Bóng đá phong trào “hút khách” hơn bóng đá chuyên nghiệp: Quan trọng là chuyện ý thức

ĐĂNG HUỲNH |

So sánh luôn khập khiễng, nhưng ở một số khía cạnh, trong đó có vấn đề ý thức, đúng là bóng đá chuyên nghiệp hiện nay chưa chắc đã bằng bóng đá phong trào. Những gì diễn ra ở V.League mùa giải này cũng như vài năm gần đây, với những sự cố cùng cách hành xử của những thành viên tham gia cuộc chơi, là ví dụ…

Chuyện từ những khán đài…

Sẽ thật khập khiễng nếu so sánh sức hút khán giả của các giải đấu “phủi” được tổ chức rất nhiều ở Hà Nội với các trận đấu chuyên nghiệp vào mỗi dịp cuối tuần. Thế nhưng có thể nêu ra đây một vài điểm nhấn mà “món ăn mang tên bóng đá” đang được người dân thủ đô thưởng thức theo những cách khác nhau.

Đó là câu chuyện về một cổ động viên đặc biệt mang tên Minh Minh vẫn từ Đồng Nai vượt gần 2.000km ra Hà Nội trong 2 năm, với gần 30 chuyến bay, chỉ để cổ vũ cho đội bóng Thành Đồng và “tận hưởng không khí bóng đá”. 

Theo CĐV nhiệt thành này thì ở bóng đá phong trào, cô tìm được sự gần gũi, đời thường và những gì là đam mê, chân thành nhất, chứ không xa lạ như bóng đá chuyên nghiệp. Đó cũng là một phần lý giải vì sao bóng đá “phủi” hút khách hơn bóng đá chuyên nghiệp.

Ngày khai mạc giải Ngoại hạng “phủi” Hà Nội HPL-S4 trùng với vòng cuối V.League 2016 diễn ra với cuộc đua vô địch giữa Hà Nội T&T, Hải Phòng và SHB Đà Nẵng. Thế nhưng ở sân phong trào, khán giả vẫn đông kín và quá tải, khi khán đài không còn chỗ nên nhiều người phải tràn xuống đường piste, bám quanh sân dõi theo, cổ vũ các trận đấu.

Giải phong trào nhưng khán giả đông, nhiệt thành và tạo ra bầu không khí lễ hội khiến chính những người làm, chơi bóng đá chuyên nghiệp cũng thấy mê mệt, ngưỡng mộ và ước ao. 

Thế nên mới có câu chuyện đặc biệt khi một khán giả do điều kiện công việc cuối tuần hay phải đi xa, biết BTC thiếu kinh phí không thể tường thuật trực tiếp các trận đấu phát trên kênh YouTube đã đứng ra ủng hộ vài trăm triệu, với mong muốn “xem cho sướng và thỏa mãn đam mê”.

Ở Hà Nội 2 tháng qua, cứ chiều chủ nhật thì sân bóng Trường Đại học Thủy lợi đông kín. Chỉ là giải đấu phong trào dành cho các đội bóng doanh nghiệp ở quanh Hà Nội, lại đá từ giữa trưa, nhưng khán giả vẫn rất đông. 

Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, BTC giải quyết định bỏ ra gần 20 triệu đồng để thuê khán đài di động trong vài tiếng buổi chiều phục vụ các “thượng đế”. Ngày bế mạc, thậm chí nhiều khán giả đến sân muộn đã không có chỗ, phải tận dụng mọi khoảng trống quanh sân để theo dõi các trận đấu, kể cả leo lên tầng thượng của nhà bên cạnh.

Bầu không khí đó rất khác so với nhiều trận đấu ở V.League và hạng Nhất vẫn diễn ra tại Hàng Đẫy những ngày cuối tuần. 

Ví dụ, trận đấu giữa Viettel và Nam Định ở vòng 5 giải hạng Nhất quốc gia 2017 trên sân Hàng Đẫy không chỉ tẻ nhạt mà đáng buồn hơn là trận “chung kết” giữa hai ứng viên thăng hạng của giải hạng Nhất rất “ế khách”, khi số lượng nhân viên an ninh, phục vụ và thành viên BTC sân đông hơn khán giả. 

Sau đó 2 tuần, trận đấu giữa CLB Viettel và CLB bóng đá Huế được coi là “chung kết lượt đi” của giải hạng Nhất quốc gia ở vòng 7, không có nổi... 100 khán giả, mặc dù BTC mở cửa tự do.

Vòng 11 V.League, sân Thống Nhất trong trận đấu Sài Gòn tiếp Long An, theo thống kê của BTC thì có 1.000 người. Sân Gò Đậu, Bình Dương gặp TPHCM có 3.000 người, còn sân Hòa Xuân trận SHB Đà Nẵng gặp Sanna Khánh Hòa BVN có 5.000 khán giả. 

Mà đấy chỉ là những con số thống kê “làm tròn và cho đẹp” chứ không phải thực tế, với hình ảnh khán đài trống hoác và lưa thưa khán giả.

“Chơi có ý thức”

Phản ứng, tranh cãi và bới móc, chỉ trích và tố cáo với nghi ngờ tiêu cực, những gì diễn ra sau trận đấu HAGL - Quảng Nam ở vòng 11 V.League với bàn thắng được công nhận dù việt vị rõ ràng mà trọng tài sai rồi sau đó nhận lỗi, nhận án kỷ luật, đó là điều thực sự buồn, đáng trách và đáng xấu hổ với sân chơi bóng đá chuyên nghiệp. 

Nó khiến sự ác cảm gia tăng và hình ảnh bóng đá nội càng xấu hơn, sau rất nhiều sự cố đáng tiếc lẫn đáng trách mà ở V.League mùa này vòng nào cũng xuất hiện những sự vụ ầm ỹ.

Từ chuyện người đứng đầu của FLC Thanh Hóa đăng đàn dọa nếu không giảm án thì bỏ bóng đá, sau án phạt nghiêm khắc cho lỗi bạo lực cùng phản ứng thái quá, hành vi khiếm nhã của tiền đạo Omar với khán giả; Từ vụ đình công với quá nhiều hành vi phản cảm của các thành viên Long An trong trận đấu trên sân Thống Nhất; Từ cách mà SLNA làm ầm ỹ, nghi ngờ tiêu cực rồi gửi văn bản yêu cầu cấm sử dụng trọng tài Trung Kiên B do mắc lỗi trong tình huống Nguyên Mạnh bị phạm lỗi dẫn đến bàn thua trong thất bại trước Quảng Nam đến phản ứng và cách hành xử của những người đứng đầu đội bóng với những phát ngôn gây sốc sau trận HAGL - Quảng Nam mà trọng tài sai khi công nhận một bàn thắng việt vị…, đó rõ ràng là chuyện ý thức của chính những người tham dự cuộc chơi, khi vì quyền lợi lẫn mục đích cá nhân luôn sẵn sàng bất chấp tất cả.

Và nhắc đến ý thức, có lẽ cần phải so sánh, dù khập khiễng và kể cả khiên cưỡng, để thấy sự khác biệt cũng như sự nghịch lý “chuyên nghiệp chưa chắc đã bằng phong trào”.

Ví dụ như giải đấu Fair-play Cup với sự góp mặt của hai đội bóng phía Bắc là Du Lịch (Lào Cai) và Tuấn Sơn (Hà Giang) mà mỗi cuối tuần lại đi vài trăm cây số về thủ đô để chơi bóng, hay sân chơi dành cho các đội doanh nghiệp mang tên Le League vừa kết thúc mà tự các đội gom lại với nhau, bỏ kinh phí để cùng xây dựng sân chơi với những thỏa ước về việc chơi đẹp, chơi bóng lịch sự, văn minh để phục vụ chính mình cũng như khán giả. 

Có cạnh tranh quyết liệt, có va chạm với những vấn đề của bóng đá xuất hiện, thế nhưng cả giải đấu không hề có bất cứ sự cố nào.

Thậm chí, có cầu thủ do nổi nóng với đồng đội to tiếng chửi thề còn bị khán giả phê phán, tự rút kinh nghiệm và có cầu thủ do phạm lỗi vô tình khiến đối thủ rách mắt phải đi viện, dù trọng tài không phạt nhưng sau đó tự tìm đến để xin lỗi. 

Đến tận vòng cuối, cuộc đua vô địch vẫn diễn ra hấp dẫn, kịch tính và các đội không còn mục tiêu thành tích vẫn chơi hết mình vì màu cờ sắc áo, thể hiện sự tôn trọng với đối thủ, với khán giả và sân chơi đang tham dự.

Bởi ý thức và tinh thần chơi để xây dựng, thế nên BTC giải chưa một lần phải làm thông báo nhắc nhở hay ban hành án kỷ luật. Và dù có tranh cãi đúng sai, các cầu thủ, HLV và lãnh đội luôn thể hiện sự tôn trọng với công tác trọng tài chứ tuyệt đối không phản ứng thái quá. 

Thậm chí, các đội bóng còn tự quán triệt về tiêu chí chơi bóng cùng việc tuân thủ nguyên tắc đề ra, nếu vi phạm sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi. Những điều đó, người ta chưa thấy nhiều ở một giải đấu đỉnh cao của Việt Nam và những người làm bóng đá chuyên nghiệp.

Phải thừa nhận rằng, những người làm công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã rất nỗ lực để xây dựng, thay đổi và phát triển. 

Từ VFF đến VPF đều cho thấy tinh thần cầu thị và có những thay đổi tích cực, bên cạnh những điều còn hạn chế mang tính chủ quan lẫn khách quan. Thế nhưng, ý thức từ chính các đội bóng, các thành viên tham dự giải đấu lại là hạn chế và một phần nguyên nhân khiến sự cố liên tục xuất hiện, bào mòn niềm tin của khán giả.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại