Do vậy, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh này ở Hà Nội giảm, nhưng chưa bền vững…
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp cho biết, đến ngày 30/8, Hà Nội ghi nhận 22.296 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc trong tuần qua (21/8-27/8) là 2.912 ca giảm 18% so với tuần trước đó (14/8-20/8) (3.524 trường hợp).
Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số ca mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô có xu hướng giảm nhưng vẫn có 11 quận, huyện trọng điểm có số ca sốt xuất huyết chiếm 90% số bệnh nhân toàn thành phố.
"Do đó Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu giao ban hàng ngày với Sở Y tế về công tác phòng chống dịch và phê bình nghiêm túc quận, huyện nào để dịch bệnh gia tăng"- bà Trần Thị Nhị Hà- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói
Qua hoạt động giám sát của Bộ Y tế và ngành y tế Thủ đô cũng phát hiện khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả và vẫn còn 20% số gia đình có ổ bọ gậy.
Cũng tại cuộc họp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, mật độ muỗi và bọ gậy ở Hà Nội vẫn có xu hướng tăng sau 1 tuần phun hóa chất diệt muỗi và tổ chức tìm diệt bọ gậy, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho muỗi sinh sản và bọ gậy phát triển nên dịch bệnh ở Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương dẫn chứng từ thực tiễn: Tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, trước khi phun hóa chất, chỉ số mật độ muỗi là 0,23, sau khi phun 1 ngày, chỉ số này trở về 0.
Tuy nhiên, sau 7 ngày lại lên 0,05. Còn tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, chỉ số mật độ muỗi trước khi phun là 0,7, sau phun 1 ngày trở về 0 nhưng sau 7 ngày lại lên 0,2.
Một ổ bọ gậy sắp nở thành muỗi được các chuyên gia tìm thấy từ lọ cắm cây phất lộc của một nhà dân trên phố Thụy Khuê- Quận Tây Hồ-Hà Nội
Đặc biệt, chỉ số về bọ gậy, tại phường Thịnh Liệt, trước khi diệt bọ gậy, chỉ số các dụng cụ chứa bọ gậy là 26, sau 1 ngày xử lý giảm còn 12 nhưng sau khi xử lý 7 ngày lại tăng lên 21.
Tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, trước khi xử lý bọ gậy thì chỉ số này là 20, sau 1 ngày xử lý giảm còn 7, nhưng 7 ngày sau lại tăng lên 21.
Lý giải điều này theo PGS.TS Trần Như Dương là do các đội xung kích xử lý các ổ bọ gậy chưa triệt để. Ngoài ra, thời tiết Hà Nội trong tuần vừa rồi một ngày nắng một ngày mưa làm phát sinh thêm nhiều ổ bọ gậy mới.
Bất cứ dụng cụ gì để ngoài trời, đọng nước đều có thể trở thành ổ bọ gậy, thậm chí nhiều ổ chúng ta không ngờ tới. Một số lá khô to cong lên, chum thùng đã lật úp nhưng hơi lõm xuống… chứa nước lập tức có bọ gậy.
"Vì thế, việc xử lý bọ gậy phải làm thường xuyên, thậm chí hằng ngày chứ không phải hằng tuần như lâu nay vẫn tuyên truyền. Đây là vấn đề cốt lỗi để giảm số ca mắc sốt xuất huyết"- PGS.TS Trần Như Dương nói.
Về công tác điều trị, PGS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám hiện nay đã giảm một nửa so với thời kỳ cao điểm…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, công tác chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã hiệu quả hơn. Hai tuần qua, Thủ đô và cả nước không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, trước thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục “lên giây cót”, tăng cường chống dịch, trong đó thực hiện tốt hơn nữa việc tìm diệt bọ gậy, nhân rộng kinh nghiệm hay của những quận huyện làm tốt và xử phạt những trường hợp không hợp tác chống dịch.
Cho rằng dịch bệnh sốt xuất huyết đang phát triển tại Đồng bằng Bắc Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các tỉnh, thành khác triển khai các biện pháp chống dịch như Hà Nội đang làm hiện nay.
“Về lâu dài đối phó với dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/8, cả nước ghi nhận gần 109.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 91.656.
So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 43,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp. Số mắc chủ yếu vẫn tập trung ở miền Nam với 51,2%; miền Bắc là 31,3%; miền Trung 14,3%; khu vực Tây Nguyên là 3,2%.
Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Nam Định, Đà Nẵng…
Số ca mắc trong tuần từ ngày 21-27/8, cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp, giảm 11,4% so với tuần trước từ 14-20/8 (7.102 trường hợp), không có trường hợp tử vong.