Chiều 20-11, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng yêu cầu làm rõ về sự việc này.
Trước hết, yêu cầu BV Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ và chăm sóc điều trị tốt nhất cho sản phụ NTH.
Cùng với đó, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em yêu cầu BV Phụ nữ TP Đà Nẵng thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ VTNS và sản phụ NTH.
Nếu BV Phụ nữ TP Đà Nẵng không đủ điều kiện thành lập hội đồng chuyên môn thì Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn. Sau khi có kết luận của hội đồng chuyên môn thì thông báo tới gia đình sản phụ và cơ quan truyền thông.
Xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện Công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29-8-2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.
Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn tại Quyết định số 1088/QĐ-BYT ngày 4-4-2013 của bộ trưởng Bộ Y tế, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR Quốc gia, đồng thời gửi Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em.
Trước đó, vào sáng 17-11, hai sản phụ là chị VTNS (33 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và chị NTH (33 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhập BV Phụ nữ TP Đà Nẵng để mổ sinh.
Sau khi gây tê tủy sống, mổ lấy thai cho bệnh nhân, đến cuối ca mổ thì sản phụ VTNS bất ngờ có biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh nên được chuyển sang BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, sau đó tử vong.
Còn sản phụ NTH thì ngay sau khi gây tê tủy sống đã có biểu hiện tê, đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển chị sang BV Đà Nẵng. Tại đây, sau khi mổ lấy thai nhi, chị H. được chuyển vào Khoa hồi sức tích cực-chống độc trong tình trạng nguy kịch.
Thông tin về sự việc này, ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết sở đã yêu cầu BV Phụ nữ TP Đà Nẵng - nơi xảy ra sự cố tiến hành niêm phong phòng mổ, niêm phong các lô thuốc gây tê và lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.
Đồng thời đề nghị các cơ sở y tế có sử dụng thuốc này tạm ngưng sử dụng, chờ kết quả cuối cùng để tránh trường hợp tương tự.
Được biết loại thuốc gây tê tủy sống mà BV Phụ nữ TP Đà Nẵng sử dụng có tên Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (viết tắt là Bupivaicane), số lô 01DB0619, tổng cộng 250 ống, đã dùng hết 130 ống.
Theo đại diện bệnh viện này, từ tháng 1 đến tháng 7-2019, bệnh viện nhập loại thuốc Marcain spinal Heavy 0,5% 4 ml, sản xuất Cenexi (Pháp) với số lượng 575 ống (kế hoạch được phân bổ 850 ống).
Tuy nhiên, đến tháng 5-2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng. Bệnh viện đã tìm nguồn thuốc thay thế nhưng chỉ có Bupivacaine của Ba Lan.
Từ tháng 5 đến tháng 10, bệnh viện đã nhập tổng số 380 ống, đã sử dụng hết 260 ống. Đơn vị cung cấp thuốc là Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC I Chi nhánh Đà Nẵng.