Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sau cuộc họp Hội đồng thẩm định (chiều ngày 2/4) về Dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu.
Một số nội dung mà dư luận trước đó quan tâm như, vòng ngực nhỏ, mắc bệnh đường sinh dục, răng vâu… sẽ bị bác bỏ, hoặc sẽ cân nhắc khi có đề xuất của ngành đường sắt.
Theo ông Quang, đối với nội dung "ngực lép" không được lái tàu, Hội đồng thẩm định đã bác bỏ đề xuất này. Bởi các chuyên gia y tế cho rằng, việc đánh giá đường hô hấp của 1 người dự vào dung tích thở sống, chứ không đo vòng ngực.
Đối với nội dung đề xuất trong dự thảo về việc kiểm tra đường tiết niệu, sinh dục đối với lái tàu. Hội đồng thẩm định cho rằng, hiện nay quy định chỉ kiểm tra tiết niệu, không kiểm tra đường sinh dục.
Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ cân nhắc theo đề xuất của ngành đường sắt, vì đặc thù nghề nghiệp người lái tàu không được mắc bệnh tiết niệu sẽ ảnh hưởng quá trình lái tàu. Ví dụ liên tục đi tiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp quá trình chạy tàu.
Về bệnh lý răng hàm mặt từ năm 2001 đã có quy định nếu nhân viên gác ghi (có nhiệm vụ thổi còi) nếu vẩu quá sẽ không thổi được còi.
Sau khi họp bàn và phản biện dự thảo do Cục Y tế, Bộ GTVT và Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra. Hội đồng thẩm định cho rằng, tiêu chuẩn sức khoẻ của lái tàu so với tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe tại Thông tư 24 không có gì đặc thù hơn chỉ khác một chút về đường tiết niệu nên Hội đồng thống nhất áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe ô tô theo Thông tư 24 năm 2015 áp dụng cho người lái tàu.
Được biết, Hội đồng thẩm định gồm đại diện ngành Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Quản lý khám chữa bệnh, đại diện các bệnh viện chuyên khoa như mắt, sản phụ khoa, cơ xương khớp, tai mũi họng, hô hấp…
Trước đó, Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu do Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến khiến dư luận xôn xao.
Theo đó, khi tuyển lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg, lực kéo thân từ 100 kg.
Những trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo, dương vật phải can thiệp sẽ không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Với nữ là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên.
Những trường hợp bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ... cũng không đủ điều kiện để lái tàu, phụ lái tàu.