Để không mắc bệnh
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam ngày 09/3/2020 tình hình dịch Covid-19 trên thế giới ghi nhận 109.650 ca mắc. Tại Việt Nam đã ghi nhận 30 trường hợp mắc, trong đó 16 đã khỏi.
Trong bối cảnh dịch bệnh mới đang tăng ca mắc ở Việt Nam, Bộ Y tế lưu ý người dân những vấn đề sau:
- Sống lành mạnh:Thực hiện chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và luôn cẩn trọng để tránh bị ốm.
- Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn để loại bỏ vi rút có thể đang bám trên tay bạn.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị sốt và ho. Nếu bạn không khỏe, hãy ở nhà để tránh lây bệnh sang người khác.
- Không chạm tay vào mắt, mũi và miệng. Tay chạm vào nhiều bề mặt có thể bị nhiễm vi rút, khi tay bị nhiễm vi rút chạm vào mắt, mũi hoặc miệng có thể khiến vi rút xâm nhập vào cơ thể và làm bạn bị ốm.
- Đảm bảo bạn và những người xung quanh giữ gìn vệ sinh hô hấp thật tốt. Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay gập lại che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp đậy ngay lập tức.
Vượt qua sự căng thẳng trong dịch
- Việc cảm thấy buồn chán, căng thẳng, bối rối, sợ hãi hay tức giận khi xảy ra một cuộc khủng hoảng là chuyện bình thường. Trò chuyện với những người bạn tin cậy, bạn bè và gia đình có thể giúp xử lý tình trạng này.
- Nếu bạn phải ở nhà, hãy duy trì lối sống lành mạnh bao gồm: chế độ ăn, ngủ, tập thể dục hợp lý và duy trì các mối quan hệ xã hội với những người bạn yêu quý ngay tại nhà hay bằng email và điện thoại.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích khác để đối phó với cảm xúc của mình. Nếu bạn cảm thấy quá tải, hãy trò chuyện với nhân viên y tế hay nhân viên tư vấn. Hãy lên kế hoạch sẽ đi đâu và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ về thể chất và tinh thần khi cần.
- Chỉ tiếp nhận thông tin đúng đắn. Thu thập thông tin giúp bạn xác định được nguy cơ của mình một cách chính xác, để có những bước đề phòng hợp lý. Chọn xem những nguồn thông tin đáng tin cậy, như trang web của WHO, Bộ Y tế hay các địa phương.
- Hạn chế sự lo lắng và bực bội bằng cách giảm bớt thời gian bạn và gia đình xem hoặc nghe các chương trình khiến bạn cảm thấy khó chịu.
- Liệt kê những cách bạn đã sử dụng trong quá khứ từng giúp bạn vượt qua khó khăn, và dùng những cách này để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bạn trong thời gian đầy thử thách của dịch bệnh này.
Giúp trẻ em vượt qua sự căng thẳng trong mùa dịch
Trẻ em có thể phản ứng với sự căng thẳng theo nhiều cách khác nhau, như: trở nên đeo bám, lo lắng, thu mình, tức giận hay dễ bị kích động hơn, hoặc tè dầm nhiều hơn... Hãy đáp lại các phản ứng của trẻ theo cách cảm thông, hãy lắng nghe các lo lắng của trẻ và dành cho trẻ thêm tình yêu thương và sự quan tâm.
- Hãy nhớ cần lắng nghe, nói chuyện nhẹ nhàng và trấn an trẻ. Nếu có thể, hãy tạo điều kiện để trẻ vui chơi và nghỉ ngơi.
- Cố gắng thu xếp cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình, tránh việc chia cách trẻ với người chăm sóc. Nếu phải chia tách (như phải nhập viện), hãy đảm bảo có sự liên hệ thường xuyên (như qua điện thoại) để trấn an trẻ.
- Lên kế hoạch và duy trì lịch trình hoạt động hàng ngày, hoặc tạo ra những lịch trình mới ở các môi trường mới, như học tập và vui chơi giải trí an toàn.
- Nói thật với trẻ về việc đã xảy ra, dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ để giải thích cho trẻ biết việc gì đang diễn ra, kèm những thông tin rõ ràng về cách thức để giảm các nguy cơ bị nhiễm bệnh.
- Điều này bao gồm việc cho trẻ biết thông tin về những điều có thể xảy ra (như một thành viên gia đình và/ hoặc chính các em có thể sẽ cảm thấy không khỏe, và có thể sẽ phải vào bệnh viện một thời gian để bác sĩ giúp người đó được khỏe mạnh hơn).