Bác sĩ Trần Sinh Lục - Chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân nữ 34 tuổi, khi đến thăm khám tỏ vẻ rất mất tự tin vì bầu ngực biến dạng, co rúm.
Qua thăm khám trực tiếp, BS. Lục nhận thấy thì silicon đã thâm nhiễm vào các vùng mô, ngực cứng như đá, có nguy cơ tạo các ổ viêm phá hủy ra ngoài vùng da bệnh nhân.
Để xử trí trường hợp này, bác sĩ sẽ đặt túi ngực kết hợp với mỡ tự thân để làm mềm những vùng da bị cứng.
Tuy nhiên, BS. Lục đánh giá đây là một ca tương đối khó, do cơ thể bệnh nhân vẫn có thể còn silicon lỏng, việc đặt túi cần đảm bảo không gây tình trạng thải loại.
Trước đó, bệnh nhân cho biết, cách đây gần 5 năm, nghe theo giới thiệu nên chị đã đến một spa Hà Nội để bơm “mỡ Thái Lan tự thân” nâng cấp vòng một, với chi phí 30 triệu đồng. Sau khi bơm mỡ tự thân, chị thấy vòng ngực căng đầy, nên rất hài lòng và tự tin.
Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, chị bắt đầu cảm thấy có những cục gồ ghề, chạm vào cảm giác đau, khó chịu. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết đó là những cục silicon lỏng bị vón cục, chứ hoàn toàn không phải "mỡ Thái Lan tự thân" như quảng cáo.
Các bác sĩ đã tiến hành lấy phần silicon vón cục ra khỏi cơ thể chị nhưng tình hình không cải thiện là mấy, chị vẫn thấy trong ngực có những cục cứng, vón cục, sờ vào rất đau.
Cố chịu đựng được gần 3 năm và không dám nói cho người thân biết, đến lúc thấy ngực ngày càng nhăn nhúm, biến dạng, đau nhức thường xuyên, khó thở chị mới đến Bệnh viện K Trung ương khám.
Hình ảnh ngực bệnh nhân biến dạng, rúm ró sau tiêm silicon lỏng được quảng cáo là mỡ tự thân.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng do bơm silicon lỏng dẫn đến nổi u cục sần sùi, ngực sưng đau, bác sĩ đã tiến hành nạo vét và buộc cắt bỏ tuyến sữa của bệnh nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của các bác sĩ, do chất silicon lỏng được tiêm vào ngực đã di chuyển đi khắp nơi nên nạo vét một lần vẫn không thể dứt điểm.
Cách đây 3 tháng, nữ bệnh nhân lại phải vào Bệnh viện K để nạo vét silicon thêm một lần nữa. Vì phải tiến hành nạo vét lấy hết phần silicon khỏi bầu ngực nên ngực bệnh nhân bị co rúm, lõm sâu, mất hoàn toàn hình dáng bầu ngực.
Rầm rộ theo trào lưu, rước họa vào thân
Các bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị thực tế còn nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng như nữ bệnh nhân này nhưng chưa được can thiệp y tế. Đây là hệ quả của trào lưu tiêm "mỡ tự thân" - thực chất là silicon lỏng rộ lên thành mốt trong một thời gian dài trước đó với chi phí rẻ đã khiến nhiều người mù quáng tin theo.
Chỉ trong tháng 1/2019, bác sĩ Lục đã tiếp nhận 3 ca có tiền sử tiêm silicon lỏng, trong đó có 1 ca tiêm vào mặt, 2 ca tiêm vào mông và ngực. Ca tiêm silicon vào mặt không thể xử lý được triệt để do lấy silicon ở mặt rất khó khăn, có nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh, tuyến nước bọt, nguy cơ gây liệt mặt, bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với cục vón silicon suốt đời.
Tuyệt đối không tiêm silicon lỏng vào cơ thể để nâng cấp vòng 1 vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Cũng theo trào lưu làm đẹp giảm mỡ, tạo cằm V-line hiện nay, tại Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương mới đây tiếp nhận trường hợp cô gái trẻ (23 tuổi) nhập viện sau khi tiêm thuốc để giảm mỡ ở trên mặt, nhằm thu gọn phần cằm, mặt, tạo cằm V-line theo xu hướng khá thịnh hành.
Tuy nhiên, đẹp đâu chưa thấy, sau vài ngày tiêm thuốc được quảng cáo là giảm mỡ tại một cơ sở làm đẹp, mặt cô gái nổi các nốt u cục, chảy mủ, lúc đó mới vội vã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị.
TS.BS Phạm Cao Kiêm – Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ cũng cảnh báo thực trạng đáng báo động là các loại thuốc giảm mỡ được bán tràn lan trên mạng, mua rất dễ dàng nên nhiều người bất chấp rủi ro sức khỏe mua về tiêm rất nhiều.
Tại các quán cắt tóc, gội đầu, nhân viên không hề được đào tạo và không có bằng cấp nhưng lại ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn làm đẹp như xăm mày, tiêm chất làm đầy filler… Chỉ đến khi gây biến chứng nặng chảy dịch, tắc mạch, hoại tử người dân mới đến bệnh viện “cầu cứu” bác sĩ.
Silicon lỏng đã bị cấm sử dụng để tiêm vào cơ thể từ rất lâu nhưng thời gian gần đây có khá nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng bơm silicon, trong đó có người tiêm ở mặt, có người tiêm ở mông và ngực.
Bác sĩ Lục cảnh báo, biến chứng sớm của bơm silicon là gây ra tình trạng tắc mạch do tiêm vào mạch máu và gây hoại tử hoặc bơm quá nhiều gây tình trạng căng khiến mạch máu bị chèn ép dẫn tới hoại tử (tím đỏ) ở vùng tiêm.
Thực tế đã có rất nhiều ca biến chứng sau tiêm silicon lỏng nâng cấp vòng một được cảnh báo trước đó.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân 31 tuổi quê ở Sóc Trăng bị căng cứng sưng đỏ, hoại tử da, biến dạng, nhiều lỗ rò dịch đục xung quanh sau khi tiêm silicon vào vòng 1 và phải đi cấp cứu tại BV Đa khoa Cần Thơ.
Một trường hợp khác bệnh nhân 52 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bị cắt mất đôi "gò bồng đảo", tính mạng đang bị đe dọa do nâng ngực bằng cách bơm silicon tại spa. Sau bơm một thời gian, ngực bệnh nhân bị hoại tử, biến dạng.
Các bác sĩ chẩn đoán silicon đã chảy vào 2 bên vú và lan xuống phía dưới vùng bụng, buộc phải cắt toàn bộ 2 mô tuyến vú có lẫn silicon, cắt bỏ những vùng da bị tổn thương và nạo lấy silicon ở vùng bụng.
Theo các chuyên gia, trên thị trường không hề có mỡ nhân tạo mà đó chỉ là silicon dạng lỏng được thổi phồng công dụng. Đây là chất đã bị ngành y tế cấm dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 1992 do thường xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm.