Sức công phá của quả bom tạo ra ấn tượng mạnh đối với những người chứng kiến. Quầng lửa đỏ khổng lồ như ở địa ngục, sóng nhiệt và sóng xung kích cuốn phăng mọi vật trong khoảng cách vài km, nước biển bị đun sôi, đất cát nóng chảy thành mắc-ma và cuối cùng là cột khói hình nấm đường kính 161km, có chiều cao gấp 4 lần đỉnh núi Everest.
Các chuyên gia ghi nhận, vụ nổ bom khinh khí đầu tiên của Mỹ có sức công phá tương đương 10,4 Megaton (10,4 triệu tấn thuốc nổ TNT), gấp 700 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima.
Vũ khí hạch tâm đưa nhân loại tới mối đe dọa hủy diệt. Khi được sử dụng, sẽ không còn sự sống nào có thể tồn tại trên Trái Đất.
Vụ thử bom khinh khí của Mỹ cũng mở ra kỷ nguyên mới, khi con người có thể đủ sức hủy diệt Trái Đất trong chớp mắt, và tạo ra cuộc chạy đua hạt nhân giữa các siêu cường trong nhiều thập kỷ sau đó.
Sức mạnh của quả bom khinh khí đầu tiên
Với tên gọi Ivy Mike, nguyên mẫu bom khinh khí đầu tiên của nhân loại đã thổi bay hoàn toàn đảo Athenek. Vụ nổ tạo ra hố sâu rộng hơn 2km. Vụ thử nghiệm đã làm hài lòng giới chức quân sự Mỹ khi tái tạo lại được phản ứng nhiệt hạch vốn chỉ xảy ra trong lõi các ngôi sao.
Về nguyên lý hoạt động của bom Ivy Mike, giới chuyên gia quân sự giải thích đơn giản: "Thuốc nổ" của qua bom chính là các đồng vị của nguyên tố hydorgen: Deuterium và Tritium; còn kíp là một quả bom hạt nhân có tác dụng tạo trường nhiệt kích hoạt phản ứng nhiệt hạch giữa các đồng vị phóng xạ hydrogen bao bọc phía ngoài.
Xét về kích thước, Ivy Mike không thể được coi là một quả bom vì nó cao tương đương với một tòa nhà 2 tầng và nặng tới 82 tấn.
Sau Ivy Mike, ngày 1-3-1954, Mỹ chính thức thử quả bom khinh khí nguyên bản trên đảo Castle Bravo, nơi thường xuyên được sử dụng để thử vũ khí hạt nhân trước đó. Với tên gọi SHRIMP, bom khinh khí nguyên bản của Mỹ nhỏ gọn hơn nhiều so với Ivy Mike với dạng hình ống dài 4,5m, nặng 10,5 tấn.
Bom SHRIMP được phát triển mới mục tiêu quân sự hóa bom khinh khí trang bị trên các dòng máy bay ném bom hạng nặng. Sau khi được trang bị bị, bom SHRIMP mang tên mã MK 21 và được Không quân Mỹ sử dụng cho tới năm 1962.
Vụ nổ bom SHRIMP đã vượt qua sự kỳ vọng của giới chức quân sự Mỹ. Theo tính toán, SHRIMP có sức công phá khoảng 8 Megatone, nhưng trong thực tế vụ nổ tạo ra có sức công phá gần gấp đôi (15 Megatone).
Vụ nổ đã nhấn chìm đảo Castle Bravo và thay đổi hoàn toàn hình dáng của quần đảo san hô Bikini. Vụ nổ bom SHRIMP đã tạo ra chấn động như một trận động đất với cột khói hình nấm rộng tới 100km.
Hậu quả của vụ nổ làm ô nhiễm phóng xạ một vùng lãnh thổ rộng lớn. Các chuyên gia hạt nhân Mỹ tính toán, vụ nổ đã tạo ra vùng ô nhiễm phóng xạ có dài 550km, rộng 100km. Sóng chấn động của bom SHRIMP được ghi nhận ở khoảng cách 240km.
Ít nhất 28 quân nhân Mỹ có mặt tại bãi thử bị nhiễm xạ nặng, tàu cá Nhật Bản Fukurju-Maru cách tâm vụ nổ 170km cũng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Làn sóng phản đối hành động thử bom khinh khí của Mỹ tại Nhật Bản và nhiều quốc gia khác lên cao sau đó.
