Bộc lộ mâu thuẫn gay gắt giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường

Hoài Nam |

Đấu tranh quyền lực Trung Quốc phát triển nóng: Ai là Tổng bí thư sau 2022?

Hội nghị hàng năm của cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà vừa rồi rất ít thông tin được tiết lộ ra ngoài.

Theo các nhà quan sát, không có cuộc thảo luận cụ thể nào về các ứng cử viên kế nhiệm ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Tập dường như đang tìm mọi cách mở đường cho việc kéo dài nhiệm kỳ của mình.

“Thái tử” chưa được xác định

Nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được thay đổi tại Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 19 vào mùa Thu năm 2017. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 sắp tới sẽ bàn về Đại hội 19, nhưng ngôi vị “thái tử” kế nhiệm Tổng bí thư chưa được tiết lộ.

Nếu ông Tập Cận Bình lùi về phía sau, vị trí tương lai của ông ta sẽ đầy rủi ro, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào ban lãnh đạo mới.

Ông Tập trong gần 4 năm qua đã tạo ra những chấn động trong Đảng Cộng sản và xã hội Trung Quốc: Chống tham nhũng, “đả hổ” rất nhiều; tái cơ cấu quân đội, loại bỏ nhiều tướng lĩnh cao cấp thuộc cánh ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào; tập trung cao độ quyền lực vào tay Tổng bí thư.

Nhiều việc trước kia thuộc quyền hạn của Thủ tướng nay được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng bí thư. Chống tham nhũng trở thành con dao vạn năng để xử lý quyền lực.

Những thay đổi chính trị ở cấp tỉnh đang diễn ra. Tại Thiên Tân, Bí thư tỉnh ủy là đồng minh thân cận của ông Tập Cận Bình, đã bị thay thế bằng một người thân cận của ông Giang Trạch Dân; trong khi cuộc điều tra những gian lận về bầu cử tại tỉnh Liêu Ninh đã được bắt đầu.

Ông Tập Cận Bình muốn đưa những người trong phe cánh của mình vào Bộ chính trị của Đảng gồm 25 thành viên tại Đại hội đảng 13 vào năm 2017, nhằm chuẩn bị cho khả năng làm lãnh đạo trong tương lai, đồng thời ngăn chặn sự nổi lên của các ứng cử viên có thể đe dọa chức vụ của ông.

Khi kết thúc nhiệm kỳ 2, ông Tập đã đến tuổi 69. Ông Tập chỉ có thể kéo dài nhiệm kỳ nếu đại hội đảng đồng ý thay đổi quy định bất thành văn.

Một quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không cần thông báo việc thay đổi quy định này vì nó là một thỏa thuận ngầm. Ông Tập Cận Bình đã thực hiện sẵn những biện pháp để làm cho thỏa thuận này trở nên có hiệu quả.

Nó cũng liên quan việc Hiến pháp Trung Quốc quy định Chủ tịch nước chỉ được nắm giữ tối đa hai nhiệm kỳ, tổng cộng 10 năm. Ông Tập Cận Bình cũng có thể chuyển vị trí Chủ tịch nước cho một người mà ông có thể kiểm soát được.

Việc tách chức vụ Tổng bí thư đảng và chức vụ Chủ tịch nước đã từng xảy ra trong quá khứ, đều do tương quan quyền lực trong ban lãnh đạo cấp cao quyết định.

Nếu nội bộ đảng đạt được sự thống nhất về vấn đề này, Hiến pháp cũng có thể được thay đổi để kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch nước, liên đới nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng.

Mâu thuẫn bộc lộ

Theo một quy định bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ từ chức vào năm 2022, trong khi ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng, người thuộc phái Đoàn Thanh niên (như ông Hồ Cẩm Đào), sẽ vẫn nằm trong nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng.

Theo quy định này, các đảng viên không tham gia ban lãnh đạo mới sau khi bước vào tuổi 68. Ông Lý Khắc Cường trẻ hơn ông Tập Cận Bình 2 tuổi và sẽ là 67 tuổi vào năm 2022. Vì vậy, ông Lý có thể bị thay thế.

Mâu thuẫn bộc lộ ra ngoài tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3 năm nay. Khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo, ông Tập không tham gia vỗ tay; khi ông Lý trở về chỗ ngồi cạnh ông Tập, ông Tập cũng không bắt tay như từng trước đây.

Mâu thuẫn cũng bộc lộ tại Trung Nam Hải: giữa Bắc Viện (cơ quan chính phủ) và Nam Viện (cơ quan Trung ương đảng).

Nhân dân Nhật báo – cơ quan của ĐCS Trung Quốc – đã đăng một số bài đả kích chủ trương kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Một quan chức cấp cao của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc từng nói rằng hai năm trước Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ không cho phép ông Tập Cận Bình phá vỡ quy định bất thành văn đó, vốn được bắt đầu trong giai đoạn của ông Đặng Tiểu Bình và được thực hiện qua hai đời Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, tiết lộ này được đưa ra trước khi Lệnh Kế Hoạch, người từng phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng, thuộc phái Đoàn thanh niên, bị thanh trừng cuối năm 2014. Lệnh Kế Hoạch là cộng sự thân tín của ông Hồ Cẩm Đào.

Các thế lực trong Đảng của ông Tập Cận Bình đã thông báo kế hoạch cải cách Đoàn thanh niên, nhằm làm suy yếu phái này.

Ngoài ra, nếu ông Tập Cận Bình thật sự tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình, ông sẽ cần vượt qua một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là giành được sự ủng hộ của hai nhà lãnh đạo tiền bối là ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân.

Hiện chưa thể dự đoán liệu ông Tập Cận Bình đã đạt được thỏa hiệp nào với các nhà lãnh đạo tiền bối, hay liệu ông đã ngồi trên ghế nóng. Quyền lực chính trị là thứ không thể được ban tặng mà phải đấu tranh giành giật./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại