Bóng đá Trung Quốc bạo phát bạo tàn

Đông Linh |

Cựu vô địch AFC Champions League 1990, CLB Liêu Ninh Hongyun vừa tuyên bố giải thể khi thành tích thi đấu sa sút đến cùng cực, đồng thời đối mặt với khó khăn tài chính bủa vây. Không chỉ có CLB Liêu Ninh Hongyun, bóng đá Trung Quốc quả là bạo phát bạo tàn!

Từng là điểm đến hấp dẫn bậc nhất cách đây chỉ 5 năm khi thu hút dàn cầu thủ ngôi sao lẫn các nhà cầm quân tầm cỡ thế giới, bóng đá Trung Quốc vừa buộc phải loại 11 đội bóng khỏi các giải đấu chuyên nghiệp do nợ nần chồng chất, không trả nổi tiền lương cho cầu thủ, dẫn đến việc phải hầu tòa chờ giải quyết. Năm đội trong số này sau đó đã phải tuyên bố giải thể mà trường hợp của Liêu Ninh Hongyun được xem là đáng tiếc nhất.

Không chỉ sở hữu bề dày truyền thống 67 năm, đội bóng TP Thẩm Dương chính là CLB bóng đá Trung Quốc đầu tiên giành chức vô địch Champions League châu Á mùa bóng 1990 sau khi đánh bại đối thủ Nhật Bản Nissan Yokohama với tổng tỉ số 3-2 sau hai lượt đấu chung kết. Liêu Ninh Hongyun cũng được xem là thế lực bóng đá số 1 Trung Quốc một thời với 9 danh hiệu vô địch, trước và sau khi giải bóng đá quốc gia này chuyển sang chế độ nhà nghề, giai đoạn giữa thập niên 80 đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Bóng đá Trung Quốc bạo phát bạo tàn - Ảnh 1.

Cựu vương châu Á Liêu Ninh Hongyun (áo đậm) bị giải thể sau 67 năm. Ảnh: SinaSports

Hồi đầu tháng 5, CLB Thiên Tân Tianhai - được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Fabio Cannavaro và đang góp mặt ở giải đấu cao nhất Chinese Super League (CSL) - đã tuyên bố giải thể cũng vì lý do tài chính. Ông chủ CLB Shu Yuhui bị bắt vì buôn bán phi pháp và đội bóng không có tiền trả lương cho các cầu thủ. Hài hước nhất là chỉ 2 tháng trước đó, Thiên Tân Tianhai còn "vặt" được từ cựu tuyển thủ người Brazil Alexandre Pato số tiền gần 7 triệu USD "chuộc thân" để anh này được phép… ra đi sau khi đã bị nợ lương nhiều tháng, bị đồng đội đánh đập dã man và thậm chí còn bị đẩy xuống tập ở đội hình dự bị.

Sau Thiên Tân Tianhai, Liêu Ninh Hongyun cũng phải tuyên bố giải thể do khó khăn tài chính. Liêu Ninh Hongyun từng được tạp chí Forbes xếp vào tốp 10 đội bóng có giá trị nhất Trung Quốc mùa giải 2015-2016 với 67 triệu USD, dám bỏ ra hơn 12,5 triệu USD để chiêu mộ tiền đạo người Nigeria Anthony Ujah từ Werder Bremen nhưng ngay lập tức rớt hạng China League One vào năm 2017. Mùa giải 2019, Liêu Ninh Hongyun thi đấu tệ hại, chỉ xếp hạng 15/16, không còn đủ tiêu chuẩn tham gia hệ thống giải chuyên nghiệp Trung Quốc.

Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) Chen Xuyuan: "Bóng đá cấp độ CLB ở Trung Quốc khó có thể phát triển bền vững bởi các ông chủ đầu tư rất nhiều nhưng không thu lại được lợi nhuận. CFA khuyến cáo các CLB cần chú ý đến kế hoạch dài hạn và công tác quản lý, nhất là phải bảo vệ lợi ích của cầu thủ, HLV". 

Trong khi đó, trang tiếng Hoa Sina Sports phân tích: Bóng đá Trung Quốc đã nỗ lực thay đổi rất nhiều, đầu tư mạnh tay để cải tổ hệ thống thi đấu và làm mới lực lượng HLV, cầu thủ nhưng đổi lại, kết quả vẫn không ổn định. Bóng đá không phổ biến nhiều ở Trung Quốc, dân số tuy đông với 1,3 tỉ người nhưng chỉ có chưa đầy 10.000 người tham gia vào ngành công nghiệp bóng đá, không thể tạo nên một nền tảng tốt cho bóng đá phát triển. Chính quyền Trung Quốc muốn nước này trở thành một siêu cường bóng đá nhưng đội tuyển của họ hiện xếp thứ 76 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng dưới cả đội bóng của các nước nhỏ và nghèo như El Sanvador, Guinea, Bolivia…

CSL mùa 2020 dự kiến khởi tranh vào cuối tháng 6 nhưng mọi công tác chuẩn bị vẫn còn rối ren. Suất vé của Thiên Tân Tianhai sẽ do đội bóng đã bị rớt hạng Thâm Quyến FC “tiếp quản” để bảo đảm công thức 16 đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại