Chiêu tiếp thị phổ biến của một số chủ đầu tư hiện nay là dùng thông tin mù mờ “thổi” vị trí và tiện ích lên mây. Nhưng nếu đi thực tế khách hàng sẽ thấy mọi thứ hoàn toàn ngược lại.
“Bơm thổi” lên hoành tráng…
Là tuyến giao thông huyết mạch nối sân bay Tân Sơn Nhất với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, đại lộ Phạm Văn Đồng đưa vào sử dụng được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho cửa ngõ phía Đông, giảm tải cho Xa lộ Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đã xây dựng chiến lược phát triển dự án “ăn theo” tuyến đường này, đơn cử như Công ty Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (Địa ốc Đất Xanh).
Theo tìm hiểu của PV, Địa ốc Đất Xanh hiện đang sở hữu ít nhất 3 dự án nằm ven đại lộ Phạm Văn Đồng, trong đó có dự án căn hộ cao cấp sắp mở bán Opal Garden.
Dự án này toạ lạc trên đường số 20, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức và đang trong giai đoạn thi công phần móng. Thế nhưng thông tin quảng bá dự án đã tràn ngập trên khắp phương tiện truyền thông với những lời quảng cáo có cánh.
Dự án Opal Garden của Địa ốc Đất Xanh đang trong giai đoạn thi công phần móng.
Theo đó, Opal Garden là dự án căn hộ cao cấp có quy mô 4 block cao 16 tầng gần 400 sản phẩm; gồm căn hộ 2, 3 phòng ngủ; shophouse, penthouse… với 25 tiện ích cao cấp.
Vị trí của Opal Garden được giới thiệu nằm ngay vị trí đẹp nhất của đại lộ Phạm Văn Đồng, thuận lợi kết nối với các khu vực trung tâm thành phố và các quận lân cận trong vài phút di chuyển.
Lợi điểm giao thông của Opal Garden còn được “đẩy” lên khi chủ đầu tư quảng bá, vị trí từ dự án di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất chưa đầy 15 phút; đi bán đảo Thanh Đa, làng du lịch Bình Quới và Bến xe Miền Đông chỉ 10 phút; thậm chí vào trung tâm thành phố như Q.Bình Thạnh hay Q.1 cũng chỉ mất 15 phút.
Khách hàng mua căn hộ tại dự án Opal Garden được nhân viên sale tại một sàn giao dịch trên đại lộ Phạm Văn Đồng, cho biết, dự án sắp mở bán trong tháng 9, nếu bây giờ đặt tiền giữ chỗ thì sẽ được ưu tiên chọn căn. “Opal Garden có vị trí đẹp nên anh khỏi lo, mua đầu tư cũng rất tốt”, nữ nhân viên sale này nói.
Ngoài những thông tin giới thiệu cơ bản về dự án, T. tiết lộ khu đất nằm ngay đầu đường số 20 trong tương lai sẽ là trung tâm thương mại lớn. Con đường số 20 đi vào dự án sau này sẽ được mở rộng lộ giới 20 mét (!?)
Dù dự án được quảng cáo vị trí kèm theo những tiện ích nghe khá “bùi tai” như trên, nhưng qua khảo sát thực tế, điều kiện giao thông từ Opal Garden không được như vậy. Thậm chí theo đánh giá của giới đầu tư bất động sản thì, dự án này có địa thế rất “bí bách”.
Thực tế trái ngược
Để đi vào dự án Opal Garden nhanh nhất từ đại lộ Phạm Văn Đồng, những cư dân tương lai sẽ phải di chuyển theo đường số 20 hoặc đường số 19. Theo quan sát thực tế của PV, đường số 20 hiện nay khá hẹp chỉ 2 xe ô tô đi ngược chiều đã có thể gây ùn tắc.
Một bên là khu dân cư hiện hữu, còn một bên là bãi đất hoang, nơi nhân viên bán hàng của Địa ốc Đất Xanh cho biết sẽ là trung tâm thương mại hiện đại trong tương lai, cỏ mọc um tùm.
Bên cạnh đó, đường số 21 nối đường số 19 đến dự án Opal Garden cũng không hề rộng rãi.
Làm một phép tính đơn giản, với gần 400 căn hộ với ít nhất 3 người/căn, nếu được lấp đầy số người sinh sống tại dự án Opal Garden trong tương lai sẽ là 1.200. Bài toán ùn tắc giao thông là hết sức nan giải khi hai con đường đi vào dự án đều chật hẹp như nhau.
Chưa kể, sau mỗi trận mưa lớn, đường số 21 nối từ đường số 19 đến dự án Opal Garden lại thường xuyên bị ngập nước.
Một dự án khác dù toạ lạc tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhưng cũng lấy đại lộ Phạm Văn Đồng làm “miếng mồi” hút khách mua. Đó là dự án Him Lam Phú Đông do Công ty Him Lam Land phát triển.
Theo quảng bá, từ Him Lam Land cư dân có thể kết nối với các quận nội thành TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất chỉ trong 15-20 phút. “Him Lam Phú Đông thừa hưởng tất cả các tiện ích cao cấp hiện hữu đảm bảo giá trị gia tăng mạnh mẽ trong thời gian ngắn”, một lời quảng cáo trên mạng về dự án này.
Cũng lấy đại lộ Phạm Văn Đồng để “đánh bóng" dự án của mình, dự án 4S Riverside Linh Đông của Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc cũng có những lời giới thiệu có cánh tương tự như từ dự án có thể di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ trong vòng 15 phút.
So với đường Kha Vạn Cân thường xuyên ùn tắc và ngập nước sau mỗi trận mưa trước đây, dù giao thông trên đại lộ Phạm Văn Đồng đã cải thiện rất nhiều. Song nhiều ý kiến cho rằng cách tiếp thị dự án kiểu “nổ banh trời” như nói ở trên là không phù hợp với thực tế.
Trên thực tế, tình trạng kẹt xe trên tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng hướng về sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian gần đây đang là vấn đề “nóng”, như tại nút giao với đường Nguyễn Xí, Phan Văn Trị, Lê Quang Định…
Để giải quyết vấn đề này cơ quan quản lý phải “mở” lối lưu thông cho xe gắn máy đi vào làn xe ô tô trong những khung giờ cố định.
Với thực trạng giao thông như vậy, nhưng các chủ đầu tư vẫn giới thiệu những lời có cánh để "đánh bóng" dự án của mình như, giao thông thuận tiện, di chuyển đến trung tâm và các khu vực lân cận dễ dàng, giới đầu tư bất động sản cho rằng, thực chất đây chỉ là chiêu phô trương dự án nhằm mục đích lôi kéo khách hàng.
Về vấn đề quảng bá dự án một cách thái quá, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đang tồn tại tình trạng nhiều chủ đầu tư cố ý “thổi phồng” dự án của mình, nào là dự án thiết kế có không gian xanh bao phủ, căn hộ tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng trên thực tế thì không được như vậy.
Các tiêu chuẩn cũng rất mơ hồ, không kiểm chứng được. Nhân viên sale thì không thiếu chiêu thức quảng cáo để làm sao bán hàng một cách nhanh nhất.
“Tôi thấy có dự án quảng cáo di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ trong 10 phút. Nhưng thực tế, chắc phải đi bằng máy bay hay đi cả tiếng đồng hồ mới tới nơi”, ông Đực nói về việc quảng cáo dự án của một số chủ đầu tư.