Đà điều Australia là loài chim lớn thứ 2 trên thế giới và từ lâu đã trở thành một yếu tố chủ chốt của văn hóa Châu Úc. Hình ảnh của chúng xuất hiện trên các đồng tiền và thậm chí đã từng gây ra chiến tranh. Năm 1932, quân đội đã được gửi đến Tây Australia để giết bớt chim đà điểu khi chúng phá hoại mùa màng nhưng không thành công.
Bước sang thế kỷ 19, đà điểu Australia bắt đầu trở thành loài hot trong các vườn thú cũng như bàn ăn, thậm chí còn được xuất khẩu sang Texas thập niên 1980. Kể từ đây, giá mỗi con đà điểu Australia đã tăng chóng mặt từ vài trăm USD lên 28.000 USD vào năm 1993. Năm 1994, con số này đạt 56.000 USD cho mỗi con đà điểu.
Hiệp hội chim đà điểu Mỹ cũng tăng trưởng và mở rộng gấp 27 lần trong khoảng 1988-1994.
Trên thực tế, Texas là một bang nổi tiếng về nghề giết mổ thịt trong khi cộng đồng Mỹ lúc đó đang có trào lưu ăn thịt sạch và hàng loạt những loại thịt mới được chào bán trên thị trường. Trong số đó, thịt đà điểu được khá nhiều người ưa chuộng, khiến giới đầu cơ đổ tiền ngày càng nhiều vào loại động vật này.
Tương tự như bong bóng hoa tulip vào thế kỷ 17 tại Hà Lan, người ta ngày càng tìm ra nhiều công dụng của đà điểu để đẩy giá đầu cơ lên cao. Mỡ của chúng có thể dùng cho công nghiệp làm đẹp, lông và da có thể bán cho ngành thời trang trong khi thịt lẫn trứng có thể làm thức ăn.
Thậm chí chính quyền bang Texas trong khoảng 1992-1995 còn cấp hỗ trợ vốn vay 400.000 USD cho các hộ nông dân nuôi đà điểu. Thêm nữa, chính quyền bang cắt giảm thuế cho những mảnh đất sử dụng với mục đích nông nghiệp như chăn nuôi và đà điểu trở thành một lựa chọn không tồi. Loài này tốn ít đất để chăm sóc hơn so với nuôi cừu, chúng cũng yên tĩnh hơn trừ khi vào mùa sinh sản.
Như một hệ quả tất yếu, giá đà điểu tăng cùng nhiều chính sách ưu đãi khiến mọi người đổ xô đi nuôi chúng, nhưng họ nhanh chóng nhận ra mình đã đánh giá không đầy đủ vấn đề.
Bong bóng vỡ
Sau khi đổ xô nuôi đà điều, nhiều hộ nông dân phát hiện khá nhiều thứ bất cập. Đầu tiên là đà điểu khi trưởng thành có thể cao đến 190cm và nặng tới 55kg, đồng thời có thể chạy với tốc độ lên tới 70km/h. Chúng có thể đá người nuôi và chạy trốn rất nhanh.
Chính vì vậy, các trang trại phải đầu tư khá tốn kém cho những hàng rào, chưa kể thức ăn cho những con đà điểu này phải lựa chọn khá kỹ.
Ở đầu ra, dù người dân hứng thú với thịt đà điểu nhưng loại thực phẩm này lại khó để trở thành món ăn phổ biến do giá cả hơi cao. Dù ít chất béo lẫn Cholesterol hơn các loại thịt khác nhưng chúng đắt hơn thịt bò hay lợn tại các nhà hàng. Hệ quả là thịt đà điểu chỉ được tiêu thụ có giới hạn.
Trong khi nhu cầu về thịt đà điểu không tăng thì người chăn nuôi lại cung ngày càng nhiều. Mỗi con đà điều có thể đẻ 5-15 quả trứng mỗi mùa và có thể liên tục đẻ trong hơn 16 năm. Với khoảng 12 đà điểu non sống sót mỗi đợt, người chăn nuôi có thể gây dựng 1 đàn 133 con chỉ trong vòng 5 năm và 36.000 con trong vòng 10 năm.
Cầu không tăng trong khi cung nhiều khiến bong bóng đà điểu vỡ vụn vào năm 1998. Hàng loạt trang trại thả rông đà điểu vì không muốn tốn thêm tiền nuôi chúng. Từ mức giá 56.000 USD mỗi con đà điều vào năm 1994, hàng loạt trang trại bán tháo chúng vào năm 1998 với giá chỉ 2-4 USD/con. Đến tận ngày nay, nhiều người vẫn có thể chứng kiến đà điểu hoang thả rông tại Dallas-Texas.
Bởi loài đà điểu có thể sống tới 30 năm nên ngày nay, mọi người vẫn có thể chứng kiến hậu quả của bong bóng đà điểu năm xưa là những chú đà điểu hoang trong rừng. May mắn thay, sự xuất hiện của đà điểu không gây ảnh hưởng quá lớn đến hệ sinh thái động thực vật của Texas.
Trên thực tế, người dân bang Texas với đam mê chăn nuôi đã từng tạo nên rất nhiều thị trường bong bóng. Vào thập niên 1990, loài hươu đuôi trắng sừng dài cũng đã tạo nên cơn sốt đầu cơ ở đây để rồi đổ vỡ vào năm 2013 với cùng một nguyên nhân: mọi người chỉ thấy cái lợi mà nó có thể mang lại chứ chưa giải quyết tốt được thị trường đầu ra.