Sự sụp đổ của Thể thao Trung Quốc
Thế vận hội tại Brazil đang trôi về những ngày thi đấu cuối cùng. Trước ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, nhiều người đã dự đoán Mỹ sẽ vượt lên Trung Quốc để giành ngôi nhất toàn đoàn sau khi nhiều đội tuyển của Nga bị cấm dự Olympic.
Nhưng cục diện hiện tại ở Rio là điều có lẽ không nhiều người đã nghĩ tới, khi mà Mỹ đang chiếm ngôi đầu tuyệt đối với 30 tấm HCV còn Trung Quốc vật lộn ở vị trí thứ 3, xếp sau đoàn thể thao Vương quốc Anh.
Vậy nguyên nhân là gì mà cường quốc thể thao từng giành đến 51 HCV ở Bắc Kinh lại đang trượt dài như vậy?
Ba kì thế vận hội gần nhất, Trung Quốc luôn cán đích ở vị trí thấp nhất là á quân. Sau 32 HCV giành được tại Athens, họ có một bước tiến dài đến con số 51 HCV để vượt qua Mỹ, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.
Lúc ấy, người ta đã nói về "con hổ Trung Quốc" trên mặt trận thể thao bên cạnh những chuyển biến thần kỳ đến từ kinh tế.
416 vận động viên Trung Quốc trong lễ khai mạc Olympic Rio 2016 (Nguồn : Internet).
Nhiều người nói Trung Quốc có lợi thế sân nhà và rồi họ khẳng định sức mạnh bằng 38 HCV ở London, bỏ xa đoàn thứ 3 là Nga, chỉ chịu thua Mỹ. "Con hổ Trung Quốc" vẫn gầm lên những âm thanh hết sức mạnh mẽ.
Mang đến Rio 416 vận động viên ưu tú nhất, Trung Quốc không bỏ qua tham vọng đoạt ngôi vương, và rồi từng ngày trôi qua, thể thao nước này trượt dài một cách khó hiểu.
Dù cho họ sẽ có thêm những HCV tiếp theo để vượt qua đoàn Anh thì vẫn không thể phủ nhận một kỳ thế vận hội vô cùng thất vọng với thể thao Trung Quốc. Và người ta lại đặt câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc chỉ là "con hổ giấy"?
Thất bại trong chính sở trường
Nhìn vào chặng đường của thể thao Trung Quốc tại Rio, có thể thấy nguyên nhân đến từ những thất bại liên tiếp ở những nội dung thế mạnh, thậm chí là thống trị.
Đầu tiên, phải nói đến thể dục dụng cụ. Trung Quốc từng giành đến 11 HCV ở Bắc Kinh, 5 HCV ở London và rồi với 20 cái tên, họ chỉ có vỏn vẹn 2 HCĐ và xếp thứ 9 chung cuộc. Thời kì hoàng kim của TDDC Trung Quốc đã qua đi, và họ đổ lỗi do thế hệ kế cận chưa có kinh nghiệm thi đấu.
TDDC Trung Quốc trượt dài ở Rio 2016.
Thứ hai là bơi lội. Bơi lội Trung Quốc từng làm cả thế giới phải kinh ngạc ở London với SunYang và Ye Shiwen.
Trong khi SunYang vẫn còn có được 1 HCV nhưng nhận vô số chỉ trích từ báo giới sau những hành động không đẹp thì "siêu nhân" Ye từng bơi nhanh hơn cả Lochte 100m bơi tự do ở London hoàn toàn không còn là chính mình.
Điều này lại làm bùng lên những nghi ngờ liên quan đến doping với cả hai cái tên này, trên thực tế thì chính Sun đã từng dính doping.
Thứ 3, nỗi đau lớn khác đến từ cầu lông. Từng thống trị tuyệt đối ở London nhưng đến giờ phút này Trung Quốc chỉ có thể hy vọng HCV ở đơn nam và đôi nam. Và trên thực tế khả năng HCV ở cả hai nội dung này vẫn không phải là tuyệt đối như cách đây 4 năm.
Cầu lông Trung Quốc cũng liên tiếp thất bại.
Cuối cùng là đội tuyển bắn súng. Là cường quốc số 1 trên thế giới ở môn này nhưng các tay súng chỉ mang về có 1 HCV dù họ luôn luôn dẫn đầu vòng loại.
