Bốn mươi năm vớt xác trên sông Hồng

Vũ Minh Phúc |

Bà Nguyễn Thị Bình ít có khi nào nghỉ ngơi, luôn là những ngày hối hả với công việc, là những chuyến đi dọc con sông Hồng. Có lúc bà đi dọc con sông mấy tháng liền với chiếc lưới cào móc

"Hơn 40 năm nay bà cứ đi vớt tử thi để gia đình họ khâm liệm, an táng. Nhiều gia đình lên gặp bà cứ khóc lóc. Bà bảo cứ để đấy bà làm cho, khó mấy bà cũng làm được hết, yên tâm, về nhà đi. Nói rồi, bà ngậm một ngụm rượu, một ngụm nước mắm cho ấm bụng, đẩy chiếc thuyền ra giữa dòng nước đỏ, rà đi rà lại, một lát sau cột xác đem lên bờ. Có hôm bà đi vớt xác, không ai nhận mặt, bà đem xác lên bờ, khâm liệm, xin đất, xây cho họ một nấm mồ". Bà Nguyễn Thị Bình - nhà ở đường Thụy Phương, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội - kể.

Bốn mươi năm vớt xác trên sông Hồng - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bình với giàn lưới hành nghề và tác giả. Ảnh: MINH PHÚC - VŨ HÒA

Nghiệp vận vào người

Căn nhà tuềnh toàng của mẹ con bà Nguyễn Thị Bình nằm cuối con xóm nhỏ, gần sát mép sông Hồng, chỉ cách cầu Thăng Long chừng mấy cây số. Hơn 40 năm qua bà đã vớt hàng trăm xác chết trên dòng sông Hồng đưa về cho thân nhân chôn cất. Người chết với muôn vàn lý do. Nào là mùa nước lũ chết đuối; vợ chồng không hòa thuận, giận nhau; làm ăn thua lỗ, yêu nhau không đến được với nhau, lỡ có thai… cũng lên cầu Thăng Long nhảy xuống dòng sông Hồng; ngoài ra còn những cái chết do sơ ý, trượt chân ngã, do đắm thuyền, do không biết bơi... Trên con sông Hồng có biết bao người làm nghề chài lưới, nhưng như có một huyền cơ, lại chỉ có bà Nguyễn Thị Bình làm cái nghề này.

Những tưởng nghề tìm kiếm xác trên sông sẽ được trang bị đặc biệt nhưng hóa ra lại chỉ bằng những dụng cụ đơn giản. Bộ đồ nghề của bà Bình bao năm là mấy trăm cái dây câu vương với vô vàn số lưỡi sắc nhọn thả hờ mọc tua tủa như gai xương rồng.

Bà chèo thuyền xung quanh khu vực nơi nghi là sẽ có xác, thả tay câu vương ấy xuống, rà đi rà lại, không phải mấy giờ mà có khi hàng tuần. Nếu gặp xác, lưỡi câu vướng vào quần áo, da thịt người chết, bà kéo xác đến gần thuyền rồi nhảy tùm xuống, cột xác chết vào dây thừng mang sẵn, sau đó từ từ kéo vào bờ, đưa xác lên bờ, cùng người nhà khâm liệm. Đấy là may mắn gặp xác chết mới. Gặp những xác chết lâu ngày đang ở thời kỳ phân hủy mạnh, chỉ đụng vào là thân thể rã rượi nên phải nhẹ tay.

Tôi hỏi: "Mỗi lần vớt xác như thế bà được trả bao nhiêu tiền công?", bà Bình khẽ xua tay: "Không nói đến chuyện đó. Ai lại đi tính toán tiền công chi li làm gì. Nói bà làm nghề vớt xác thật nhưng đâu hẳn đã sống nhờ vào nghề đó, bà sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, có khi làm nghề bốc mả thuê, vớt xác chỉ là công việc làm phúc làm đức thôi con ạ. Ai thương thì bồi dưỡng. Ai không nghĩ đến cũng không sao. Có nhà nghèo quá, bà phải mua giúp đồ khâm liệm cho họ nữa chứ. Khi mình sống thì không sao nhưng khi chết dù thế nào cũng phải tinh tươm, sạch sẽ, ấm áp một chút kẻo tội, đúng thế không nào? Mấy chục năm qua, nếu mà bà làm nghề lại chỉ nghĩ đến tiền, có khi trong nhà chẳng thiếu thứ gì, đâu có nghèo xác xơ như thế này, phải không con?".

Bốn mươi năm vớt xác trên sông Hồng - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bình trước căn nhà cũ nát của mình

Mong ước cho mai sau

Mẹ con bà Nguyễn Thị Bình ở trong căn nhà lợp bằng fibro xi-măng. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá. Cả đời lênh đênh kiếp vạn chài, nay lên bờ, khát vọng có một căn nhà đã là may mắn lắm rồi, còn mong gì hơn. Nhưng nghề chài lưới của bà mỗi ngày cũng kiếm được chẳng bao nhiêu để sửa lại căn nhà cho kín gió, che chở gia đình. Bà Bình nói nếu có tiền, bà sẽ tự xây quây kín lại cái bờ tường, đảo lại mái ngói, có cái giường nằm, cái tivi để xem thời sự mỗi ngày, thế thôi. Để căn nhà này đứng vững, bà phải làm đủ việc, bà dành dụm để sống qua ngày.

Bây giờ, dù đã ngoài 60 tuổi, làm nghề suốt bao nhiêu năm trời ròng rã, biết bao lần bà tự nhủ sẽ nghỉ ngơi, đoạn tuyệt với cái nghề vớt xác này nhưng số phận như có ngầm ý cứ gắn chặt đời bà với nghề tay trái này.

Dù ngày nắng, ngày mưa, thậm chí có lần ốm nặng, nhưng nếu có người tìm đến cậy nhờ bà tìm xác là bà quên hết bệnh tật, lại tất tả xuống thuyền, ra sông đi tìm xác. Một tháng trước đó, có một gia đình tìm đến nhà xin bà giúp gia đình tìm con gái.

Đó là một cô gái tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vì một phút bồng bột đã gieo mình xuống dòng sông tự tử. "Nước sông dâng cao, lòng sông mở rộng, nước cuộn xoáy, réo rít ầm ào nhìn đã thấy choáng váng chứ chẳng nói chi đến nhảy xuống đó mà tìm kiếm xác. Sau một hồi đắn đo, bà nhận lời. Rồi bà lấy dụng cụ, đồ nghề, lên đường. Bà bơi thuyền thả lưỡi câu vương dọc một đoạn sông mấy cây số mà mãi không tìm thấy. Một cảm giác thất vọng, còn người mẹ đứng trên bờ khóc ngất đi, cầu xin con hãy sống khôn thác thiêng nổi lên để gia đình đưa con về mai táng cho chu toàn, cẩn thận" - bà Bình nhớ lại.

Lại một lần nữa, có một người đàn ông nhờ bà tìm giúp thi thể vợ. Anh nói hết mọi sự tình, là do hai vợ chồng lời qua tiếng lại trên cầu. Nóng giận quá, anh ta mới vung tay tát vợ một cái, không ngờ người vợ ôm hận mà nhảy cầu tự tử. "Bà bơi thuyền ròng rã mấy ngày tìm kiếm mà không thấy xác. Sau này xác người vợ được tìm thấy dưới khúc sông ở Nam Định. Độ ấy nước chảy xiết, xác trôi nhanh theo con nước, bà không tìm được" - bà nói, giọng bùi ngùi.

Cuộc đời bà Bình ít có khi nào nghỉ ngơi, luôn là những ngày hối hả với công việc, là những chuyến đi dọc con sông Hồng. Có thời điểm bà chất đầy đổ ăn, thức uống, đi miết dọc con sông đến mấy tháng liền với chiếc lưới cào móc. "Bất ngờ có người đến gọi ở sân, bà liền lấy đồ nghề, lao ngay vào công việc mà chẳng cần suy nghĩ" - bà Bình tâm sự.

Bà bảo ca nào dù khó đến mấy bà cũng làm được, kể cả không phải bị đuối nước, tự tử, bà vẫn vớt được thi thể người xấu số lên bờ. Tay cầm chiếc lưới với tua tủa những chiếc móc sắc lẹm, bà Bình nói chiếc lưỡi câu này đã gắn bó với bà biết bao kỷ niệm trong mấy chục năm làm nghề rà xác.

Bà Bình nói dù làm nghề sống trên sông nước nhưng đôi khi bà cảm thấy buồn vì không biết bao nhiêu người, bao nhiêu phận đời, bao tuổi trẻ, bao hoài bão, bao ước mơ dở dang đã chôn vùi dưới dòng sông.

Đa phần những người kiếm cơm bằng nghề sông nước đều xem việc vớt xác là tối kỵ, bởi theo họ, hành động ấy là đi ngược lại với quy luật sinh tử, là cướp mất "miếng ăn" của Hà Bá, rất có thể họ sẽ chịu sự trừng phạt của thủy thần. Nhưng bà Bình nghĩ khác, bà cho rằng công việc vớt thi thể người chết đuối với bà là làm phúc thì không có ông Hà Bá nào lại đi trừng phạt một tấm lòng lương thiện.

Chỉ mong làm thêm việc nghĩa

Chúng tôi đi ra bãi Chèm, nơi bà Bình gắn bó cả đời với sông nước. Sông Hồng vẫn đỏ nặng phù sa và cả cây cầu Thăng Long vắt qua dòng sông thật đẹp. Nhưng có một thân phận với bao nỗi gian truân đã nhiều năm qua khỏa tay xuống dòng sông này vớt những xác chết nổi trôi không toan tính thiệt hơn, chỉ mong làm thêm một điều nhân nghĩa cho cuộc đời. Một ngày mới lại lên, tôi chỉ thầm mong cho bà Nguyễn Thị Bình "chân cứng đá mềm", ngày càng có nhiều sức khỏe, tiếp tục làm công việc vớt xác thầm lặng của mình, để cuộc đời bớt đi những tiếng khóc tìm mẹ, tìm chồng, tìm con... giữa dòng nước xoáy vô vọng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại