Việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng là một trong 8 nội dung triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Tuy nhiên, ngành y tế lại cho rằng, thu phí các cuộc gọi đến tổng đài nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng, duy trì tổ trực điện thoại viên tiếp nhận phản ánh; hạn chế những cuộc gọi với mục đích quấy rối và các cuộc gọi không đúng phạm vi, giúp cán bộ y tế tập trung vào công tác khám chữa bệnh.
Giá cước phí cuộc gọi của Tổng đài 1900-9095 là 1.000đ/phút và đã thông báo giá cước cuộc gọi cho người dân biết trên hệ thống tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân.
Cũng theo Bộ Y tế, qua tham khảo, cước phí các cuộc gọi đến đầu số Tổng đài được quy định có giá cao nhất là 13.636đ/phút và cước phí gọi đường dây nóng của một số Bộ, ngành, trung bình ở mức 2.000-3.000 đồng/phút.
Rõ ràng Bộ Y tế làm rất đúng luật nhưng có phù hợp hay không thì lại là câu chuyện dài cần xem xét. Bởi, lập ra đường dây nóng, Bộ Y tế với mong muốn là sẽ nhận được những ý kiến góp ý, phát hiện tiêu cực, nhũng nhiễu… để xây dựng ngành, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Vậy thì sao người dân khi có thông tin tiêu cực, muốn báo cho Bộ Y tế mà lại phải trả tiền? Đấy là chưa kể, một số Bộ, ngành đã có cơ chế mua lại tin tố cáo tiêu cực, tham nhũng với giá hàng triệu đồng. Trong khi, “đường dây nóng” lập ra không phải với mục đích làm dịch vụ mà Bộ Y tế lại thu phí!
Một điều nữa, thực tế những ai hay bị nhũng nhiễu khi vào khám chữa bệnh? Là dân nghèo, là những người không có tiền, không cung phụng, không chiều được những y bác sĩ hay nhũng nhiễu người dân trong các bệnh viện.
Với vài đồng phí điện thoại của những người có điều kiện thì chẳng là gì vì họ có điều kiện để phong bì, phong bao tốt hơn nên ít bức xúc hơn dân nghèo. Nhưng với người nghèo hay ốm đau, phải chắt chiu từng đồng bạc, thậm chí nhiều khi chỉ dùng điện thoại là “ám hiệu” với người nhà để xuống đón hoặc ra gặp thì việc thu phí khi người dân phản ánh bức xúc là điều cần cân nhắc.
Đường dây nóng xây dựng ra để làm gì? Để người dân phản ánh, đóng góp ý kiến xây dựng cho ngành y tế và các bộ, ngành khác. Đường dây nóng giống như một công cụ “giám sát” giúp cho tai mắt của ngành đó được “cài cắm” ở khắp nơi.
Thử hỏi, cơ quan, đơn vị nào cũng “nuôi” một bộ máy thanh tra, kiểm tra nội bộ, nhưng một năm lực lượng này phát hiện được bao nhiêu vụ việc tiêu cực trong ngành?
Còn nhớ hồi đầu năm nay, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo, trong giai đoạn từ 2005-2015, Bộ này không phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Kết quả này khiến ai nghe được cũng phải lắc đầu cười mỉa, bởi hàng ngày họ chứng kiến quá nhiều việc chướng tai, gai mắt của ngành này nhưng đâu có được xử lý.
Trở lại câu chuyện lấy tiền đâu để nuôi hệ thống tổng đài đường dây nóng Bộ Y tế? Có thể “chia” tiền một cách thủ công rằng, nếu một bộ máy thanh tra của ngành bị vô hiệu hóa, hoạt động không hiệu quả, có thể lấy bớt kinh phí ấy để nuôi cái hệ thống máy móc có tác dụng nghìn lần kia thì sẽ tốt hơn.
Một lý do nữa được Bộ Y tế đưa ra là thu phí để hạn chế các cuộc gọi quấy nhiễu liệu có thuyết phục? Bởi nếu thông tin phá rối và thông tin xây dựng có mức phí như nhau thì có đáng và thông tin gây nhiễu, phá hoại chỉ bị trừ 1.000 đồng thì có rẻ quá không?
Để tránh những tin rác, tin nhiễu thì ngành y tế và các đơn vị viễn thông phải có cơ chế kiểm soát hiệu quả chứ không thể đánh đồng tốt xấu như vậy được.
Ấy là chưa kể, nếu với cách làm như hiện nay, người dân tẩy chay đường dây nóng của Bộ Y tế thì cũng đồng nghĩa với hết nguồn thu thì lấy đâu kinh phí để duy trì hệ thống. Hệ quả dễ thấy là mục tiêu lập đường dây nóng sẽ thất bại.
Nếu vì mục đích xây dựng hệ thống dịch vụ công tốt đẹp, hiệu quả hơn thì ngành y tế và các bộ, ngành khác có đường dây nóng đang tính phí điện thoại với người dân nên cân nhắc!/.