Bom nổ trên cao tốc M4: "Vết thương hở" vẫn đau, Nga-Thổ lao vào quyết tử ở Syria?

Mạnh Kiên |

Thỏa thuận ngừng bắn và tuần tra ở cao tốc M4 sẽ chỉ đặt một miếng băng tạm thời lên vết thương hở. Cuộc xung đột Nga-Thổ mới sẽ lại sớm nổi lên.

Bom nổ trên cao tốc M4

Các chiến binh thuộc nhóm Al-Islamad-Turkestani là những kẻ đứng sau vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường cao tốc M4 ở Idlib, khiến một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, Chuẩn đô đốc Oleg Zhuravlev, người đứng đầu Trung tâm hòa giải Nga ở Syria, cho biết hôm 27/5.

Tình hình ở Idlib của Syria xấu đi vào cuối tháng 2 khi những kẻ khủng bố từ nhóm Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) bắt đầu một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các cứ điểm do lực lượng chính phủ Syria kiểm soát.

Vào ngày 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc hội đàm tại Moscow và thông qua một tuyên bố ngừng bắn, trong đó Moscow và Ankara nhất trí thực hiện các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, nhằm loại bỏ những kẻ khủng bố và mở lại tuyến đường huyết mạch này.

Bất chấp sự hợp tác nói trên, những căng thẳng nội tại giữa hai quốc gia sẽ không vì thế mà tạm lắng. Như những gì đã xảy ra với các thỏa thuận tương tự trước đây, thỏa thuận ngừng bắn và tuần tra mới sẽ chỉ đặt một miếng băng tạm thời lên vết thương hở. Giới quan sát tin rằng một cuộc xung đột mới sẽ lại sớm nổi lên.

Mục tiêu mâu thuẫn

Đã từ lâu, giới phân tích đều nhận định rằng, mục tiêu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Syria hiện tại là không tương thích. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tạo ra một vùng đệm lớn để đưa người tị nạn quay trở lại Syria, đồng thời ngăn cách người Kurd ở Syria liên kết với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra mối đe dọa lớn.

Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được tăng cường hơn nữa khi xung đột tiếp tục bùng nổ ở Idlib, bất chấp các chiến thắng của Nga, Syria và Iran trước phiến quân đối lập.

Các lực lượng ủy nhiệm giữa Iran, Nga liên tiếp đụng độ với lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng đụng độ trực tiếp với Nga vì mối quan hệ chặt chẽ của Moscow với người Kurd ở Syria cũng như sự phụ thuộc của chính họ vào nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Đi ngược lại mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong mục đích thiết lập vùng đệm, Nga lại muốn giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad thiết lập toàn bộ quyền kiểm soát lãnh thổ trên khắp Syria.

Nga không sẵn sàng chiến đấu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ vì điều đó có thể đưa NATO vào cuộc chiến. Điều này gần như đã xảy ra vào tháng 3 sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi một cuộc họp của NATO để yêu cầu hỗ trợ chống lại các động thái của Nga ở Syria.

Bom nổ trên cao tốc M4: Vết thương hở vẫn đau, Nga-Thổ lao vào quyết tử ở Syria? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mang NATO ra làm lá chắn trước Nga.

Moscow cũng đang ngày càng không hài lòng về các chính sách không linh hoạt của chính quyền Assad – người khăng khăng đòi khôi phục quyền lực trên toàn bộ Syria mà không có bất kỳ sự hòa giải chính trị với bất kỳ phe phái nào.

Những khó khăn của Moscow cũng đến từ Iran, quốc gia đã tự loại mình ra khỏi thỏa thuận ngày 5/3 với Thổ Nhĩ Kỳ khi từ lâu đã không hài lòng về việc Moscow không bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ Israel.

Mục tiêu của Nga tiếp tục là hạn chế các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Moscow thậm chí đang thiết lập một căn cứ không quân trực thăng mới ở tỉnh Raqqah, một cảnh báo về việc Nga sẽ không đơn giản cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng sự can thiệp quân sự vào khu vực.

Lợi thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không đủ khả năng hướng tới một cuộc đụng độ trực tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được đánh giá là không thể so sánh với ưu thế quân sự của Nga, nhưng các cuộc đụng độ vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua cho thấy lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể khiến Nga khốn đốn thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Đặt trong bối cảnh Syria, một số nhà quan sát tin rằng ưu thế quân sự tổng thể của Nga so với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể chuyển thành sức mạnh vượt trội ở chiến trường này. Hay như nhà phân tích nổi tiếng người Mỹ Michael Kofman từng nhận xét, có nhiều yếu tố khách quan chống lại Nga ở Syria.

Một phần lợi thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đến từ khả năng đe dọa đóng cửa eo biển Thổ Nhĩ Kỳ hướng ra Biển Đen.

Đóng eo biển không chỉ ảnh hưởng đến tàu thương mại và quân sự của Nga mà còn phơi bày gót chân Achilles của Moscow trên khắp Địa Trung Hải. Nói cách khác, đóng cửa eo biển sẽ cô lập Nga với Syria.

Trong trường hợp Nga gây sức ép quân sự lên Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng Ankara sẽ đề nghị sự hỗ trợ của NATO. Do đó, mọi nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin gây chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với NATO sẽ trở nên xôi hỏng bỏng không. Tổng thống Erdogan đã sử dụng chiến thuật này trong cuộc khủng hoảng gần đây với ý định bắt buộc Nga phải đàm phán.

Nhưng đó cũng chỉ là "lá bùa hộ mệnh" tạm thời của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì nước này không thể qua đó mà đòi hỏi những mục tiêu quá đáng hơn từ Nga . Thổ Nhĩ Kỳ có thể dựa vào NATO để phần nào tránh bị yếu thế, nhưng họ vẫn phải chấp nhận Nga và đồng minh Syria giữ phần lớn lợi ích.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nghĩa vụ phải chấp nhận các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, cho phép lực lượng của Nga và Syria xâm nhập sâu hơn vào Idlib. Vì hơn tất cả, Nga vẫn nắm ưu thế lớn hơn của một kẻ đang băng băng trên con đường chiến thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại