Boeing muốn là “sứ giả” hòa giải Mỹ - Trung

Trang Trần |

Là một trong những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề nhất vì tác động của chiến tranh thương mại...

Là một trong những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề nhất vì tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hãng sản xuất máy bay Boeing tích cực đóng vai trò “sứ giả hòa bình” trong cuộc thương chiến giữa hai siêu cường kinh tế.

Kết nối hai phía Trung Quốc - Mỹ

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội Các hãng hàng không

châu Á - Thái Bình Dương tại đảo Jeju, Hàn Quốc mới đây, Phó chủ tịch phụ trách marketing của Boeing, ông Randy Tinseth cho biết, tập đoàn luôn nhấn mạnh quan điểm đàm phán vì lợi ích chung với cả hai phía Bắc Kinh - Washington.

Boeing đã vận động chính quyền hai nước từ rất lâu bởi cách đây hơn 3 tháng ông Dennis Muilenburg, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Boeing cũng tiết lộ, tập đoàn này đã bàn bạc với chính quyền hai nước và tiếng nói của họ đã được lắng nghe.

Không ngẫu nhiên khi Boeing lại tích cực trong vai trò hòa giải giữa Washington - Bắc Kinh. Hãng này là một trong những doanh nghiệp Mỹ đang rất cần thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi là nhà xuất khẩu lớn nhất tại Mỹ. 80% những gì Boeing chế tạo đều được chuyển ra nước ngoài nên việc xây dựng môi trường thương mại tự do, mở rộng và công bằng là điều rất quan trọng”, ông Tinseth nói.

Boeing dự kiến sẽ bán hàng nghìn máy bay mới, trị giá 1,1 nghìn tỉ USD cho Trung Quốc trong 2 thập kỷ tới trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới đang được dự đoán sẽ “chiếm ngôi” Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất hành tinh tại thời điểm đó.

“Thành thực, Boeing có rất nhiều đối tác tại Trung Quốc. Tất cả các máy bay mà chúng tôi đang chế tạo đều có các bộ phận và lắp ráp từ Trung Quốc nên nghiệp đoàn Boeing rất chú trọng vào mối quan hệ với Bắc Kinh”, theo vị Phó chủ tịch hãng Boeing - ông Randy Tinseth.

Thiệt đủ đường nếu thương chiến kéo dài

Chiến tranh thương mại lâu dài sẽ là tin xấu với Boeing bởi tập đoàn này đang cùng với các nhà cung cấp và một số khách hàng tại Trung Quốc đầu tư vào dây chuyền chế tạo máy bay Boeing 737 tại Châu Sơn, Triết Giang, hứa hẹn trở thành nhà máy sản xuất đầu tiên của Boeing bên ngoài nước Mỹ.

Nhà máy này chủ yếu chế tạo cho khách hàng Trung Quốc, dự kiến mở cửa vào đầu năm tới. Một trong những đối tác chính của Boeing trong dự án này chính là tập đoàn do chính quyền Bắc Kinh sở hữu có tên Nghiệp đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac).

Theo ông Tinseth, khi chia sẻ với phía Trung Quốc, Boeing đã nhấn mạnh, nhà máy tại Châu Sơn cũng có lợi cho cả Comac và các hãng hàng không tại đại lục. “Đó thực sự là mối quan hệ cả hai bên cùng có lợi nên chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy”, vị Phó chủ tịch Boeing nói.

Không chỉ đứng trước rủi ro dang dở đại kế hoạch trên, Boeing còn có nguy cơ mất đơn hàng vào tay đối thủ Airbus. Hãng hàng không Xiamen Airlines, khách hàng trung thành của Boeing trong 3 thập kỷ qua đã tuyên bố, đang đàm phán với Airbus - đối thủ châu Âu của Boeing về máy bay thân hẹp.

Tuy nhiên, trong một chia sẻ trước đó, ông Dennis Muilenburg, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Boeing bác bỏ khả năng Airbus có thể “nẫng tay trên” của Boeing tại Trung Quốc.

“Không thể có chuyện bất ngờ chuyển đổi đơn hàng. Điều cần nhất lúc này là tìm ra các giải pháp thương mại thiết thực. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi phải làm việc với cả hai chính phủ. Tôi tự tin, cả hai đều hiểu giá trị cao của ngành không gian vũ trụ và ý nghĩa của ngành này đối với thịnh vượng của nền kinh tế hai nước”.

Dù tự tin như vậy nhưng ông Tinseth thừa nhận, còn rất nhiều vấn đề mà công ty “có thể hoặc không thể kiểm soát” nên cách hãng sản xuất máy bay hàng đầu này xử lý đó là hoạt động như bình thường.

Trước những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, ông Tinseth khẳng định: “Boeing sẽ tiếp tục sát cánh với khách hàng... Chúng tôi lạc quan có thể vượt qua vấn đề này nhưng đồng thời cũng phải giám sát sát sao”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại