Kiềng ba chân - Kim chỉ nam hoạt động của ngành Y
Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 3/1/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với ngành Y mục tiêu kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hành động đó là tư thế ở kiềng ba chân.
Thứ nhất: Chăm sóc sức khoẻ mọi người khi chưa bị bệnh từ các vấn đề sức khỏe ban đầu, phòng chống béo phì, ăn uống khoa học, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Thứ hai: Giải pháp khi mọi người đã bị bệnh, trong đó ngành y tế đang tập trung giảm tải bệnh viện, xây dựng các đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816... để chăm sóc người bệnh tốt hơn với khẩu hiệu không ai bị bỏ lại phía sau dù không có tiền.
Thứ ba: Làm sao để hai chân trên bền vững là vấn đề tài chính y tế, cung ứng khám chữa bệnh như thuốc và trang thiết bị và vấn đề con người. Theo bà Tiến, cả ba chân kiềng này ngành y đang thực hiện và đưa ra các mục tiêu cụ thể.
Bộ trưởng Tiến chia sẻ việc phòng chống bệnh tật phải bắt đầu từ phát triển y tế cơ sở.
Các trạm y tế xã phải quản lý được các bệnh, sức khỏe của từng người từ chiều cao cân nặng, chống còi xương, suy dinh dưỡng, tiêm chủng, ăn sạch, ở sạch, ăn để không béo phì, ngăn ngừa được các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường và các bệnh khác.
Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nỗi "ác mộng" của ngành Y
Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, do thay đổi môi trường sống, lối sống công nghiệp, ô nhiễm không khí nên bệnh không lây nhiễm đang trở thành nỗi "ác mộng" của ngành y. Các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường đều gia tăng nhanh chóng.
Bộ trưởng tỏ ra lo lắng vì bệnh tim mạch đang trở thành thủ phạm gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Nếu so với các bệnh lây nhiễm khác, bệnh tim mạch rất đáng sợ, được coi là căn bệnh thầm lặng và gây ra cái chết bất ngờ.
Ví dụ dịch sốt xuất huyết năm 2017 tại Việt Nam xảy ra ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Hà Nội tăng tới 700%, với hàng trăm nghìn người mắc.
Bộ trưởng Tiến cho biết cả nước ghi nhận 31 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong khi đó ở Philippine số ca mắc ít hơn và có gần 1.000 người tử vong vì nguyên nhân này.
Bộ trưởng Bộ Y tế lo ngại về bệnh không lây nhiễm gia tăng tại Việt Nam.
Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm, (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Trong khi 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường tuýp 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá… Nguyên nhân các bệnh này ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, đô thị hóa, lối sống của người dân...
Ở Việt Nam, đây cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng bệnh này ở Việt Nam vẫn ở mức báo động. Cứ 10 ca tử vong thì có 7 ca do bệnh không lây nhiễm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, số người thừa cân béo phì ngày càng tăng.
Bên cạnh đó người dân Việt Nam ăn mặn cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ người mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường được phát hiện và quản lý điều trị còn thấp.
Số liệu thống kê của ngành y tế cho thấy hiện chỉ có 43% bệnh nhân tăng huyết áp từng được bác sĩ chẩn đoán. Tỷ lệ bệnh nhân được quản lý tại cơ sở cũng chỉ chiếm 3,6%.
Ngoài ra, chỉ có 31% bệnh nhân đái tháo đường được bác sĩ chẩn đoán và hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.