Áp lực thành tích
Cùng là những "con hổ" của thể thao thế giới, nhưng trái ngược với Mỹ hay Nga, Trung Quốc có một cách làm thể thao tương đối khác. Họ đào tạo vận động viên trong một chế độ hà khắc và gần như cô lập với thế giới bên ngoài.
Họ bị ép những bài tập cực nặng từ khi còn là những đứa trẻ và hơn hết, họ bị đặt trong áp lực vô cùng lớn về những tấm huy chương.
Trung Quốc vươn lên đỉnh thế giới bằng những môn ở nhóm 2 Olympic, tức là những môn có sau và thể hiện sự thống trị gần như tuyệt đối. Có thể kể đến là bóng bàn, nhảy cầu và cầu lông.
May cho Trung Quốc là bóng bàn vẫn mang lại cho họ nhiều HCV.
Bên cạnh đó là sức mạnh ngày một được khẳng định ở cử tạ, bắn súng. 2 môn thể thao danh giá nhất Olympic là điền kinh và bơi, các môn cần có một chiến lược đầu tư dài thì Trung Quốc chưa thể vươn tầm thế giới hay có những vận động viên cầm chắc những tấm HCV.
Nhiều VĐV Trung Quốc do cường độ tập luyện nặng hay do áp lực không thể thi đấu tốt trong khi những môn họ áp đảo đang ngày ngày bị các nước còn tương đối kém phát triển tấn công.
Mặt khác, tâm trạng không có đối thủ đôi khi khiến các VĐV rơi vào trạng thái chán nản, không có động lực thi đấu. Đó chính là điểm yếu của thể thao Trung Quốc.
Khi những đội tuyển ra quân như bắn súng, thể dục, bơi không đạt kết quả tốt, cả đoàn thể thao Trung Quốc rơi vào trạng thái khát huy chương để hoàn thành chỉ tiêu, để rồi các VĐV không vượt qua được áp lực từ chính bản thân mà nhanh chóng thất bại ở nhiều môn như Rowing, Canoing, Vật, Teakwondo.
Càng có nhiều vận động viên thất bại, hiệu ứng lan truyền càng gia tăng, ai dám chắc những cái tên còn lại, những niềm hy vọng vàng của thể thao Trung Quốc có thể thi đấu đúng phong độ để có được tấm HCV hay không?
Những thất bại càng làm thể thao Trung Quốc thêm áp lực và trượt dài?
Nhìn một cách tổng thể, phong cách "hổ" của thể thao Trung Quốc chưa cho thấy sự toàn diện. Họ không có được sự ổn định từ nền thể thao phong trào hay thể thao sinh viên mà chỉ là việc đào tạo cục bộ vận động viên theo nhóm từ nhỏ.
Họ không cho thấy sự toàn diện ở nhiều môn thể thao, đặc biệt là những môn thể thao nhóm 1, để rồi không có được sự ổn định. Và cuối cùng là nền thể thao mới nổi với quá nhiều áp lực về mặt thành tích và nó ngẫu nhiên trở thành con dao hai lưỡi giết chết các vận động viên.
Không thể gọi một cường quốc thể thao không có đối thủ ở châu Á và đều nằm trong top 3 ở 4 kỳ Olympic gần nhất là "hổ giấy" nhưng nếu mang "con hổ Trung Quốc" ra so sánh với "con hổ Mỹ" thì vẫn còn là quá khập khiễng.
Trung Quốc khát khao một siêu nhân như Michael Phelps của Mỹ.
Và thêm một điều, một con hổ dữ cần có những chiếc răng sắc nhọn, trong khi Mỹ có những siêu kình ngư Michael Phelps, Katie Ledecky, Ryan Murphy hay cô gái vàng 1m40 Simone Biles thì Trung Quốc không có một cái tên nào thật sự ấn tượng.
Trở thành cường quốc thể thao không phải chuyện một sớm một chiều, làm thể thao kiểu Trung Quốc lấy tốc độ mà quên đi sự bền vững, lấy áp lực thành tích mà quên đi các vận động viên. Đó chính là lí do mà nhiều người đang gọi "con hổ Trung Quốc" là "con hổ giấy".