Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết, thời hạn thanh tra đối với Pepsico Việt Nam là 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7/9; thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến nay và các thời kỳ trước có liên quan.
Việc thanh tra Pepsico là theo kế hoạch, không phải thanh tra đột xuất.
Đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc bảo đảm ATTP của công ty; kiểm tra, xác minh trực tiếp một số cơ sở phân phối các sản phẩm của công ty; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì…
Đoàn cũng có nhiệm vụ phát hiện các sơ hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, đoàn sẽ kết luận cụ thể các nội dung đã thanh tra.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, đoàn sẽ xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Y tế đã thanh tra hai công ty trong ngành nước giải khát là Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Công ty TNHH URC Việt Nam.
Đoàn thanh tra đã phát hiện hai doanh nghiệp trên có nhiều vi phạm các quy định về ATTP nên đã đưa ra biện pháp xử lý.
Cụ thể, Bộ Y tế đã yêu cầu 6 tỉnh, thành phố giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 loại nước uống bổ sung của Coca-Cola Việt Nam vì chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp để sản xuất thực phẩm bổ sung; xử phạt công ty 433 triệu đồng, đồng thời thu hồi 1 lô sản phẩm nước uống bổ sung.
Với Công ty TNHH URC Việt Nam, Bộ Y tế đã xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là 5,826 tỷ đồng; buộc URC khắc phục ngay điều kiện kho bảo quản; thu hồi tối đa 2 lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép để xử lý theo quy định.
Theo kế hoạch, trong năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra về ATTP tại Công ty cổ phần thực phẩm quốc tế Wonderfarm.