Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay ngày càng nhiều hãng sản xuất Mỹ đang xem xét lại kế hoạch xây dựng nhà máy của họ tại đây khi nhu cầu đi xuống.
Hàng loạt những yếu tố như lãi suất cao, chi phí tăng, đồng USD mạnh nhưng giá bán thấp khiến giấc mơ ‘Made in USA’ lung lay, đồng thời suy giảm hoạt động sản xuất của hàng loạt nhà máy trên khắp đất nước.
Trả lời WSJ, nhiều giám đốc của các thương hiệu ô tô, máy gặt đập hay máy giặt đã cho biết tình hình kinh doanh sẽ còn khó khăn hơn nữa trong năm nay, khiến họ phải xem xét lại việc mở rộng sản xuất hay các dự án xây nhà máy mới như đã cam kết.
Hãng Deere & Co, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp lớn nhất thế giới theo doanh số, đã cắt giảm khoảng 2.100 công nhân kể từ tháng 11/2023, tương đương 15% lực lượng lao động. Tương tự, hãng đối thủ Agco cũng tuyên bố vào tháng 6/2024 rằng sẽ sa thải 6% nhân lực toàn cầu vào cuối năm nay.
Trong mảng xe hơi, hãng Polaris cho biết sẽ phải điều chỉnh lại sản xuất nhằm cắt giảm sản lượng hiện đang dư thừa do nhu cầu đi xuống. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh báo cáo thu nhập quý II/2024 của Polaris giảm đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Doanh số bán lẻ xe hơi đang yếu hơn so với kỳ vọng", CEO Michael Speetzen của Polaris than thở.
U ám
Bức tranh u ám của ngành sản xuất đang phủ bóng đen lên đợt báo cáo tài chính hàng quý của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500. Kết quả kinh doanh của những hãng này đang được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ với kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cân nhắc hạ lãi suất khi lạm phát đã được kiềm chế.
Hãng sản xuất đồ gia dụng Whirlpool cho biết thị trường bất động sản yếu đang kìm hãm nhu cầu mua sắm tủ lạnh, máy gia dụng cùng nhiều mặt hàng khác của thương hiệu này. Công ty MSC Industrial Direct chuyên phân phối dụng cụ và vật tư cho nhà sản xuất thì cho biết doanh số hàng ngày trong quý gần nhất đã giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một điều khá đau đớn cho Whirlpool, MSC Industrial Direct cũng như các hãng sản xuất khác khi từng kỳ vọng về một đợt bùng nổ kinh tế hậu đại dịch.
Trong thời đại dịch Covid-19, người dân Mỹ phải ở nhà nên họ chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm đồ gia dụng cùng các thiết bị khác, cải tạo lại nhà ở hay chi tiền cho các dụng cụ thể thao, chơi game... qua đó thúc đẩy doanh số ngành sản xuất.
Thế nhưng khi lạm phát tăng hậu đại dịch, sự nhiệt tình của người tiêu dùng đã giảm bớt khiến kỳ vọng về một đợt tăng trưởng mới không như kỳ vọng.
Theo WSJ, hàng loạt những khoản ngân sách hỗ trợ của chính phủ để mở nhà máy bán dẫn, ắc quy và xe điện, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ chỉ bù đắp được rất ít cho toàn ngành.
Tăng trưởng sản lượng sản xuất tại Mỹ trong tháng 6/2024 chậm hơn so với tháng trước đó.
Tổng giám đốc Jeremy Flack của Flack Global Metals cho biết người mua thép đang mua nhỏ giọt vì kỳ vọng giá sẽ còn giảm hơn nữa. Sự ảm đạm của ngành bất động sản khiến các công ty xây dựng đang mua thép khá cầm chừng để trông chờ vào tình hình kinh tế hậu bầu cử Tổng thống Mỹ.
"Nhu cầu mua thép năm nay ít hơn rất nhiều so với năm ngoái. Sau 3 năm liên tiếp phá kỷ lục, chúng tôi đang trở về với mức tiêu thụ cũ", giám đốc Flack ngao ngán.
Nhu cầu thép yếu đã khiến giá mặt hàng này giảm trong nhiều tháng qua. Giá thị trường giao ngay của thép tại Mỹ đang là 655 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40% so với đầu năm.
Về mảng nông nghiệp, sức mua của người nông dân Mỹ trong năm nay cũng giảm do giá ngô, đậu nành và các mặt hàng khác thấp hơn so với trước. Đó là chưa kể căng thẳng thương mại khiến Trung Quốc, một trong những thị trường nhập khẩu nông sản lớn trên thế giới, siết chặt hàng rào thuế quan.
Bởi vậy Bộ nông nghiệp Mỹ dự đoán thu nhập của nông dân nước này trong năm nay sẽ giảm khoảng 25%.
Chính điều này đã khiến doanh số bán máy kéo nông nghiệp công suất lớn tại Mỹ giảm 12% trong tháng 6/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, còn doanh số bán máy gặt giảm 29%.
Hãng Deere cho biết họ đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng với hy vọng tránh được tình trạng tồn kho lớn vì quá nhiều sản phẩm chưa bán được chất tại các đại lý.
Ngành ô tô
Mặc dù nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ nhưng ngành ô tô cũng chẳng khá hơn.
CEO Mike Ingalls của nhà máy dập kim loại Dayton Rogers Manufacturing chuyên cung ứng cho các xưởng sản xuất xe hơi cho biết họ đã phải giảm 1/3 sản lượng so với trước đại dịch.
"Tôi không thấy tương lai ngành ô tô sẽ khá hơn được", ông Ingalls buồn bã nói.
Tờ WSJ cho hay một số hãng xe hơi Mỹ đã hoãn dự án mở nhà máy xe điện do nhu cầu người mua yếu hơn dự kiến. Hàng loạt thương hiệu lớn đã rút các khoản đầu tư hoặc tái cơ cấu lại các nhà máy xe điện để chuyển sang tập trung vào động cơ đốt trong.
Sự thay đổi này hiện nay đang được cho là lan rộng khắp ngành ô tô, nhất là khi Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump vốn không hoàn toàn có thiện cảm với xe điện.
Bên cạnh đó, khó khăn của các nền kinh tế khác như thị trường Trung Quốc cũng gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ chuyên xuất khẩu. Ví dụ hãng sản xuất thang máy và thang cuốn Otis Worldwide đã phải cắt giảm dự báo doanh số do nhu cầu giảm ở Trung Quốc.
Ngoài ra, đồng USD quá mạnh khiến hàng hóa sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn so với Mỹ, gây bất lợi cho các nhà máy nội địa trong quá trình cạnh tranh.
Thậm chí Chủ tịch Sohel Sareshwala của Accu-Swiss tại California chuyên sản xuất linh kiện cho ngành bán dẫn cho biết việc Mỹ nâng thuế quan đã thúc đẩy lạm phát và làm tăng chi phí nguyên vật liệu, khiến sản phẩm của họ cao hơn so với đối thủ nước ngoài.
"Đồng USD tăng giá đang gây bất lợi. Trong khi chi phí nguyên liệu thô của các hãng đối thủ khá thấp", Chủ tịch Sareshwala than thở.