Câu trả lời từ Liên Xô
Chỉ khoảng một năm sau vụ thử bom Ivy Mike, Liên Xô cũng thử quả bom khinh khí đầu tiên vào ngày 12-8-1953. Nguyên mẫu bom khinh khí đầu tiên của Liên Xô RDS-6c có sức công phá nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, chỉ khoảng 400 Kilotone.
Bù lại, RDS-6c lại nhỏ gọn để lắp trên máy bay ném bom tầm xa Tu-16. Trong vụ thử, bom RDS-6c được lắp trên một tháp cao 40m. Để ghi nhận và đánh giá kết quả vụ nổ, hơn 500 cảm biến và 16 máy bay quân sự được huy động hoạt động tại bãi thử.
Vụ nổ bom RDS-6c đã thành công vượt mong đợi của các chuyên gia Xô Viết. Sức công phá do RDS-6c tạo ra gấp 20 lần vụ bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô. Toàn bộ các công trình xây dựng trong bán kính 4km bị phá hủy hoàn toàn.
Sóng xung kích do vụ nổ tạo ra đã thổi bay một cây cầu đường sắt nặng hơn 100 tấn ra xa hơn 200m. Vụ nổ cũng tạo ra một đám mây phóng xạ rộng gần 200km.
Việc Liên Xô thử bom khinh khí đã gây bất ngờ lớn với giới chức Mỹ. Trong khi Ivy Mike chỉ là nguyên mẫu, thì RDS-6c đã đủ chức năng trở thành vũ khí hủy diệt. Công nghệ bom khinh khí của Liên Xô tiếp tục có bước tiến lớn với bom RDS-37 nhỏ gọn hơn.
Trong vụ thử ngày 22-11-1955, nguyên mẫu bom RDS-37 đã tạo ra vụ nổ 1,6 Megatone và là lần đầu tiên vũ khí nguyên tử của Liên Xô vượt qua mốc Megatone.
Trong khi Mỹ là quốc gia chế tạo bom khinh khí đầu tiên, thì Liên Xô lại là nơi tạo ra qua bom hạt nhân có sức công phá mạnh nhất nhân loại. Bom AN602 Tsar với sức công phá 58 Megatone được coi là vũ khí hạt nhân mạng nhất con người từng tạo ra.
Ngày 30-10-1961, một quả bom AN602 dài 8m, nặng 26,5 tấn được ném xuống bãi thử Sukhoi Nos trên đảo Novaya Zemlya. Để chuyên chở được Tsar bom, một máy bay ném bom Tu-95B hoán cải đặc biệt được sử dụng
Sau khi được thả tại độ cao 10,5km, bom Tsar đã phát nổ ở độ cao 4,2km. Dù đã bay xa cách tâm vụ nổ 40km, chiếc Tu-95B vẫn bị chấn động mạnh do sóng xung kích và các cảm biến đo chỉ số phóng xạ, ion hóa đều ở mức tối đa. Rất may, chiếc máy bay đã kịp bay khỏi tầm ảnh hưởng của vụ nổ.
Vụ nổ bom Tsar tạo ra quả cầu lửa đường kính 70km và có thể quan sát thấy từ ngoài vũ trụ. Sóng chấn động vụ nổ gây ra tạo ra 3 dư chấn nhỏ trên toàn cầu. Vụ nổ cũng tạo ra hiệu ứng EMP làm hỏng các thiết bị vô tuyến không được bảo vệ cách đó hàng trăm km.
Sóng nhiệt của vụ nổ đủ để gây bỏng cho các sinh vật sống cách tâm vụ nổ 100km. Điểm đáng ngạc nhiên của bom Tsar là không hề có ô nhiễm phóng xạ sau vụ nổ, các kíp khảo sát của Nga có thể tiếp cận vị trí tâm vụ nổ trong chỉ khoảng 2 giờ sau đó.
Sau vụ thử bom Tsar, giới chuyên gia quân sự Liên Xô khẳng định vũ khí hạch tâm không có giới hạn về sức công phá. Tuy nhiên, sau Tsar bom, các ý tưởng về thế hệ bom khinh khí mới có sức công phá tới 100 Megatone của Liên Xô không trở thành hiện thực.
Trong 65 năm qua đã có hàng nghìn vụ thử vũ khí hạch tâm được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới và gây ô nhiễm đáng kể cho Trái Đất. Hiện tại, mỗi sinh vật sống trên Trái Đất đang tiếp nhận lượng phóng xạ trung bình 7-10 microsievert/năm do các vụ thử hạt nhân con người từng thực hiện trong thế kỷ 20.