Bức tường có vẽ hình ảnh cựu MC truyền hình Tolo Yama Siawash, người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom dính vào ngày 7/11/2020, ở Kabul. Ảnh AFP.
“Bom dính” hoạt động rất đơn giản. Khi phương tiện mục tiêu đến địa điểm dự kiến, một đứa trẻ ăn xin sẽ len lỏi qua dòng xe cộ tiến đến cửa sổ chỗ khoang lái để đánh lạc hướng người lái xe. Trong khi đó, một kẻ khác sẽ lén cài quả bom vào bánh xe.
Cách đó một quãng ngắn, những kẻ âm mưu chờ đợi chuyến xe tới, lúc này một số điện thoại được cài sẵn sẽ gọi đến. Chữ số cuối cùng sẽ kích hoạt từ xa quả bom dính, vốn được làm bằng thuốc nổ và có nam châm gắn vào một chiếc điện thoại di động. Vụ nổ sẽ phá huỷ ô tô, sát thương những người ngồi trong và bất kỳ ai khác ở gần đó.
Những thiết bị thô sơ như vậy, được sản xuất trong các xưởng cơ khí với giá chỉ 25 USD, là vũ khí mới nhất đang khủng bố người dân tại một quốc gia hỗn loạn, trong lúc Washington vẫn đang tìm kiếm một lối thoát có trách nhiệm sau nhiều thập kỷ chiến tranh,
Theo hãng tin AP, trong năm qua, hầu như ngày nào cũng có một hoặc nhiều chiếc xe ô tô phát nổ ở Kabul, khiến người dân nơi đây vô cùng sợ hãi.
Việc sử dụng bom dính còn tương đối mới ở thủ đô của Afghanistan, theo cựu Bộ trưởng Nội vụ Masoud Andarabi. “Cái mới là ở chỗ những kẻ tấn công đã tạo ra một mẫu vũ khí đơn giản”, ông Andarabi nói, lưu ý rằng bom dính rất dễ làm và mang theo.
Ông cho biết, một số nạn nhân là mục tiêu cụ thể, tuy nhiên nhiều người khác chỉ là mục tiêu ngẫu nhiên, với mục đích khủng bố toàn bộ dân cư nói chung.
Việc sử dụng bom dính dường như bắt nguồn từ động cơ làm suy yếu niềm tin vào nỗ lực hoà bình của những người dân thường Afghanistan, trong khi Taliban và chính phủ đổ lỗi cho nhau về tình trạng hỗn loạn.
Theo lực lượng an ninh Afghanistan, những kẻ tấn công sử dụng các chiến thuật khác nhau. Một mẹo mới của bọn chúng là thả bom dính từ bên trong một lỗ khoét gần cần số của chiếc xe được kẻ tấn công điều khiển khi xe mục tiêu đang tiến gần từ phía sau. Khi xe mục tiêu vượt qua quả bom nhỏ, nó sẽ được kích nổ.
Một quả "bom dính" gắn với điện thoại di động được phát hiện ở Afghanistan. Ảnh: Asia Times
AP đưa tin, những kẻ tấn công có thể tuyển dụng dễ dàng đội ngũ thả bom dính từ lực lượng người nghèo đông đảo của thành phố, vốn chiếm khoảng 2/3 trong số 35 triệu dân của Afghanistan.
Tần suất các vụ giết người đã tăng nhanh kể từ khi các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan bắt đầu vào tháng 9/2020 và sau thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 2/2020 giữa Mỹ và Taliban. Thỏa thuận này bị những người chỉ trích cho là đã khuyến khích các chiến binh hoạt động và thoát bị trừng phạt nhiều hơn.
“Mỹ đã mở đường cho những vụ giết người này. Họ đã bỏ rơi chúng tôi”, một nhà báo Afghanistan giấu tên nói.
Hầu hết những người thợ máy ở khu vực Shah Shaheed nghèo khó của Kabul đều biết Abdul Sami, 30 tuổi, người gần đây đã bị lực lượng an ninh bắt giữ và buộc tội cài bom dính trên xe ô tô, không nhằm vào bất kỳ cá nhân cụ thể nào.
Giống như những thợ máy khác, Sami rất nghèo, ngày có việc cũng chỉ kiếm được khoảng 6 USD, và những ngày khác thì chả có một đồng thu nhập.
Kể từ khi Sami bị bắt, cảnh sát và nhân viên an ninh đã lùng sục khu vực, thẩm vấn những người thợ máy và theo dõi họ.
Nhân viên an ninh Afghanistan đứng quanh chiếc xe bị trúng bom khiến 2 người thiệt mạng, trong đó có cảnh sát trưởng quận Kabul. Ảnh: AFP
Những quả "bom dính" còn nhắm vào các nhà báo, thành viên các cơ quan tư pháp và những nhà cải cách xã hội ở Afghanistan.
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Andarabi đổ lỗi cho Taliban, trong khi nhóm nổi dậy này đổ trách nhiệm cho lực lượng an ninh, cáo buộc họ sử dụng các vụ đánh bom để làm mất uy tín của Taliban và phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình hòng nắm giữ quyền lực.
Một chuyên gia bảo mật hàng đầu nói với Asia Times rằng, trên thực tế, bom dính có thể bị phá hủy. “Chúng rẻ và hiệu quả - Taliban luôn rất sáng tạo”. Chuyên gia này cho rằng: “Những quả bom dính có thể bị vô hiệu hoá bởi các thiết bị gây nhiễu công suất tương đối thấp khi bạn muốn bảo vệ khu vực quanh xe ô tô của mình”.
Anh thợ cơ khí Massoud ở Kabul cho biết mỗi khi có khách hàng mới anh lại lo ngay ngáy. “Hễ khi nào có tài xế đưa ô tô tới sửa chữa, tôi lại canh cánh lo sợ có một quả bom dính nằm đâu đó trong xe”, Massoud nói.
Còn anh lái xe taxi Dil Agha thì chia sẻ rằng anh rất sợ khi có trẻ em hay người ăn xin lảng vảng giữa các ô tô. Anh cố tránh xa cả các xe cộ của chính phủ, đề phòng các xe này bị đánh bom. Agha nơm nớp lo mỗi ngày đi làm có thể là lần cuối cùng trong đời mình. Agha nói: “Chúng tôi sợ mọi người, trẻ em đường phố và những người ăn xin, ai trong số họ cũng có thể là người gắn bom dính lên ô tô của chúng tôi, đặc biệt là ở khu vực đông người”.