Bóng chuyền miền Tây và nỗi buồn khắc khoải

MINH CHIẾN |

Những tưởng bóng chuyền khu vực miền Tây sẽ có thêm đại diện góp mặt giải vô địch quốc gia năm sau thì khán giả đã chưng hửng, niềm vui không hiện thực. Từ chuyện đội bóng chuyền nam Trà Vinh không thể thăng hạng để thấy, bóng chuyền miền Tây vắng dần các đại diện ở sân chơi chuyên môn cao nhất quốc gia.

Bóng chuyền miền Tây và nỗi buồn khắc khoải - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Quốc Duy (5) và đồng đội tại Trà Vinh vẫn chưa thể thăng hạng dù thi đấu trên sân nhà. Ảnh: MINH CHIẾN

Vì đâu nên nỗi

Thể thao Trà Vinh tin tưởng nắm 90% cơ hội đủ triển vọng để đội bóng chuyền nam thăng hạng sau chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2022 vào tối 28-10 trước đối thủ Đà Nẵng. Họ có cơ hội, có thể tự quyết định tấm vé lên chơi giải vô địch quốc gia năm 2023, nhưng thầy trò HLV Lê Văn Triệu đã không thành công. Thua trận, đội nam tiếp tục ở lại hạng A. Thực tế, người hâm mộ thể thao Trà Vinh và cấp lãnh đạo địa phương đã có mặt tại nhà thi đấu tỉnh chờ tin vui tuy vậy dưới sân, các tay đập chủ nhà khiến mọi người thất vọng.

Nhìn vào câu chuyện chung, bóng chuyền miền Tây có kết quả buồn trong năm 2022 này. Đội nam Trà Vinh vuột vé thăng hạng trong khi nam Bến Tre và nam Vĩnh Long rớt hạng từ giải vô địch quốc gia 2022. Chưa kể, nam Long An đã phải dự "chung kết ngược" và may mắn thoát khỏi việc bị xuống hạng.

Tính về số lượng, ngoài đội Quân khu 9 (cũ) đã giải thể, khu vực này vẫn còn đông đảo đội gồm nữ VTV Bình Điền Long An, nữ Hậu Giang, nam Long An, nam Bến Tre, nam Vĩnh Long, nam Trà Vinh. Trong quá khứ, nhắc tới bóng chuyền miền Tây, người hâm mộ đều hiểu rằng các đội bóng ở khu vực này có thể mạnh riêng và đủ sức tranh chấp, thậm chí không ít lần có đội từng lên ngôi vô địch quốc gia. Vào lúc này, trừ trường hợp nữ VTV Bình Điền Long An, giới chuyên môn thấy rõ các đội bóng còn lại đều ở dạng chấp chới từ chuyên môn tới nguồn lực kinh phí duy trì nên không tạo được sức bật mạnh mẽ.

Trong số đó, đội nữ Hậu Giang là trường hợp duy nhất ở lịch sử giải bóng chuyền vô địch quốc gia từng có suất dự giải thi đấu nhưng chấp nhận bỏ cuộc vào năm 2018. Năm 2020, nữ Hậu Giang vẫn tham dự giải hạng A toàn quốc tuy nhiên trong 2 năm gần đây, đội bóng này không đăng ký đấu giải hạng A. Thực tế buồn hiện hữu là số đông đội bóng chuyền miền Tây dần quen hơn việc chơi tại giải hạng A hoặc bị xuống hạng liên tục. Thực trạng này không đơn thuần vì công tác đào tạo chuyên môn mà nằm nhiều ở bài toán phải làm sao có nguồn lực kinh phí duy trì từ đó tâm lý HLV, VĐV mới ổn định. Về chuyên môn, bóng chuyền miền Tây vẫn đang có những con người gốc, đạt chuyên môn tốt nhất nước như Từ Thanh Thuận, Nguyễn Văn Quốc Duy hay Nguyễn Thị Bích Tuyền... Tuy vậy, sự thành danh của họ lại ở đội bóng đang khoác áo đánh thuê chứ không ở đội bóng quê hương.

Phải chăng vì tài chính?

Trường hợp đội nam Trà Vinh sẽ còn nhiều phân tích ở việc vì sao cầu thủ đã chơi thăng hoa ván đầu tiên có chiến thắng rồi bất ngờ thua liên tiếp 3 ván sau, từ đó thất bại chung cuộc 1-3 trước Đà Nẵng để vuột suất thăng hạng dự vô địch quốc gia năm 2023. Qua tìm hiểu, các cấp quản lý đội bóng chuyền nam Trà Vinh đã tin tưởng, nếu đội bóng thăng hạng thành công, việc kêu gọi mạnh thường quân đồng hành là hiện thực cũng như chế độ lương, thưởng cho cầu thủ hoàn toàn tốt hơn. Đáng tiếc, vé thăng hạng đã không thuộc về họ.

Bóng chuyền miền Tây và nỗi buồn khắc khoải - Ảnh 2.

Khán giải Trà Vinh vào nhà thi đấu cổ vũ đông đảo nhưng ngần ấy là chưa đủ để giúp đội bóng quê hương có chiến thắng. Ảnh: MINH CHIẾN

Đội nữ Vĩnh Long là trường hợp cụ thể nhất để nói về chuyện không thể tồn tại do khó khăn đầu tư nên phải tìm nơi mới. Khi thể thao Vĩnh Long chuyển toàn bộ đội bóng chuyền nữ sang đơn vị Ninh Bình để đổi phiên hiệu thành Ninh Bình Doveco thì nhiều người đã tiếc nuối. Mặc dù vậy, với nguồn lực được đầu tư nhiều hơn từ đơn vị mới, đội bóng của HLV Thái Thanh Tùng xếp hạng 4 liên tiếp các mùa 2021, 2022. Chưa bao giờ đơn vị Ninh Bình và Vĩnh Long công bố con số chính xác về sự đầu tư sau khi chuyển giao nhưng một số thông tin ngoài lề cho rằng, đội Ninh Bình Doveco nhận nguồn lực khoảng hơn 10 tỉ đồng/năm và chưa ai kiểm chứng điều này.

Trở lại chuyện đội nữ Hậu Giang, họ bỏ cuộc giải vô địch quốc gia năm 2018 là vì thiếu kinh phí đầu tư. Không thể tìm được nguồn lực trên dưới 3 tỉ đồng/năm, nữ Hậu Giang khi đó chấp nhận bỏ cuộc để trở lại hạng A...dễ thở hơn. Các đội nam như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long hay Trà Vinh là tương tự. Nam Long An sau giai đoạn vật lộn với việc không có kinh phí mạnh đã tìm được nhà tài trợ khoảng 2 tỉ đồng/năm nên phần nào cầu thủ ổn định tinh thần hơn trong khi những đội bóng còn lại còn khó khăn. Chính vì thế, việc thăng hạng gần như sẽ đưa đội bóng vào thế khó nếu không tìm được nguồn kinh phí đầu tư.

Nữ VTV Bình Điền Long An là đội bóng có sự ổn định nhất một phần do nguồn đầu tư từ Công ty phân bón Bình Điền tốt. Hiện tại, đội bóng này đang là đương kim vô địch Đại hội thể thao toàn quốc môn bóng chuyền nữ và đứng hạng 3 giải vô địch quốc gia 2022. Chủ công Trần Thị Thanh Thúy đang là cầu số nữ số 1 Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại