ người khác chết!