Các chiến binh Hamas sở hữu hệ thống đường hầm dày đặc được mệnh danh là "Metro Gaza". Ảnh: Getty Images
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã thử nghiệm một loại bom hóa học, không chứa chất nổ, được sử dụng để bịt kín các khoảng trống hoặc lối vào đường hầm nơi các chiến binh có thể xuất hiện.
IDF chưa bình luận về việc sử dụng cái gọi là "bom xốp", tạo ra vụ nổ bọt xốp đột ngột, nhanh chóng nở ra và sau đó cứng lại.
Trên thực tế, hình ảnh binh lính Israel triển khai thiết bị "bom xốp" này đã xuất hiện trong một cuộc tập trận từ năm 2021. Khi đó họ đã thiết lập một hệ thống đường hầm mô phỏng tại căn cứ quân sự Tze’Elim gần biên giới với Gaza.
Giờ đây, lực lượng Israel có thể sẽ phải đối mặt với một trận chiến đẫm máu xuyên qua các đường hầm được gọi là “Metro Gaza” khi họ tiến hành chiến dịch trên bộ. Mạng lưới này được cho là dài hàng trăm kilomet và dày đặc bẫy. Đó cũng được cho là nơi Hamas đang giam giữ nhiều người trong số hơn 200 con tin.
“Bom xốp” sẽ ngăn binh lính bị phục kích khi họ tiến sâu hơn vào mạng lưới hầm, bịt kín những khoảng trống mà Hamas có thể tấn công.
Được chứa trong một hộp nhựa, thiết bị chuyên dụng này có vách ngăn bằng kim loại ngăn cách hai chất lỏng. Các hợp chất sẽ trộn lẫn khi người lính đặt “quả bom” hoặc ném nó xa hơn về phía trước.
Hiện tại, các đội đặc nhiệm trong quân đoàn công binh của IDF đã được tập hợp thành các đơn vị trinh sát đường hầm và được trang bị các cảm biến trên mặt đất và trên không, radar xuyên đất và hệ thống khoan đặc biệt để xác định vị trí đường hầm. Họ cũng đã được cấp thiết bị đặc biệt để quan sát khi ở dưới lòng đất.
Kính nhìn đêm tiêu chuẩn vẫn cần có yếu tố ánh sáng xung quanh để hoạt động hiệu quả, nhưng với việc tất cả ánh sáng tự nhiên bị chặn khi di chuyển dưới lòng đất, quân đội sẽ dựa vào công nghệ nhiệt để nhìn trong bóng tối hoàn toàn.
Các đài vô tuyến mới, được tối ưu hóa để làm việc trong điều kiện khắc nghiệt dưới lòng đất, cũng đã được phát triển.
Tuy nhiên, có những rắc rối tiềm tàng với kho vũ khí ngầm. “Bom xốp" - về mặt kỹ thuật là nhũ tương lỏng - rất nguy hiểm khi sử dụng và một số binh sĩ Israel đã bị mù do xử lý sai hỗn hợp.
Israel cũng có thể sử dụng robot và máy bay không người lái để trợ giúp khi di chuyển trong các đường hầm, nhưng cho đến nay, việc vận hành chúng dưới lòng đất vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số robot sẽ được điều khiển bằng dây dẫn ra. Số khác dựa vào sóng vô tuyến tiêu chuẩn, nhưng sẽ cần một loạt các nút kích tín hiệu trên đường đi vì tín hiệu vô tuyến suy giảm nhanh chóng dưới lòng đất.
Bên cạnh đó, máy bay không người lái trinh sát siêu nhỏ, vừa trong lòng bàn tay, cũng có thể được sử dụng nhưng sẽ bị ảnh hưởng tương tự khi tín hiệu vô tuyến yếu đi.
Công ty công nghệ Roboteam có trụ sở tại Israel đã phát triển IRIS, một máy bay không người lái nhỏ, có thể ném được, có thể được điều khiển từ xa. Được các lực lượng đặc biệt gọi là "throwbot" (robot ném), nó chuyển tiếp hình ảnh trở lại bộ điều khiển, cho phép vận hành thiết bị từ vị trí an toàn. Một số thiết bị "throwbot" có thể gắn vũ khí để nếu phát hiện chiến binh kẻ thù, người điều khiển có thể kích hoạt chất nổ.
Bên cạnh IRIS, Roboteam còn phát triển MTGR, một “robot mặt đất siêu nhỏ” có thể leo cầu thang và được thiết kế để binh lính vận hành trong các tòa nhà và hang động.
John Spencer, cựu thiếu tá Mỹ, chủ trì nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại ở West Point, cho biết chiến đấu dưới lòng đất “giống chiến đấu dưới nước hơn là chiến đấu trong các tòa nhà”.
“Không có gì được sử dụng trên mặt đất có thể hoạt động theo cách giống nhau hoặc có cùng hiệu quả ở dưới lòng đất. Cần có thiết bị chuyên dụng để nhìn, thở, điều hướng, lập bản đồ không gian, liên lạc và triển khai các phương tiện gây chết người”, chuyên gia Spencer nói.
Quân đội Israel trước khi kiểm tra một đường hầm ở Gaza. Ảnh: Telegraph
Hamas đã tích hợp chiến tranh ngầm vào chiến lược quân sự tổng thể của mình. Các đường hầm, một số được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, không còn chỉ là nơi trú ẩn mà là một phần không thể thiếu trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm chuẩn bị thế trận cho các cuộc phục kích nhằm vào lực lượng Israel ở phía trên.
Nhiều khu vực hầm ngầm trải dài dưới các công trình dân sự, có điểm ra vào là nhà ở và các tòa nhà phi quân sự khác, khiến Israel cực kỳ khó tấn công để không bị quốc tế lên án.
Một đường hầm “chuẩn” cao khoảng 2m, rộng 1m, có thể xây dựng nhanh chóng. Đôi khi chúng được gia cố bằng bê tông và kim loại nhưng không quá phức tạp.
Những khu vực hầm ngầm khác còn có điện, nước và hệ thống thông gió, được sử dụng cho các trung tâm chỉ huy và trạm nghỉ ngơi, kho vũ khí, phục vụ hoạt động xâm nhập vào Israel cũng như dẫn đến các địa điểm phóng tên lửa bí mật.
Ở một số nơi thậm chí còn được cho là có hệ thống đường sắt nhỏ để vận chuyển vũ khí và thiết bị xây dựng.
Nỗ lực lớn gần đây nhất của Israel nhằm phá hủy hệ thống là vào năm 2014, nhưng mạng lưới hầm đã được xây dựng lại và phát triển thêm kể từ đó.
Các chỉ huy quân sự IDF sẽ phải quyết định xem họ có muốn biến các công trình này trở nên vô dụng hay không, bằng những cách như đổ bê tông, mà họ đã làm với các đường hầm do Hezbollah đào ở phía bắc đất nước.
Tuy nhiên, họ có thể cần phải giữ nguyên các công trình, và tiêu diệt các chiến binh Hamas để tìm kiếm con tin. Những phản ứng quân sự thông thường đối với các đường hầm, như sử dụng chất nổ để phá hủy chúng hoặc gây lũ lụt để khiến chúng trở nên vô dụng, có lẽ là không thực tế.