Đại diện của Boeing, đơn vị sản xuất chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Lion Air chở 189 người đâm xuống Biển Java ngày 29/10 vừa qua, đã đến Indonesia để thu thập thông tin và hỗ trợ điều tra. Các điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cũng sẽ tham gia vào tiến trình này.
Sự hiện diện của phía Mỹ tại Indonesia sẽ tập trung vào việc phát hiện bất cứ vấn đề nào có thể có với chiếc máy bay của thế kỷ 21 này. Máy bay gặp nạn là 1 chiếc Boeing 737 MAX 8, mẫu bán chạy nhất của tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới và cũng là một trong những phiên bản mới nhất của dòng 737, được coi là chủ lực của hệ thống hàng không Mỹ.
Loại máy bay này có hệ thống dữ liệu kỹ thuật cao được thiết kế để gửi lượng thông tin lên đến hàng trăm gigabyte xuống mặt đất trong khi bay, trong đó có màn hình trong boong máy bay, dữ liệu bảo trì, thông tin phần mềm và tình trạng của động cơ.
Theo website của Boeing, mọi chiếc Boeing 737 MAX 8 đều có Hệ thống mạng lưới trên máy bay (Onboard Network System). Ngoài đơn vị sản xuất Boeing, hãng chế tạo động cơ cho MAX 8 là CFM cũng có thể nhận được các dữ liệu này.
Tuy nhiên, các hãng hàng không có quyền lựa chọn có đăng ký nhận tải về các dữ liệu đó và hiện chưa rõ liệu Lion Air có đăng ký tải dữ liệu hay không.
Đại diện của Boeing chưa bình luận về việc Boeing có thu thập thành công các dữ liệu về chuyến bay này hay không. Đại diện của General Electric, đơn vị sở hữu một phần hãng chế tạo động cơ CFM, cũng từ chối trả lời về vấn đề này.
Trong vụ tai nạn bí ẩn nhất lịch sử hàng không, khi máy bay mang số hiệu MH 730 của Malaysia Airlines chở 239 người mất tích ở Ấn Độ Dương năm 2014, Rolls Royce, hãng chế tạo động cơ cho chiếc máy bay trên, cũng nhận được dữ liệu dù Malaysia Airlines không đăng ký nhận dữ liệu./.