Một máy bay F-16 Mỹ bay phía trên một kim tự tháp Ai Cập trong cuộc tập trận "Sao sáng" năm 1981. Ảnh: USDD
Saudi Arabia đã mua 84 máy bay chiến đấu F-15SA với giá 60 tỷ USD vào năm 2017. Đây là thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Năm 2021, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đặt đơn đặt hàng trị giá 19 tỷ USD mua 80 chiếc Dassault Rafale - đơn đặt hàng nước ngoài lớn nhất mà Dassault từng nhận được cho loại máy bay này.
Khu vực này hiện là nơi đóng quân của các phi đội F-16 lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới. Israel cũng đang sở hữu một phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 lớn và tiếp tục nhân rộng.
Bốn thương vụ sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Ai Cập cho thấy xu hướng nhập khẩu chiến đấu cơ để tăng cường tiềm lực kể trên của các nước Trung Đông sẽ không sớm thay đổi. Mặc dù không lập bất kỳ kỷ lục nào, nhưng các đơn đặt hàng vẫn có thể có tác động sâu sắc đến vị thế của người mua và khu vực.
Thương vụ Viper của Thổ Nhĩ Kỳ
Một máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sứ mệnh tuần cảnh trên không của khối quân sự NATO năm 2021. Ảnh: Getty Images
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã lên kế hoạch mua 100 chiếc F-35 để thay thế dần 270 chiếc F-16, vốn là xương sống của lực lượng không quân nước này. Thế nhưng Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sau khi Ankara mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga.
Ankara đã đề xuất một giải pháp thay thế vào năm 2021 rằng nước này sẽ mua 40 biến thể F-16 mới nhất, được gọi là Viper, cùng 79 bộ dụng cụ hiện đại hóa để nâng cấp phi đội hiện có. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lập pháp Mỹ.
Ankara đã bắt đầu nâng cấp 35 chiếc F-16 lâu đời nhất của mình theo chương trình hiện đại hóa Ozgur, trong đó trang bị cho chúng các máy tính nhiệm vụ và hệ thống điện tử hàng không mới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch trang bị cho các máy bay này radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) mang tên MURAD do nước này tự phát triển.
Bất chấp những thành công đáng chú ý của chương trình Ozgur, Ankara có thể vẫn cần đến những bộ dụng cụ hiện đại hóa đó và những chiếc F-16 hoàn toàn mới để đảm bảo phần lớn phi đội của họ được nâng cấp trong thập kỷ tới, trong khi chờ đợi để đưa vào hoạt động máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sản xuất nội địa TF Kaan.
Các nhà lập pháp Mỹ phản đối việc bán cho Thổ Nhĩ Kỳ bất kỳ chiếc F-16 nào, phần lớn là do các hành động của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Việc đảo ngược quyết định về vấn đề cho phép Thụy Điển gia nhập NATO của Tổng thống Erdogan vào ngày 10/7 có thể phá vỡ thế bế tắc của thương vụ Viper kể trên. Ngày hôm sau, chính quyền Mỹ cho biết họ dự định tiếp tục bán F-16 cho Ankara. Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là người lên tiếng phản đối thỏa thuận, đang đàm phán với chính quyền và có thể sớm từ bỏ ý kiến phản đối, mặc dù ông có thể tìm kiếm những nhượng bộ khác từ Ankara.
Nếu thương vụ trên được tiến hành, đây sẽ là thỏa thuận vũ khí lớn nhất kể từ khi quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xấu đi từ một thập kỷ trước.
Điều quan trọng đối với Ankara - quốc gia đã không nhận được bất kỳ chiếc F-16 mới nào kể từ năm 2012, một thỏa thuận mua bán những chiếc F-16 hiện đại sẽ mang lại cho lực lượng không quân của họ sự thay thế cần thiết cho đến khi được bổ sung máy bay chiến đấu TF Kaan, mặc dù nó khó có thể tiên tiến bằng F-35.
Thương vụ Flanker của Iran
Mối quan hệ quốc phòng giữa Iran và Nga đã được nâng lên một tầm cao mới sau chiến dịch quân sự ở Ukraine năm ngoái.
Hồi tháng 12/2022, Nhà Trắng tuyên bố dựa trên nguồn thông tin tình báo, Iran sẽ nhận máy bay chiến đấu Su-35 Flanker từ Nga vào khoảng năm nay. Mặc dù không rõ có bao nhiêu chiếc sẽ được chuyển giao, nhưng các nhà quan sát tin rằng Moskva sẽ bắt đầu với 20 chiếc Su-35 ban đầu được chế tạo cho Ai Cập.
Mặc dù Su-35 thường được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến giống như Rafale, nhưng nó thiếu các tính năng chính của loại máy bay này, đặc biệt là radar AESA.
Iran đã không nhập khẩu máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư kể từ khi mua MiG-29A của Liên Xô vào năm 1990. Hầu hết phi đội máy bay chiến đấu của nước này đều tồn tại từ trước năm 1979 khi Iran là đồng minh của Mỹ và mua một phi đội lớn F-14A Tomcat, trở thành quốc gia nước ngoài duy nhất vận hành loại máy bay mang tính biểu tượng đó.
Thời điểm Iran sẽ nhận được những chiếc Flanker mới xuất xưởng cũng chưa rõ ràng. Nhiều tuyên bố mâu thuẫn đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Iran.
Hồi tháng 1, một thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran bày tỏ sự lạc quan rằng Tehran sẽ nhận được các máy bay Flanker ngay sau Tết Nguyên đán của Iran, rơi vào ngày 21/3. Đến tháng 5, một báo cáo tuyên bố rằng lô máy bay này sẽ được chuyển giao trong vòng một tuần.
Những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammed Reza Ashtiani cũng rất đáng nói. Vào ngày 6/3, ông tỏ ra lạc quan về việc giao hàng nhưng đã giảm bớt hy vọng đó vào ngày 28/5, khi nói rằng các cuộc thảo luận về thương vụ chiến đấu cơ trên "hầu hết là suy đoán" và một số giao dịch phải mất nhiều năm mới có thể giao hàng.
Thương vụ Rafale của Iraq
Iraq được cho là đang đàm phán để mua 14 chiếc Rafale. Đây sẽ là lần đầu tiên Baghdad mua máy bay chiến đấu từ Pháp kể từ khi chính quyền thời ông Saddam Hussein đặt mua 133 chiếc Mirage F1 vào những năm 1970 - 1980.
Sau năm 2003, lực lượng không quân Iraq đã phải vật lộn để phục hồi sau cuộc Chiến tranh Iraq và cuộc chiến chống khủng bố IS. Thương vụ máy bay chiến đấu quan trọng nhất của Iraq chắc chắn là 36 chiếc F-16C/D do Mỹ sản xuất, mặc dù họ cũng đã mua một phi đội gồm các máy bay huấn luyện T-50 của Hàn Quốc và máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-159 do Séc sản xuất.
Những chiếc F-16 đầu tiên của Iraq được chuyển giao vào năm 2015 và trở thành trụ cột của lực lượng không quân nước này. Nhưng trong vòng 5 năm, các vấn đề kỹ thuật đòi hỏi bảo dưỡng thường xuyên đã khiến tương lai của chúng bị đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, những tháng gần đây, chúng đã trở thành máy bay tấn công hàng đầu của Iraq chống lại tàn dư của IS - một phần vì cuộc chiến ở Ukraine đã ngăn cản Nga xuất khẩu các bộ phận mà Iraq cần thay thế cho những máy bay trực thăng do Nga sản xuất.
Ít khả năng Iraq muốn mua Rafale để hỗ trợ cho phi đội F-16 của họ trong các cuộc không kích chống lại IS trên mặt đất. Baghdad chủ yếu muốn dùng Rafale để phòng không.
Iraq cũng đã tìm đến Pháp để mua radar tầm xa và tiếp nhận hệ thống Master 403 do tập đoàn Thales sản xuất đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái.
Trong khi F-16 là một máy bay chiến đấu có khả năng phòng không, Mỹ chưa bao giờ bán cho Iraq tên lửa không đối không AIM-120. Do đó, Iraq có thể hy vọng rằng việc quay sang Pháp sẽ mang lại cho nước này loại máy bay chiến đấu có khả năng cao được trang bị tên lửa không đối không Meteor, giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng không hạn chế của mình.
Thương vụ Eagle của Ai Cập
Kể từ khi lập hòa bình với Israel vào năm 1979, Ai Cập chủ yếu là khách hàng vũ khí của Mỹ, với nhiều lô hàng máy bay F-16, trực thăng tấn công AH-64 và xe tăng M1.
Tuy nhiên, Ai Cập chưa từng được mua F-15 Eagle, mặc dù Mỹ đã đồng ý bán chúng cho quốc gia này về nguyên tắc và thậm chí là đã chuyển giao cho Saudi Arabia cùng Qatar - cả hai nước đều không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Năm 2002, Mỹ và Israel đi đến một loạt thỏa thuận liên quan đến việc bán vũ khí của Mỹ cho Ai Cập, một yếu tố trong số đó là lệnh cấm Ai Cập mua F-15.
Mặc dù Ai Cập cuối cùng đã sở hữu những chiếc F-16 của Mỹ với phi đội F-16 hùng hậu lớn thứ tư thế giới, nhưng họ chưa bao giờ có F-15 và điều đó làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phòng không của họ.
Bị từ chối cung cấp F-15 trong gần 40 năm, Ai Cập đã quay sang Nga, đặt hàng gần 40 chiếc MiG-29 với giá 2 tỷ USD vào năm 2014 và sau đó là khoảng 20 chiếc Su-35 với giá 2 tỷ USD vào năm 2018. Trong khi các máy bay của Nga không thể trao đổi dữ liệu với các máy bay do Mỹ sản xuất, Cairo hy vọng chúng có thể hoạt động như một lực lượng không quân độc lập trong lực lượng không quân chung, đồng thời khắc phục một phần sức mạnh không đối không hạn chế.
Kể từ đó, Ai Cập đã rút lui khỏi thỏa thuận Su-35, có thể là do mối đe dọa trừng phạt của Mỹ và vì cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu vũ khí của Nga.
May mắn thay, cơ hội cuối cùng của Ai Cập để có được F-15 cũng có thể xuất hiện. Vào tháng 3/2022, Tướng Frank McKenzie, khi đó là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, nói với các nhà lập pháp: "Tôi nghĩ chúng ta có tin tốt là chúng ta sẽ cung cấp cho Ai Cập máy bay F-15. Đây là một công việc khó khăn và lâu dài".
Sự đồng ý của Israel rất quan trọng đối với bất kỳ giao dịch mua F-15 nào của Ai Cập, nhưng rất có thể họ sẽ đồng ý. Sau cùng, Israel đã bắt đầu nhận được những chiếc F-35 tiên tiến hơn vào năm 2016. Với đơn đặt hàng thêm 25 chiếc gần đây, họ sẽ sở hữu 75 chiếc máy bay tàng hình đó vào thời điểm nhận được những chiếc F-15 đầu tiên.
F-15 vẫn là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không được đánh giá cao sau gần 50 năm phục vụ.